Hoạt động của ngành

Du lịch Lạng Sơn: thực trạng và định hướng phát triển

Cập nhật: 27/05/2010 14:05:11
Số lần đọc: 5830
Nằm ở cửa ngõ phía Đông Bắc của Tổ quốc, Lạng Sơn là nơi có khá nhiều thuận lợi về điều kiện tự nhiên; có đường biên giới giáp với Quảng Tây - Trung Quốc, có 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu quốc gia và các cặp chợ biên giới; có các quốc lộ 1A, 1B, 4A, 4B, 279 và tuyến đường sắt liên vận quốc tế chạy qua; có nhiều thắng cảnh và di tích văn hoá, di tích lịch sử, như động Nhị Thanh, chùa Tam Thanh, núi Tô Thị, Chùa Tiên, khu du lịch nghỉ mát Mẫu Sơn, hệ thống các hang động ở Hữu Lũng, Chi Lăng, Bình Gia và Bắc Sơn,...

Lạng Sơn là nơi có nhiều dân tộc cùng chung sống, là sự hoà nhập của cộng đồng, những tập quán sinh hoạt, những phong tục hội hè, những phiên chợ vùng cao, những ngày hội Lồng thồng, những sắc màu trang phục truyền thống, những áng ca dao, cũng như những làn điệu dân ca, hát then, hát sli, hát lượn .... đều say đắm lòng người. Ngoài ra quê hương Xứ Lạng còn có những nét văn hoá ẩm thực đặc sắc mang đậm những phong vị riêng như: phở chua, vịt quay, khau nhục, xá xíu, thịt lạp, xôi ngũ sắc, bánh cuốn, bánh phồng, măng ớt, khẩu Shi ... Cùng với các món ăn đó, các loại hoa quả tại vùng quê Xứ Lạng cũng đa dạng phong phú như: mơ, lê Tràng Định, mận Bình Gia, quýt Bắc Sơn, hồng không hạt Bảo Lâm, na Chi Lăng, đào Mẫu Sơn... Sự phong phú, đa dạng và độc đáo của các sản phẩm ẩm thực của Lạng Sơn sẽ là ấn tượng sâu sắc đối với du khách sau mỗi lần đến thăm, tìm hiểu và thưởng thức.

    

Vị trí của Lạng Sơn trở nên quan trọng cho ngành du lịch của tỉnh nhà và cho ngành du lịch cả nước. Đặc biệt từ khi Đảng và Nhà nước thực hiện đường lối chính sách đổi mới và hội nhập, các hệ thống trung tâm thương mại, các khu kinh tế cửa khẩu và chợ biên giới tại Lạng Sơn được xây dựng và nâng cấp, cùng với các thủ tục hành chính được cải cách thuận tiện…. Nên việc giao lưu buôn bán và tham quan du lịch ngày càng diễn ra sôi động, từng bước đưa Lạng Sơn trở thành một trong những trung tâm giao lưu buôn bán, tham quan quan du lịch với các loại hình như: du lịch mua sắm, du lịch tâm linh, du lịch tham quan nghỉ dưỡng, du lịch biên giới và sang nước bạn Trung Quốc.

    

Trên cơ sở các văn bản của Chính phủ về phát triển du lịch, đặc biệt là Chương trình hành động quốc gia về du lịch và sự quan tâm giúp đỡ của Tổng cục Du lịch, ngành du lịch của tỉnh đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch Lạng Sơn các giai đoạn 2000 - 2005 và 2006 - 2010; tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo phát triển du lịch của tỉnh và ban hành Chương trình hành động phát triển du lịch các giai đoạn 2000 - 2005; 2006 - 2010; đề xuất xây dựng các quy định ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh, trong đó có lĩnh vực du lịch. Do đó những năm qua tốc độ tăng trưởng ngành du lịch dịch vụ bình quân đạt 13,2 %, chiếm 38,8 % trong cơ cấu GDP của tỉnh.

   

Công tác quản lý nhà nước về du lịch được ổn định và kiện toàn đáp ứng yêu cầu công việc; phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh như: Công an, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh giải quyết kịp thời thuận lợi các thủ tục xuất nhập cảnh cho khách du lịch.

   

Công tác xúc tiến du lịch ngày càng được quan tâm. Những năm qua ngành luôn tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến du lịch như: hội chợ, hội thảo, tọa đàm và các hoạt động xúc tiến khác nhằm quảng bá cho khách du lịch, nhà đầu tư về tiềm năng du lịch Lạng Sơn.

    

Xác định du lịch biên giới là một thế mạnh của du lịch Lạng Sơn, do đó cơ quan quản lý nhà nước về du lịch của tỉnh đã thường xuyên trao đổi để hợp tác với Cục Du lịch Quảng Tây - Trung Quốc ký các biên bản thỏa thuận, bản ghi nhớ giữa hai bên để tạo điều kiện thuận cho các doanh nghiệp lữ hành của hai bên hợp tác trao đổi khách với nhau, phối hợp về xúc tiến quảng bá để khai thác nguồn khách mở rộng thị trường, mặt khác trao đổi và bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cũng như phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.

    

Về quy hoạch và các dự án đầu tư: Hiện nay Lạng Sơn đang triển khai xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh giai đoạn 2010 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Lập Dự án điều chỉnh Quy hoạch khu du lịch Mẫu Sơn theo hướng mở rộng quy mô lớn hơn; Một số quy hoạch chi tiết và dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư các khu, điểm du lịch khác trên địa bàn đã phê duyệt, được triển khai, quản lý và thực hiện theo các quy định hiện hành.

   

Về hoạt động du lịch dịch vụ: Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch được các doanh nghiệp đầu tư mới và thường xuyên cải tạo nâng cấp, bổ sung trang thiết bị với số vốn hàng trăm tỷ đồng. Nâng số cơ sở lưu trú đến thời điểm hiện nay lên hàng trăm cơ sở, với hơn 3000 giường. Hoạt động kinh doanh lữ hành có sự chuyển biến tích cực, các đơn vị đã chủ động khai thác nguồn khách và thị trường du lịch, nhất là thị trường Trung Quốc, với nhiều loại hình du lịch, nhiều tour, tuyến khác nhau như: du lịch lễ hội, du lịch sinh thái, du lịch gắn với khảo sát thị trường tạo cơ hội kinh doanh, hội thảo khoa học, mua sắm ....

   

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, thì du lịch Lạng Sơn cũng còn nhiều khó khăn bất cập, đặc biệt là tiềm năng và thế mạnh về du lịch chưa được khai thác tương xứng. Vì vậy trên cơ sở các chủ trương, định hướng của tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn xác định một số nhiệm vụ trọng tâm về phát triển du lịch trong thời gian tới như sau:

     

Về quy hoạch và xây dựng các dự án phát triển du lịch: Sớm hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Lạng Sơn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, các khu, điểm du lịch như: Phát triển Khu du lịch Mẫu Sơn theo hướng mở rộng với nhiều nội dung phong phú và riêng biệt hướng tới thành khu lịch quốc gia; Đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án tại các khu du lịch Nhị Tam Thanh, thành Nhà Mạc, khu du lịch sinh thái Hồ Nà Tâm, các điểm vui chơi giải trí trên địa bàn thành phố và các cửa khẩu; Triển khai thực hiện các đề án về quy hoạch tổng thể, quy hoạch các khu, các điểm du lịch và các ngành nghề truyền thống của tỉnh. Đầu tư các khu, điểm du lịch gắn kết, đan xen để phát triển một số loại hình du lịch là thế mạnh của tỉnh như: du lịch tâm linh; du lịch sinh thái, hang động; du lịch mua sắm; du lịch cửa khẩu và tham quan các danh lam thắng cảnh.

    

Đặc biệt là cùng với các trung tâm thương mại tại khu kinh tế cửa khẩu Tân Thanh đã được đầu tư và trở thành điểm du lịch mua săm hấp dẫn, Lạng Sơn còn nằm trong quy hoạch phát triển tuyến hành lang kinh tế: Nam Ninh - (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng (Việt Nam), mặt khác Chính Phủ đã phê duyệt Đề án xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn và ban hành Quy chế hoạt động. Với các chính sách đầu tư mở rộng, cơ chế quản lý năng động sẽ mở ra cho du lịch Lạng Sơn thời cơ, vận hội mới để phát triển.

   

Nghiên cứu quy hoạch tôn tạo các di tích, danh thắng, khôi phục những nét văn hóa đặc sắc như: hát then, sli, lượn, các món ăn ẩm thực truyền thống có chất lượng và mang đậm tính riêng của vùng đất Xứ Lạng để phục vụ khách du lịch.

    

Đẩy mạnh phát triển các tour tuyến du lịch: Tiếp tục phát huy những tour du lịch truyền thống, trong đó đặc biệt là chú trọng phát huy thế mạnh về loại hình du lịch như: du lịch mua sắm tại các khu cửa khẩu và trung tâm thành phố Lạng Sơn; du lịch cửa khẩu biên giới và đi vào nội địa Trung Quốc; du lịch tâm linh, du lịch hang động và cảnh quan môi trường sinh thái. Tạo điều kiện cho các danh nghiệp trong và ngoài tỉnh liên kết khảo sát và xây dựng các tour, tuyến du lịch mới với các hình thức và phương tiện cả về đường bộ, đường sắt và đường hàng không; trong đó tập trung những tour tuyến nhằm khai thác nguồn khách đầy tiềm năng từ các tỉnh, thành phố lớn của đất nước như thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành lân cận. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao chất lượng các dịch vụ và đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm giới thiệu về tiềm năng, các điểm đến của Lạng Sơn với du khách, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nghiên cứu, đề xuất xây dựng các cơ chế chính sách như: ưu đãi khuyến khích đầu tư phát triển du lịch, các thủ tục quản lý xuất nhập cảnh và các thủ tục hành chính khác nhằm tạo thuận lợi nhất cho du khách và nhà đầu tư đến với Lạng Sơn. Chú trọng công tác đào tạo đội ngũ CBCNV làm du lịch bằng nhiều hình thức. Về hợp tác phát triển: Chú trọng phát huy những kết quả đạt được từ sự hợp tác với các tỉnh bạn, với Quảng Tây Trung Quốc. Đặc biệt là tiếp tục liên kết và hợp tác với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các, tỉnh thành phố lân cận như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng để cùng thúc đẩy tạo cơ hội mới cho du lịch phát triển hiệu quả và bền vững hơn.

    

Với những nhiệm vụ cơ bản nêu trên, cùng với sự nỗ lực các cấp các ngành, đặc biệt là bằng năng động sáng tạo của các doanh nghiệp du lịch và cộng đồng xã hội trên địa bàn tỉnh, tin tưởng rằng du lịch Lạng Sơn sẽ có bước phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn trong tương lai.

Nguồn: Báo Lạng Sơn

Cùng chuyên mục