Hoạt động của ngành

Thừa Thiên-Huế khai thác tiềm năng văn hoá và lễ hội phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ

Cập nhật: 27/02/2009 13:02:52
Số lần đọc: 2682
Tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp như: xây dựng và phát triển nhiều sản phẩm du lịch mới mang tính đặc thù của vùng đất cố đô Huế; kế thừa và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, lễ hội, không ngừng hoàn thiện chất lượng sản phẩm du lịch, hoặc liên kết để tổ chức thành công các các sự kiện văn hoá, du lịch…

Tỉnh đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá, tập trung khai thác khách du lịch ở một số thị trường trọng điểm, tiềm năng trong khu vực như: Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và những thị trường truyền thống ở Tây Âu, Bắc Mỹ…

Hiện nay tại Thừa Thiên-Huế có hơn 100 lễ hội dân gian, lễ hội truyền thống và hiện đại đã được các địa phương khôi phục và phát huy, bao gồm lễ hội cung đình Huế (tế Nam Giao, tế Đàn Xã Tắc, lễ Truyền Lô, lễ tế Văn Miếu...); các lễ hội văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo (lễ Phật Đản, lễ hội Điện Huệ Nam, lễ hội Quán Thế Âm...); lễ hội tưởng nhớ các vị khai canh, thành hoàng, lễ tưởng niệm các vị tổ sư làng nghề (Lễ hội Cầu Ngư, Lễ hội vật võ Làng Sình, vật võ Làng Thủ Lễ, đu tiên Phong Hiền, Lễ hội Làng Chuồn, Lễ hội đua ghe, lễ hội thả diều...). Nhiều lễ hội khác cũng được tổ chức như lễ hội Đền Huyền Trân, Ngày hội Văn hóa Thể thao đồng bào các dân tộc miền núi, Lễ hội Lăng Cô huyền thoại biển, Lễ hội Thuận An biển gọi. Đặc biệt, quy mô và ấn tượng nhất là lễ hội Festival Huế được tổ chức định kỳ hai năm một lần vào các năm chẵn, Festival Nghề truyền thống hai năm một lần vào các năm lẻ với một chuỗi những hoạt động văn hóa, lễ hội ấn tượng, đặc sắc gắn kết với nhau đã được trình diễn trong các kỳ Festival. Riêng Lễ hội Đền Huyền Trân lần đầu được tổ chức tại Huế vào ngày 9 tháng Giêng năm 2009 đã thu hút hơn 30.000 lượt khách du lịch tham dự...

Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên-Huế, ông Phan Tiến Dũng đánh giá: Du lịch và dịch vụ du lịch ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, trở thành một trong ba ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Từ chỗ chỉ chiếm 25% đến 35% trong tổng thu nhập kinh tế của tỉnh năm 1990, đến nay du lịch và dịch vụ đã vươn lên chiếm tới hơn 43%. Năm 2009, tỉnh Thừa Thiên-Huế phấn đấu đón 2 triệu lượt khách du lịch. Riêng Quần thể di tích Cố đô Huế đón 1,8 triệu lượt khách du lịch đến tham quan, doanh thu đạt 80 tỷ đồng/năm.../.

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục