Hoạt động của ngành

Lào Cai: Giải pháp cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch

Cập nhật: 13/02/2009 08:22:31
Số lần đọc: 2726
Xây dựng các sản phẩm du lịch mới gắn với việc đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh và nâng cao chất lượng dịch vụ là những giải pháp mang tính lâu dài cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch Lào Cai.

Trước tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đối với ngành du lịch nói chung và ngành du lịch Việt Nam nói riêng khiến tốc độ tăng trưởng bị sụt giảm. Riêng đối với tỉnh Lào Cai, do ảnh hưởng của cơn bão số 4 trong năm 2008 cũng như tình trạng giao thông đường bộ xuống cấp, tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai quá tải… nên lượng khách du lịch trong năm chỉ đạt 667 nghìn lượt, bằng 96,6% so kế hoạch, đây cũng là năm đầu tiên du lịch Lào Cai không đạt chỉ tiêu kế hoạch về lượng khách.

Dự báo năm 2009, thị trường du lịch vẫn đình trệ và còn nhiều khó khăn; nhằm chặn đà suy giảm, khôi phục nhịp độ tăng trưởng khách du lịch đến Lào Cai, ngành du lịch của địa phương cần có một chương trình hành động với những giải pháp cấp bách thu hút khách du lịch.

Xây dựng và triển khai chương trình khuyến mại

Ngành du lịch địa phương cần lựa chọn một số doanh nghiệp lữ hành quốc tế đủ mạnh, thành lập các câu lạc bộ thị trường, xây dựng các tour du lịch khuyến mại điển hình với mức giảm giá dự kiến đến 30% cho 5 dịch vụ du lịch cơ bản như vận chuyển, lưu trú, ăn uống, điểm vui chơi, tham quan, giải trí và lữ hành, thực hiện từ đầu năm cho đến tháng 9/2009.

Khảo sát và lựa chọn một số nhà hàng có uy tín tại thành phố Lào Cai và Sa Pa để xây dựng chương trình “Thưởng thức hải sản tươi” cho khách du lịch Trung Quốc và “Thưởng thức đặc sản Tây Bắc” cho khách du lịch nội địa với mức giảm giá dự kiến tới 30%.

Với vị thế Lào Cai là “cầu nối” của Việt Nam với thị trường Tây Nam – Trung Quốc rộng lớn, ngành du lịch cần nhanh chóng xây dựng “Modul” riêng bằng tiếng Trung Quốc về chương trình khuyến mại dành cho khách Trung Quốc trên các website của địa phương và liên kết quảng bá trên các website du lịch của tỉnh Vân Nam – Trung Quốc, đồng thời cần xây dựng chương trình du lịch kiểu mẫu phục vụ du khách Trung Quốc theo tuyến Lào Cai – Hà Nội - Hải Phòng – Quảng Ninh và phục vụ du khách Việt Nam theo tuyến Lào Cai - Hồng Hà – Vân Nam.

Thực hiện một số chiến dịch quảng bá và xúc tiến du lịch

Song hành với việc xây dựng “Modul” riêng để giới thiệu chương trình khuyến mại của du lịch Lào Cai là đẩy mạnh hoạt động quảng bá hình ảnh du lịch Lào Cai với chủ đề “Ấn tượng Lào Cai” qua kênh hợp tác trên các website du lịch của hai tỉnh Lào Cai – Vân Nam.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc quảng bá hình ảnh du lịch Lào Cai thông qua chương trình du lịch về cội nguồn (hợp tác giữa 3 tỉnh Lào Cai – Yên Bái – Phú Thọ) và trên các phương tiện thông tin đại chúng của Việt Nam và của nước ngoài nhằm thu hút khách du lịch trong nước và nước ngoài.

Một trong những hoạt động xúc tiến du lịch không thể thiếu là thực hiện chương trình “Tiếp thị điểm đến tại chỗ” thông qua hoạt động của các Trung tâm có chức năng về du lịch tại các điểm thông tin du lịch bằng hình thức tặng ấn phẩm bản đồ du lịch, bưu ảnh, tờ rơi… cho du khách khi đến Lào Cai để quảng bá theo hình thức truyền tay và truyền miệng.

Tổ chức tốt các sự kiện du lịch của địa phương nhằm thu hút khách du lịch, trong đó tập trung vào các sự kiện lớn như: Hội xuân Đền Thượng, tuần văn hoá du lịch Sa Pa, tuần văn hoá du lịch Bảo Yên, lễ hội đua ngựa truyền thống Lào Cai; chương trình du lịch “Khám phá Fansipan - kỳ quan thiên nhiên thế giới”…. và các hoạt động chuẩn bị cho năm du lịch quốc gia 2010.

Cung sản phẩm du lịch mới và nâng cao chất lượng dịch vụ

Đây là giải pháp mang tính lâu dài, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch địa phương. Theo đó, ngành du lịch sẽ tiếp tục nghiên cứu, khảo sát xây dựng các sản phẩm du lịch mới không chỉ với Lào Cai mà cần gắn với cung đường đẹp nhất Việt Nam do Tổng cục du lịch bình chọn, đó là cung đường từ Nghĩa Lộ đi qua Mù Căng Chải (tỉnh Yên Bái) tới Sa Pa, Mường Khương, Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) vượt sang Xín Mần (tỉnh Hà Giang) qua đó tập trung xúc tiến thu hút khách từ một số thị trường quan trọng như: ASEAN, Trung Quốc và châu Âu.

Thực hiện khuyến mại, giảm giá là một giải pháp cấp bách để ngành du lịch khôi phục lại thị trường, nhưng chất lượng dịch vụ du lịch vẫn phải được đảm bảo và ngày một nâng cao, bởi chỉ bớt xén đi một vài khâu, thì đó là lại là cắt giảm. Vì thế, chất lượng dịch vụ du lịch là yếu tố then chốt tạo nên uy tín, thương hiệu cho ngành du lịch. Tuy nhiên thời gian qua chất lượng dịch vụ của một số đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ hội nhập. Để giải quyết vấn đề này, ngành du lịch địa phương cần đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn hoá cho hướng dẫn viên du lịch, hướng dẫn và kiểm tra, đánh giá chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng; thực hiện tốt qui định về vệ sinh an toàn thực phẩm, mở chiến dịch làm sạch môi trường tại các điểm du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ vận chuyển khách du lịch theo hướng văn minh, lịch sự, hiện đại, đảm bảo tiện nghi...

Tin tưởng rằng, với những giải pháp cấp bách kích cầu thị trường du lịch và sự quyết tâm đồng lòng đồng sức, ngành du lịch Lào Cai sẽ vượt qua những khó khăn và hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2009, Lào Cai đón gần 700 nghìn khách du lịch.

Nguồn: ĐCSVN

Cùng chuyên mục