Hoạt động của ngành

Lý Sơn - Quảng Ngãi: Phát triển du lịch cần đi đôi với bảo tồn

Cập nhật: 01/09/2017 09:04:17
Số lần đọc: 902
Những năm gần đây, lượng du khách đến Lý Sơn tăng nhanh, vì thế đòi hỏi phải có những định hướng và giải pháp phát triển du lịch bền vững nhằm khai thác tiềm năng và lợi thế của huyện đảo này.


Lý Sơn nên tổ chức hoạt động du lịch sinh thái, tập trung khai thác các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên

Huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) nằm cách đất liền 15 hải lý. Đây là nơi lưu giữ những bằng chứng lịch sử thiêng liêng về chủ quyền của Tổ quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây cũng là nơi có những kiến tạo địa chất độc đáo, giàu bản sắc văn hóa, con người mộc mạc, thân thiện…

Cảnh đẹp thiên nhiên của Lý Sơn được tạo nên từ sự hòa quyện giữa núi và biển. Hoạt động phun trào của núi lửa đã tạo nên hình thế Lý Sơn hôm nay với thềm địa chất có niên đại từ hàng triệu năm, những vách đá kỳ vĩ ở hang Câu, chùa Hang, cổng Tò Vò trên cạn và dưới mặt biển.

Với các giá trị địa chất, địa mạo đó, tỉnh Quảng Ngãi đang hoàn tất hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Lý Sơn-Bình Châu, huyện Bình Sơn và vùng phụ cận trở thành Công viên Địa chất toàn cầu.

Hoạt động du lịch tại Lý Sơn chính thức được khởi động vào năm 2007 khi tỉnh Quảng Ngãi chủ trương mở tuyến du lịch thành phố Quảng Ngãi-Mỹ Khê-Lý Sơn. Trong những năm qua, lượng khách du lịch đến với Lý Sơn ngày càng tăng, chất lượng dịch vụ du lịch cũng từng bước được cải thiện, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch cũng được doanh nghiệp và người dân đầu tư ngày càng hoàn thiện, đặc biệt là sau khi Lý Sơn hòa điện lưới quốc gia.

Năm 2016, Lý Sơn, đón gần 165.000 lượt khách. 8 tháng năm 2017 huyện đảo này đã đón 210.000 lượt. Huyện Lý Sơn hiện có 109 cơ sở kinh doanh lưu trú với gần 650 phòng…

Tuy nhiên, du lịch Lý Sơn đang đối diện với nguy cơ phát triển thiếu bền vững do tình trạng phát triển “nóng” thời gian qua làm phá vỡ cảnh quan hoang sơ trên đảo, tài nguyên thiên nhiên bị xâm hại, các điểm du lịch bị ô nhiễm, hệ thống giao thông thủy, giao thông đường bộ còn nhiều hạn chế; cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ cho du khách còn thiếu và yếu; chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch chưa cao…

Xây dựng đảo Lý Sơn thành đảo xanh-sạch-đẹp

Với định hướng phát triển khu du lịch sinh thái biển đảo Lý Sơn là sản phẩm đặc trưng làm tiền đề định vị thương hiệu du lịch cho tỉnh Quảng Ngãi, hội thảo “Phát triển du lịch Lý Sơn” do UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức ngày 30/8 tập trung đề ra các giải pháp phát triển du lịch bền vững phù hợp với quy hoạch phát triển ngành du lịch địa phương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.

Tại hội thảo, các đại biểu đều cho rằng du lịch biển đảo Lý Sơn đang ở giai đoạn phát triển, do vậy cần phải có quy hoạch tổng thể, gìn giữ tài nguyên, môi trường, bảo tồn các di sản văn hóa, di tích lịch sử; chú trọng tạo ra sự khác biệt riêng về sản phẩm du lịch ở công viên địa chất toàn cầu…

Theo PGS.TSKH. Vũ Cao Minh (Viện Địa chất thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), trong quy hoạch, Lý Sơn nên chú ý đến quy định về độ lớn và chiều cao công trình để không lấn át cảnh quan và để tôn chiều cao các miệng, đỉnh núi lửa, vách đá. Chiều cao công trình cần thấp hơn so với núi lửa thấp nhất. Về kiến trúc công trình, nên khuyến khích các chủ đầu tư thiết kế theo kiểu dáng được lấy cảm hứng từ núi lửa và biển, tạo nên vẻ độc đáo riêng…

Lý Sơn nên xây dựng các khu vui chơi giải trí, mua sắm để đáp ứng nhu cầu của du khách. Xây dựng Lý Sơn kỳ thú với các loại hình du lịch như du ngoạn mặt biển vòng quanh đảo, nối đảo Lớn với đảo Bé, trong lòng núi lửa... Tuy nhiên, theo ông Vũ Cao Minh, không được quy hoạch Hang Câu thành bãi tắm công cộng để bảo tồn được vẻ đẹp nguyên sơ của di sản.

Ông Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, di sản địa chất khi đã bị phá hủy thì không bao giờ phục hồi được, do vậy, phát triển du lịch cần phải hướng đến bền vững và bảo tồn.

Còn TS. Chu Mạnh Trinh (Khu Bảo tồn biển Cù lao Chàm, tỉnh Quảng Nam) đề xuất cần phải có một cách tiếp cận phù hợp, ứng xử văn minh với thiên nhiên. Một trong những định hướng đó là con người phải hợp tác, đồng hành trong quản lý và bảo vệ thiên nhiên.

Lý Sơn nên tổ chức hoạt động du lịch sinh thái, tập trung khai thác các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên như bãi biển cát san hô trắng, sạch, làn nước biển trong xanh ngọc bích; cảnh quan địa chất, đồng cỏ, bãi cam đàng, quần thể cua Đá, sân chim, rạn san hô, thảm cỏ biển, đa dạng sinh học biển; ưu tiên các hoạt động tích cực như đi bộ, đi xe đạp, homestay, câu cá đại dương; ưu tiên phát triển các dịch vụ hỗ trợ học tập, nghiên cứu, đào tạo đến từ các trường học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước.

TS. Chu Mạnh Trinh cũng đề xuất: Dịch vụ du lịch như nhà hàng, khách sạn, resort nên được phân bố trong vùng đất liền ven biển - nơi mà các công trình này có thể bố trí hài hòa và kết nối với thành phố Quảng Ngãi, hoặc các nơi từ thượng nguồn, hai hướng Bắc, Nam một cách thuận tiện, hiệu quả kinh tế.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đưa ra nhiều giải pháp để du lịch Lý Sơn phát triển như: Chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, bảo tồn biển; tăng cường liên kết vùng, địa phương; đầu tư hơn nữa cho hạ tầng giao thông phục vụ du lịch; xây dựng đảo Lý Sơn thành đảo xanh-sạch-đẹp.../.

Nguồn: Chinhphu.vn

Cùng chuyên mục