Hoạt động của ngành

Hợp tác phát triển du lịch giữa Kiên Giang - TP. Hồ Chí Minh

Cập nhật: 26/12/2008 13:12:57
Số lần đọc: 1950
Nội dung hợp tác giữa hai ngành được triển khai thực hiện trên 5 lĩnh vực gồm: hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý; trên lĩnh vực quy hoạch, kêu gọi đầu tư; hợp tác về xúc tiến, quảng bá du lịch; hợp tác về phát triển sản phẩm du lịch và hợp tác về lĩnh vực bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực du lịch.

Sáng ngày 23/12/2008 tại hội trường Sở Văn hoá,Thể thao và Du lịch tỉnh Kiên Giang đã diễn ra Lễ ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa Sở VHTTDL tỉnh Kiên Giang và Sở VHTTDL thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2009-2015. Đến dự Lễ ký kết giữa hai ngành có bà Trần Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang; lãnh đạo Sở VHTTDL thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang; đại diện một số sở, ngành, các công ty, khách sạn du lịch hai tỉnh, thành phố và phóng viên báo, đài.

 

Mục đích ký kết chương trình hợp tác giữa hai địa phương nhằm hỗ trợ lẫn nhau để phát huy lợi thế của mỗi địa phương và khai thác các nguồn lực một cách hợp lý; tạo động lực để du lịch trong vùng phát triển một cách bền vững. Theo đó, nội dung hợp tác giữa hai ngành được triển khai thực hiện trên 5 lĩnh vực gồm: hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý; trên lĩnh vực quy hoạch, kêu gọi đầu tư; hợp tác về xúc tiến, quảng bá du lịch; hợp tác về phát triển sản phẩm du lịch và hợp tác về lĩnh vực bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực du lịch.

 

Trong công tác quản lý nhà nước, hai sở trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ giúp nhau nâng cao năng lực quản lý nhà nước về hoạt động du lịch, công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; cung cấp thông tin về tình hình hoạt động du lịch của hai địa phương, các vướng mắc trong quản lý và phối hợp hỗ trợ nhau đề xuất với các cấp, các ngành có biện pháp tháo gỡ. Sở VHTTDL TP. Hồ Chí Minh sẽ tạo điều kiện hỗ trợ Sở VHTTDL Kiên Giang và các doanh nghiệp du lịch kinh nghiệm về áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý du lịch.

 

Trên lĩnh vực quy hoạch, kêu gọi đầu tư, Kiên Giang thường xuyên cập nhật cơ chế chính sách của địa phương, các danh mục dự án kêu gọi đầu tư, đặc biệt là khu du lịch Phú Quốc để TP. Hồ Chí Minh thông tin cho các doanh nghiệp biết. Ngược lại, TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ, giới thiệu các chuyên gia về quy hoạch phát triển du lịch; tổ chức cho các doanh nghiệp, phóng viên báo đài đi khảo sát các địa điểm có dự án kêu gọi đầu tư du lịch tại Kiên Giang; hỗ trợ Kiên Giang tổ chức các hội nghị kêu gọi đầu tư và hội thảo chuyên đề tại TP.Hồ Chí Minh để tác động, kêu gọi các doanh nghiệp thành phố đầu tư vào Kiên Giang.

 

Về xúc tiến, quảng bá du lịch, ngoài việc trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau còn phối hợp tham gia các hội thảo, hội chợ, triển lãm, các sự kiện và lễ hội tiêu biểu của hai địa phương; cùng tham dự các Hội chợ du lịch quốc tế để quảng bá, tiếp thị sản phẩm du lịch. TP.Hồ Chí Minh mời Kiên Giang tham gia các sự kiện như: Ngày hội du lịch TP.Hồ Chí Minh, Hội chợ quốc tế du lịch ITE, Lễ hội trái cây Nam bộ, Ngày hội đường hoa- phố hoa…Hỗ trợ giới thiệu du lịch Kiên Giang trên Tạp chí Du lịch TP.Hồ Chí Minh và trên báo, đài. Kiên Giang mời TP.Hồ Chí Minh tham gia sự kiện Lễ hội Nguyễn Trung Trực, Tao đàn Chiêu Anh Các, Lễ hội Ók om bok… Hai bên phối hợp thực hiện những phóng sự về tour, tuyến, các điểm đến kết nối giữa hai địa phương, nhất là các tour đường bộ, đường biển từ TP.Hồ Chí Minh qua Kiên Giang đến Campuchia và Thái Lan để quảng bá du lịch giữa hai địa phương.

 

Về phát triển sản phẩm du lịch, hai sở thường xuyên cung cấp thông tin về các điểm du lịch, chương trình tour và các sản phẩm du lịch mới để giới thiệu với các doanh nghiệp trong và ngoài nước và quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các doanh nghiệp cũng liên kết phối hợp để xây dựng các sản phẩm du lịch, các tour du lịch kết nối các tuyến, điểm du lịch giữa hai địa phương.

 

Trên lĩnh vực bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, TP.Hồ Chí Minh sẽ cung cấp thông tin về các khóa đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ do thành phố tổ chức như: khóa Giám đốc lữ hành, quản lý khách sạn vừa và nhỏ…Đặc biệt sẽ miễn học phí các chương trình do Sở VHTTDL TP.Hồ Chí Minh tổ chức cho cán bộ trong ngành VHTTDL Kiên Giang, kể cả cán bộ huyện, thị, thành phố. Ngoài ra, TP.Hồ Chí Minh còn phối hợp tham gia xây dựng chương trình đào tạo và giới thiệu giảng viên hoặc phối hợp tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng tại Kiên Giang như quản lý khách sạn, quản lý lữ hành, du lịch sinh thái và phát triển bền vững…

 

Trên cơ sở chương trình hợp tác phát triển du lịch đã được ký kết, mỗi sở sẽ thành lập Ban chỉ đạo do một đồng chí trong Ban Giám đốc sở làm trưởng ban trực tiếp theo dõi, chỉ đạo và phân công bộ phận tham mưu thực hiện. Định kỳ mỗi năm một lần luân phiên tổ chức họp sơ kết có sự tham gia của các doanh nghiệp để thông tin hai chiều về hoạt động du lịch và tình hình hợp tác phát triển của hai địa phương.

 

Phát biểu tại Lễ ký kết, bà Trần Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, Kiên Giang là tỉnh có tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch nhưng còn thiếu phương pháp, mô hình và kỹ năng thực hiện. Do đó để thực hiện tốt chương trình ký kết giữa hai địa phương, bà đề nghị TP.Hồ Chí Minh tăng cường hỗ trợ cho Kiên Giang, nhất là trên lĩnh vực xúc tiến, quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch và trong công tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực. Đồng thời, yêu cầu ngay từ bây giờ Sở VHTTDL Kiên Giang phải chủ động nghiên cứu những vấn đề bức xúc, trọng tâm cần trao đổi và xin sự trợ giúp của TP.Hồ Chí Minh. Sau Lễ ký kết cần xây dựng và triển khai kế hoạch với nội dung, lộ trình thời gian thực hiện một cách cụ thể.

Nguồn: Kiên Giang

Cùng chuyên mục