Hoạt động của ngành

TP.HCM: Xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới

Cập nhật: 15/02/2017 09:10:57
Số lần đọc: 984
Năm 2017, bên cạnh việc tiếp tục phát triển các sản phẩm du lịch hiện của thành phố, TP.HCM cũng tập trung hình thành, phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, đặc trưng và thế mạnh để thu hút khách du lịch.


Đường Bùi Viện được đề xuất là phố đi bộ

Mở tour du lịch đến các chợ đầu mối

Tại buổi họp báo cáo kế hoạch phát triển ngành Du lịch TP.HCM năm 2017 mới đây, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị Sở Du lịch phối hợp với Sở Công thương xây dựng triển khai tour du lịch đến các chợ đầu mối.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, các chợ đầu mối của TP.HCM như chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn... thường hoạt động từ khuya, sẽ tạo nên sự độc đáo khi du khách khám phá cuộc sống của người dân về đêm. Cùng với đó, các chợ đầu mối cùng cần có sự kết nối những đặc sản của các tỉnh thành lân cận giới thiệu để thu hút du khách. Đồng quan điểm, đại diện Sở Công thương TP.HCM bổ sung kèm theo tour tham quan chợ đầu mối là một số hoạt động bán thức ăn địa phương để thu hút du khách.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cũng chỉ đạo, trong thời gian tới, mỗi quận huyện của TP phải tư duy, đầu tư để có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng cho tính chất, thế mạnh của địa phương mình. Ví dụ như quận 1 đang đề xuất làm con đường âm nhạc; chợ phiên hàng Việt hằng tuần, phố đi bộ Bùi Viện; quận 5 đề xuất làm phố đông y gắn với du lịch…

“Việc này không thể chờ UBND TP mà Sở Du lịch phải chủ động làm việc với các quận huyện để  bàn cụ thể, bắt tay vào làm. Phải xem du lịch là một giải pháp để phát triển”, ông Tuyến nhấn mạnh.

Sở Du lịch TP.HCM cũng cho rằng, TP.HCM đang thiếu chỗ để khách có thể sinh hoạt, tham gia các hoạt động giải trí ngoài các tuyến đường bộ. Chính vì thế, Sở đã đề nghị tiến hành cho xã hội hóa sân khấu Sen Hồng (công viên 23/9, Q.1) để hình thành các sản phẩm phục vụ người dân và du khách.

Tour… làm đẹp răng

Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ, cho rằng trên thế giới có khá nhiều quốc gia, các thành phố phát triển du lịch thường có tour chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp. Chẳng hạn, Hàn Quốc nổi tiếng là xứ sở của phẫu thuật thẩm mỹ, nhiều người đến Hàn Quốc để sử dụng dịch vụ làm đẹp này. Tới đây, một trong những mũi nhọn du lịch của TP.HCM là sẽ phát triển du lịch gắn với chăm sóc sắc đẹp.

Theo ông Vũ, ưu thế của Việt Nam, cụ thể là TP.HCM có đội ngũ bác sĩ nha khoa giỏi tay nghề, giá thành của các dịch vụ về nha khoa cạnh tranh so với các nước trong khu vực và trên thế giới nên hoàn toàn có thể chọn phát triển nha khoa thẩm mỹ là điểm nhấn để thu hút du khách.

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng sẽ phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng và thế mạnh như du lịch MICE; sản phẩm du lịch đường thủy nội đô; sản phẩm du lịch có trách nhiệm gắn với phát triển nông thôn mới; sản phẩm du lịch gắn với hoạt động thể dục thể thao; sản phẩm du lịch ẩm thực; sản phẩm du lịch kết hợp nghỉ dưỡng; đưa liên hoan nghệ thuật đường phố quốc tế trở thành sự kiện du lịch thường niên, đồng thời đưa các chương trình, tiết mục đạt giải trong liên hoan vào biểu diễn định kỳ hàng tuần tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ, một số địa điểm tập trung đông du khách…

“Tiếp tục nâng cao hình ảnh điểm đến TP.HCM hấp dẫn – thân thiện – an toàn, thúc đẩy tăng trưởng du lịch theo hướng bền vững, tạo chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch trên cơ sở quảng bá, xúc tiến, hợp tác quốc tế, chủ động hội nhập quốc tế và khu vực, hướng đến phát triển du lịch có trách nhiệm, gắn với đa dạng sản phẩm, dẫn đầu cả nước về lượng khách quốc tế, nội địa và doanh thu ngành, đến cuối năm 2017, du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố”, ông Vũ khẳng định.n

TP.HCM hiện có 1.129 doanh nghiệp lữ hành; 2.217 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 51.747 phòng được xếp hạng từ đạt tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch đến 5 sao; 76 cơ sở mua sắm và 120 cơ sở ăn uống đã được cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; 3.562 hướng dẫn viên du lịch quốc tế và 1.446 hướng dẫn viên du lịch nội địa; 998 phương tiện giao thông đường bộ đăng ký cấp biển hiệu vận chuyển du lịch và hơn 60 tàu nhà hàng, thuyền, ca nô phục vụ du lịch đường thủy.
Nguồn: Báo Du lịch

Cùng chuyên mục