Hoạt động của ngành

Du lịch sinh thái bền vững – Hướng phát triển đầy tiềm năng ở Quảng Nam

Cập nhật: 08/07/2016 14:17:09
Số lần đọc: 1302
Với những đặc tính và thế mạnh về địa hình sông nước, con người và những giá trị văn hóa lịch sử, thôn Triêm Tây thuộc xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã và đang trở thành hình mẫu trong việc phát triển các loại hình du lịch làng nghề, du lịch sinh thái, văn hóa bền vững ở tỉnh Quảng Nam.

Từ một nông dân, trở thành Chủ nhiệm, nay là Giám đốc Hợp tác xã du lịch cộng đồng Triêm Tây, ông Nguyễn Yên chia sẻ: Cách đây chưa lâu, người dân Triêm Tây quanh năm chỉ quen với chân lấm tay bùn trên những thửa ruộng ven bờ sông Thu Bồn. Mọi việc thay đổi kể từ năm 2014 khi tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và tổ chức UNESSCO và tỉnh Quảng Nam chọn Triêm Tây là một trong những địa phương được hỗ trợ để phát triển du lịch sinh thái, du lịch làng quê và phát triển du lịch vào vùng sâu trong đất liền. Ngay sau đó, Hợp tác xã nông nghiệp làng Triêm Tây gắn với các dịch vụ du lịch hết sức sơ khai đã ra đời với 25 hộ thành viên là bà con trong làng góp vốn điều lệ ban đầu được 50 triệu đồng. Vốn điều lệ ban đầu được bà con tự nguyện đóng góp và cùng chia sẻ lợi nhuận với nhau. 

Để làm du lịch, trước hết người dân làng Triêm Tây bắt tay ngay vào việc vệ sinh cảnh quang môi trường, chỉnh trang ruộng vườn, nhà cửa, đường giao thông, hàng rào quanh vườn nhà bằng trụ bê tông, lưới sắt được dần dần thay thế bằng hàng rào xanh. Cung cách giao tiếp với người ngoài của người dân trong làng từ “đặc sản thuần nông” sang “kỹ năng du lịch” cũng đã dần thay đổi.

Tiếp theo việc “chỉnh trang làng quê”, nhiều lớp tập huấn về nghiệp vụ du lịch do các tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và tổ chức UNESSCO tại Việt Nam tổ chức đã thu hút hàng trăm hộ dân trong làng tham gia. Từ những lớp học này đã giúp người dân Triêm Tây “biến” những những hoạt động gắn liền với đời sống hằng ngày của người dân nơi đây như làm vườn, đánh bắt cá trên sông, các hoạt động trong sản xuất nông nghiệp như người và gia súc cùng làm đất để gieo trồng, sử dụng các nông cụ thô sơ để tưới nước… trở thành những sản phẩm hấp dẫn du khách, nhất là khách quốc tế.

Bên cạnh đó, nhiều gia đình trong làng đã đầu tư kinh phí để sửa chữa nhà ở của mình theo mô hình các Homestay để đón khách du lịch. Với những sản phẩm du lịch tại chỗ cộng với các dịch vụ đón, tiếp khách ngày càng đi vào nền nếp, chỉ sau 6 tháng đi vào hoạt động, làng du lịch cộng đồng Triêm Tây đã thu hút hơn 3000 lượt khách đến tham quan, doanh thu trong 6 tháng đạt gần 300 triệu đồng, tính bình quân mỗi gia đình trong làng mỗi tháng có thu nhập thêm trên 2 triệu đồng từ du lịch. Bắt đầu từ năm 2016 này Hợp tác xã du lịch cộng đồng Triêm Tây thực hiện việc thu lợi nhuận 10% trên doanh thu để bổ sung vào Qũy theo điều lệ để từng bước mở rộng quy mô kinh doanh và nâng cao chất lượng dịch vụ. 

Ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhận xét: Phát triển du lịch trách nhiệm và bền vững tại Quảng Nam nói chung và làng Triêm Tây nói riêng đã góp phần cải thiện nguồn sinh kế cho cộng đồng địa phương đồng thời đảm bảo các nguồn lực về văn hóa và môi trường được sử dụng một cách bền vững. Hoạt dộng du lịch tại các làng nghề, làng du lịch cộng đồng đã góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển du lịch giữa các khu vực ven biển và khu vực đất liền với vùng sâu vùng xa, góp phần giảm nghèo bằng cách tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện các nguồn sinh kế cho người dân địa phương trên cơ sở đẩy mạnh sản phẩm du lịch xanh và thân thiện với môi trường, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho ngành du lịch, tăng cường vai trò của văn hóa và di sản trong phát triển biền vững. Phát triển du lịch bền vững phù hợp với từng đặc điểm của địa phương là một điều không hề đơn giản, vì mỗi địa phương, điểm đến đều có đặc thù về tài nguyên du lịch khác nhau, ý thức của cộng đồng khác nhau.  Do đó, du lịch có trách nhiệm và bền vững cần được các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp du lịch lồng ghép trong các loại hình như: Du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch làng quê, làng nghề… nhằm bảo tồn tài nguyên, thu hút cộng đồng tham gia vào các hoạt động du lịch để cùng được chia sẻ lợi ích, hưởng lợi từ du lịch gắn với nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường. Đây chính là điều kiện cơ bản để làng du lịch Triêm Tây cũng như làng du lịch các địa phương khác trong tỉnh bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hóa của mình trong phát triển kinh tế-xã hội.

Tham quan mô hình du lịch sinh thái cộng đồng của Hợp tác xã du lịch cộng đồng Triêm Tây, ông Cornelius Gregg, chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Geneva nhận xét: Cũng giống như nhiều nơi khác của Việt Nam, thu nhập từ du lịch của người dân ở làng Triêm Tây vẫn còn thấp hơn so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân của tình trạng này thì nhiều nhưng điều căn bản nhất là cần phải nâng cao chất lượng đội ngũ phục vụ, đào tạo kỹ năng nghiệp vụ du lịch cho người dân, nâng cao nhận thức của công chúng về du lịch bền vững, phát triển sản phẩm du lịch nhằm tăng thu nhập cho người dân. Mặt khác, làng du lịch Triêm Tây cũng phải hướng con người gắn bó chặt chẽ hơn với người khác trong quá trình làm du lịch, gắn du lịch với bảo tồn văn hóa, làm cho mọi người dân có ý thức gìn giữ hương sắc của làng quê trong quá trình phát triển. Làng du lịch cộng đồng Triêm Tây nói riêng và ngành du lịch nói riêng cần đặt hàng cho các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề vững vàng, đáp ứng đòi hỏi cao của du khách, nhất là khách quốc tế. Được như vậy, làng du lịch Triêm Tây sẽ không chỉ là điểm đến của du khách mà còn là hình mẫu để tỉnh Quảng Nam phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái bền vững, ông Cornelius Gregg nhấn mạnh./.

Nguồn: ĐCSVN

Cùng chuyên mục