Hoạt động của ngành

Bình Liêu (Quảng Ninh): Đưa hát Then - đàn tính trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng

Cập nhật: 20/10/2015 08:41:11
Số lần đọc: 1070
Thực hiện Nghị quyết TW 5 (khoá VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc”, những năm qua huyện Bình Liêu luôn chú trọng việc chăm lo phát triển văn hoá, củng cố nền tảng tinh thần của đồng bào các dân tộc, để văn hoá thực sự vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá hát Then - đàn tính của dân tộc Tày luôn được quan tâm đầu tư.


Tiết mục hát Then - đàn tính trong chương trình nghệ thuật chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV.

Với trên 95% dân số là người dân tộc thiểu số (dân tộc Tày chiếm đa số), Bình Liêu được coi là một trong những cái nôi nuôi dưỡng làn điệu hát Then trong toàn tỉnh. Đặc biệt năm 2013, nghi lễ Then của người Tày tỉnh Quảng Ninh đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia. Đây là niềm tự hào và là động lực để cấp uỷ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh nói chung và dân tộc Tày nói riêng cố gắng hơn nữa trong việc bảo tồn, phát huy các làn điệu hát Then.

Mặc dù điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhưng những năm qua Bình Liêu đã có nhiều hình thức để bảo tồn và phổ biến làn điệu hát Then trong đời sống xã hội. Phòng VHTT huyện đã sưu tầm 70 bài hát Then - đàn tính qua các thời kỳ, sưu tầm được 2 trích đoạn Then cổ, cải biên nhưng vẫn giữ những nét đặc trưng làn điệu hát Then, hướng dẫn thành lập Câu lạc bộ (CLB) hát Then ở mỗi xã nhằm tập hợp các nghệ nhân, những người biết hát và yêu thích hát Then để luyện tập, phục vụ cộng đồng ở nơi cư trú. Bà Hoàng Thị Nghị, Trưởng Phòng VHTT tin huyện, cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, thời gian qua chúng tôi đã tích cực tuyên truyền, nhân rộng CLB Then - Thơ - Ca trên toàn địa bàn. Đến nay, đã thành lập được 11 CLB. Nhìn chung, các CLB sinh hoạt đều đặn và hoạt động có hiệu quả. Chúng tôi cũng đang tiến hành xây dựng hồ sơ đề cử “Then Tày - Nùng - Thái” trình UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể...”.

Nhằm nhân rộng mô hình hoạt động của CLB hát Then - đàn tính, thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia, tạo ra phong trào sâu rộng, năm nay huyện đã hỗ trợ mỗi CLB 20 triệu đồng để duy trì hoạt động. Đồng thời, thường xuyên cử cán bộ hỗ trợ, hướng dẫn tập luyện, dàn dựng sinh động hoá, sân khấu hoá các tiết mục biểu diễn. Huyện còn thường xuyên, quan tâm, chăm lo cho những nghệ nhân hát Then, tạo điều kiện mời những nghệ nhân am hiểu Then, biết sáng tác Then và đánh đàn tính đến truyền dạy các CLB mới thành lập, giúp họ bắt nhịp nhanh chóng với phong trào chung. Song song với đó, để những nét đẹp trong sinh hoạt văn hoá của người Tày không bị mai một, huyện còn chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục, nhằm giúp đồng bào dân tộc Tày nói riêng và đồng bào thiểu số khác nói chung hiểu và gìn giữ bản sắc văn hoá của dân tộc mình. Đồng thời gắn kết việc bảo tồn văn hoá dân tộc với các phong trào thi đua, phong trào văn hoá, văn nghệ của địa phương đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”.

Là một trong số những CLB hát Then được thành lập sớm trên địa bàn huyện, CLB hát Then - đàn tính xã Tình Húc luôn duy trì sinh hoạt đều đặn và hiệu quả. Với 18 thành viên ở nhiều lứa tuổi do nghệ nhân dân gian Việt Nam Lương Thiêm Phú phụ trách, CLB sinh hoạt đều đặn vào các ngày cuối tuần tại Nhà văn hoá thôn Chang Nà. Nghệ nhân Lương Thiêm Phú chia sẻ: Ngoài việc làm, đánh đàn tính, truyền dạy hát Then cho các thành viên, ông còn truyền dạy cho 30 học viên ở 2 lớp hát Then - đàn tính của huyện Tiên Yên; tổ chức giao lưu với CLB bạn; tham gia giao lưu văn hoá, văn nghệ với CLB nước bạn Trung Hoa vào các dịp lễ, Tết.

Các trường học trong huyện cũng thành lập và duy trì tốt CLB hát Then - đàn tính, giúp học sinh có thêm hoạt động ngoại khoá bổ sung kiến thức văn hoá; đồng thời phát hiện, bồi dưỡng những tài năng trẻ, nhằm trẻ hoá đội ngũ hát Then hiện nay.

Làn điệu Then và cây đàn tính là nét văn hoá đặc trưng của đồng bào dân tộc Tày. Ðể bảo tồn, phát triển loại hình nghệ thuật này cần có đề án tổng thể, trong đó phải sưu tầm được những tiết mục, bài hát Then cổ đang có nguy cơ mai một. Ðồng thời, vận động đội ngũ văn nghệ sĩ, người yêu thích hát Then cải biên Then cổ, sáng tác mới, dàn dựng hình thức thể hiện mới trên cơ sở tôn trọng đặc trưng của loại hình nghệ thuật này để phù hợp thị hiếu thế hệ trẻ. Qua đó, giá trị của nét sinh hoạt văn hoá độc đáo này sẽ được gìn giữ, phát huy, phát triển và sáng tạo để phục vụ đời sống văn hoá, tinh thần của xã hội. Thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc, gắn du lịch địa phương với các nét đẹp văn hoá. Trong đó, hát Then - đàn tính sẽ trở thành sản phẩm thế mạnh được mọi người biết đến và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đông đảo người dân cũng như du khách./.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục