Non nước Việt Nam

Năm 2010, khai trương Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Cập nhật: 29/10/2008 13:30:21
Số lần đọc: 2372
Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được xây dựng tại một vị trí đẹp, bán sơn địa, có địa hình đồi núi, hồ nước và cảnh quan thiên nhiên đa dạng, với diện tích 1.544 ha ở khu nam hồ Ðồng Mô - Ngải Sơn, TP. Sơn Tây (Hà Nội) sẽ hoàn thành vào năm 2010.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 540/QÐ-Ttg phê duyệt kế hoạch đầu tư phát triển Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đến năm 2015. Hiện nay, toàn bộ diện tích 1.544 ha thực hiện dự án tại khu nam hồ Ðồng Mô - Ngải Sơn, TP. Sơn Tây (Hà Nội) đã hoàn thành giải phóng mặt bằng hơn 99%, cơ sở hạ tầng chung đang được xây dựng. Ðến năm 2010, khu các làng dân tộc Việt Nam với 34/54 làng của dự án sẽ được hoàn thành, đón khách du lịch đúng vào dịp đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

 

Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được xây dựng tại một vị trí đẹp, bán sơn địa, có địa hình đồi núi, hồ nước và cảnh quan thiên nhiên đa dạng, gần với đặc trưng của nhiều vùng, miền đất nước, không khí trong lành, hệ sinh thái phong phú; là nơi hội tụ những điều kiện thuận lợi về tự nhiên và văn hóa, lại gần với non Tản linh thiêng, gắn liền huyền thoại Sơn Tinh - Thủy Tinh thời dựng nước.

 

Ðây cũng là khu vực cách trung tâm Hà Nội 35- 40 km, thuận tiện cho việc đi lại của du khách và phù hợp việc xây dựng một trung tâm văn hóa, du lịch mang tính quốc gia, một tổng thể hữu cơ nhằm tập trung tái hiện, giữ gìn, phát huy và khai thác các giá trị văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam; giới thiệu đất nước, con người Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử; các di sản văn hóa thế giới, đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, du lịch của nhân dân và du khách.

 

Dự án Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được thực hiện trên diện tích 606 ha mặt đất và 939 ha mặt nước, bao gồm sáu khu chức năng chính, mỗi khu lại có nhiều dự án thành phần khác nhau. Ðiểm nhấn là khu vực xây dựng 54 làng dân tộc với cảnh quan, kiến trúc đặc trưng.

 

Bên cạnh đó, các khu chức năng tái hiện một cách ước lệ và khái quát đất nước Việt Nam qua các thời kỳ dựng nước gắn với hệ thống dịch vụ thương mại, nhà hàng, du lịch, khách sạn, khu hành chính và cảnh quan; trong đó có bổ sung một số hạng mục dịch vụ, thể thao và vui chơi cao cấp. Ngoài ra là khu các di sản văn hóa thế giới; các trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, công viên nước, các công trình văn hóa và bến thuyền, v.v.

 

Vài năm tới, khi kế hoạch đường cao tốc Láng- Hòa Lạc hoàn thành và thời gian từ trung tâm Thủ đô đến đây được rút ngắn còn khoảng 30 phút đi ô-tô thì dự án sẽ trở thành một địa điểm lý tưởng thu hút du khách.

 

Hiện nay, theo quy hoạch tổng thể được duyệt, Chính phủ sẽ đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của toàn dự án cùng hệ thống cây xanh, cảnh quan và khu 54 làng dân tộc. Các hạng mục còn lại được thực hiện theo hình thức thu hút vốn của các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước. Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cũng đã được Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao các thẩm quyền để có thể chủ động trong công tác quản lý đầu tư xây dựng, huy động nguồn vốn ngoài ngân sách.

 

Ðến nay, qua quá trình đầu tư xây dựng với sự tham gia nghiên cứu, khảo sát, điều tra của các nhà khoa học thuộc nhiều chuyên ngành; lịch sử, văn hóa, dân tộc học, bảo tồn, bảo tàng, kiến trúc... đặc biệt là có sự tham khảo và tham gia trực tiếp, góp ý xây dựng của đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số, các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân cùng sự quan tâm, tạo điều kiện của Quốc hội, Chính phủ; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành liên quan, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã và đang triển khai nhiều dự án thành phần về hạ tầng kỹ thuật chung, trục trung tâm và khởi công xây dựng khu các làng dân tộc (hiện đã hoàn thành các làng dân tộc Gia Rai, Giẻ Triêng, Xtiêng và đang xây khu tháp Chăm).

 

Một yếu tố quan trọng là Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định phê duyệt kế hoạch đầu tư phát triển Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đến năm 2015. Ðây là hành lang pháp lý định hướng, tạo điều kiện, cơ chế và nguồn lực để đầu tư, phát triển dự án. Về mô hình, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã được xác định là một khu kinh tế- văn hóa đặc thù, trong đó tạo cơ chế để đồng bào dân tộc thiểu số và các địa phương tham gia xây dựng các khu làng dân tộc từ khâu thiết kế, thi công đến quản lý, vận hành và khai thác.

 

Một đề án tổng thể, đồng bộ và chi tiết nhằm bảo đảm hoàn thành những mục tiêu đề ra đã được Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam xây dựng một cách chi tiết, đồng bộ với các nhóm công việc cần làm và ngày 19-9-2008, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt tại Quyết định số 3969/QÐ-BVHTTDL. Trong đó đề ra sáu nhóm giải pháp cơ bản: Hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo khung pháp lý và môi trường đầu tư thuận lợi; huy động nguồn lực đầu tư, bổ trợ; nâng cao tính chuyên nghiệp về quản lý, điều hành; lập hệ thống kiểm soát, điều chỉnh kịp thời; đẩy mạnh quảng bá và hợp tác quốc tế.

 

Kế hoạch đầu tư phát triển từ nay đến năm 2015 được xác lập khá rõ, bao gồm hai giai đoạn. Năm 2010, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ khai trương, hoàn chỉnh 34 trong tổng số 54 làng dân tộc; thu hút đầu tư hai khu chức năng là khu trung tâm văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí và khu dịch vụ, du lịch và khách sạn.

 

Ðến năm 2015 sẽ hoàn thành toàn bộ việc xây dựng; đưa vào hoạt động 54 làng của khu các làng dân tộc Việt Nam cùng các dự án phụ trợ; kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý, phục vụ, đào tạo nguồn nhân lực để vận hành và khai thác hiệu quả toàn bộ dự án. Khi đó, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ trở thành một  trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch quốc gia, một bảo tàng sống về dân tộc học có sự tham gia bảo tồn, giới thiệu và phát huy những nét đặc trưng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT