Non nước Việt Nam

Ninh Bình: Vùng đất nhiều kỳ tích và huyền thoại

Cập nhật: 08/10/2008 14:34:49
Số lần đọc: 4058
Thành phố Ninh Bình được hình thành ở cửa nước ngã ba sông, nơi gặp nhau giữa sông Đáy và sông Vân. Từ xa xưa ngã ba sông này đã là chợ Cá và bến Nứa. Từ chợ cá này đã phát triển thành một trung tâm kinh tế và chính trị văn hoá của một vùng, rồi của một tỉnh.

Có thể nói, sông Vân, một chi nhánh của sông Đáy với những giá trị to lớn về kinh tế - xã hội, đã có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn hoá của nhân dân Ninh Bình.

Vùng đất này nhiều kỳ tích và huyền thoại. Sông Vân còn gọi là Vân Sàng, gắn với truyền thuyết về Lê Hoàn khi thắng Tống trở về, Dương Vân Nga đã đem một đoàn cung nữ ra đón và mở tiệc giao hoan với nhà vua ở trên dòng sông. Cái tên Vân Sàng (giường mây) đã ra đời từ đó. Về sau nhân dân đã lập đền Thượng thờ Lê Hoàn và Dương Vân Nga ở ven bờ sông Vân và ca ngợi bằng đôi câu đối:

Khước Tống cả ca lưu thử địa

Tiếp Đinh chính thống thụ vu thiên

(Nghĩa là: Khúc ca thắng Tống còn truyền ở đất này/Nối tiếp nền chính thống của nhà Đinh hợp mệnh trời).

Núi Thuý còn gọi là núi Non Nước. Một quả núi nhỏ ở ngã ba sông, đã chứng kiến dấu tích của nhiều thời kỳ lịch sử. Ngay từ thời Lý Nhân Tông vào năm Quảng Hựu thứ 7 (1091) ông cha ta đã xây tháp Linh Tế trên núi. Trải qua mưa nắng tháp bị đổ, đến thời Trần Hiển Tông, nhà sư Trí Nhu đã xây lại tháp Linh Tế ở trên đỉnh núi, sáu năm mới xong (1337 - 1342). Trương Hán Siêu, một danh sĩ thời Trần đã có nhiều kỷ niệm với núi Non Nước. Trong bài "Dục Thuý Sơn Linh Tế tháp ký", Trương Hán Siêu đã cho biết "Tháp cao bốn tầng, đêm toả hào quang, người ở xa, gần đều trông thấy rõ". Trương Hán Siêu cũng là người đổi tên núi từ Băng Sơn thành Dục Thuý Sơn (Chim trả tắm).

Các vua Lê cũng đặt hành cung ở trên núi Thuý để thời thường đến chơi thăm. Nhà Nguyễn cũng cho đặt "Nữ Tường" (Tường bao quanh), chòi Pháp, xưởng đúc súng ở trên núi...

Núi Thuý còn là đề tài của các thi nhân xưa và nay. Hiếm có ngọn núi nào có trên 30 bài thơ văn khắc vào núi như núi Thuý và còn đến hàng trăm bài thơ vịnh cảnh của các nhà thơ qua các triều đại: Trần Anh Tông, Phạm Sư Mạnh, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Phạm Huy ích, Ngô Thì Nhậm, Ninh Tốn, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Phạm Văn Nghị...

Núi Thuý, sông Vân là biểu tượng của Ninh Bình, còn nói rộng ra đây là một vùng "Tứ giác nước" được tạo bởi sông Đáy, sông Hoàng Long và sông Vân.

Ninh Bình ngày nay có 6 huyện là Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư, Yên Mô, Yên Khánh, Kim Sơn, thị xã Tam Điệp và thành phố Ninh Bình - Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của tỉnh.

Vùng đất này có rừng núi, đồng bằng và ven biển, là vùng đệm giữa Bắc bộ và Trung bộ. Đây là vùng đất phù sa cổ ven chân núi có con người cư trú từ rất sớm. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện trầm tích có xương răng đười ươi và các động vật trên cạn ở Núi Ba (Tam Điệp) thuộc sơ kỳ đồ đá cũ, cách ta khoảng 30 vạn năm; ở Thung Lang (Tam Điệp) có niên đại cách ta khoảng 30 nghìn năm; động Người Xưa (Cúc Phương) có di chỉ cư trú của con người thời văn hoá Hoà Bình cách ta khoảng 7.580 ± 100 năm. Di tích của con người văn hoá Hoà Bình còn tìm thấy ở một số hang động ở Tam Điệp, Nho Quan. Sau thời kỳ văn hoá Hoà Bình, các nhà Khảo cổ cho rằng, vùng đồng bằng ven biển Thanh Hoá, Ninh Bình là nơi định cư của con người thời đại đồ đá mới Việt Nam. Di chỉ Đồng Vườn (Yên Thành, Yên Mô) đã được định niên đại muộn hơn di chỉ Gò Trũng (Di chỉ Gò Trũng có niên đại C14: 4.700 ± 50 năm cách ngày nay). Cư dân cổ di chỉ Đồng Vườn đã phát triển lên cư dân cổ di chỉ Mán Bạc (Yên Thành, Yên Mô) ở giai đoạn văn hoá đồ đồng từ cuối Phùng Nguyên đến đầu Đồng Đậu, cách ta 3.300 - 3.700 năm.

Trong quá trình kiến tạo địa chất, biển lùi dần tạo ra đồng bằng vùng hạ lưu sông Đáy. Con người tiến dần ra chiếm lĩnh vùng đồng bằng ven biển và tạo ra những trung tâm văn hoá như Hoa Lư, sau là kinh đô của cả nước trong 42 năm (968 - 1010), vùng ven sông Vân, sau là trung tâm của đạo, trấn rồi tỉnh Ninh Bình. Thế kỷ XVI - XVII, đạo Thiên Chúa được truyền vào Ninh Bình, dần dần hình thành trung tâm Thiên Chúa Giáo Phát Diệm. Công trình kiến trúc Nhà thờ đá Phát Diệm tuy là kiến trúc Thiên Chúa Giáo, nhưng vẫn mang đậm sắc thái phương Đông.

Dấu ấn về biển tiến còn in đậm trên đất Ninh Bình. Những địa danh: Cửa biển Phúc Thành (thành phố Ninh Bình), cửa biển Đại An (nay là ngã ba Độc Bộ), nơi tiếp giáp giữa Yên Khánh và Nghĩa Hưng, (Nam Định), cửa biển Con Mèo (Yên Thành, Yên Mô), cửa Càn (Yên Mạc, Yên Mô), cửa biển Thần Phù (Yên Lâm, Yên Mô) làm cho chúng ta có cảm tưởng một thời biển còn ở đâu đây, cùng với các địa danh về các cửa biển là các con đê lịch sử như đê Hồng Đức (1471), đê Hồng Lĩnh (1773) do Nguyễn Nghiễm - thân phụ Nguyễn Du đắp, đê Đường Quan (1830), đê Hồng Ân (1899, đê Hoàng Trực (1927), đê Văn Hải (1933 - 1934), đê Bình Minh I (1959 - 1960), đê Bình Minh II (1981). Cho đến nay vùng đất Ninh Bình vẫn tiến ra biển mỗi năm gần 100 m và người Kim Sơn vẫn "Lấn cói ra khơi đưa chân trời gần lại". Ninh Bình là một trong những tỉnh điển hình về sự mở rộng không gian văn hoá Việt xuống biển Đông. Từ ngàn xưa người dân Ninh Bình vẫn hướng ra biển, khát vọng chinh phục biển, đón nhận các luồng dân cư, các yếu tố văn hoá từ Bắc vào Nam, từ biển vào. Kinh tế biển còn in đậm trong các di chỉ văn hoá thời kỳ đồ đồng. Cho đến nay, kinh tế biển còn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh. Khai thác kinh tế biển như nghề đánh bắt cá biển, nuôi tôm sú, tôm rảo, nuôi cua... vẫn là hướng phát triển quan trọng. Như vậy bên cạnh văn hoá của cư dân Việt cổ, Ninh Bình còn có "văn hoá mới" của cư dân ven biển. Nếp sống của cư dân lấn biển mang tính chất động trong vùng văn hoá môi trường biển.

Dãy núi đá vôi ở phía Tây nam của tỉnh chạy dài ra tận biển theo hướng Tây bắc - Đông nam đã tạo ra nhiều hang động kỳ thú như: Tam Cốc, Bích Động, động Thiên Tôn, động Hoa Sơn, động Bàn Long, động Tam Giao, động Mã Tiên... Bích Động thời phong kiến đã được mệnh danh là "Nam thiên đệ nhị động" (Động đẹp thứ nhì dưới trời Nam, sau Hương Tích, Hà Tây). Địch Lộng là "Nam thiên đệ tam động" (động đẹp thứ ba dưới trời Nam). Ở phía nam thành phố Ninh Bình có một quả núi giống hình một cánh diều bay gọi là núi Cánh Diều, lại có hình như một người thiếu nữ nằm ngửa nhìn trời gọi là Ngọc Mỹ Nhân (Người con gái đẹp như ngọc).

Những hòn núi sát ven sông, soi mình xuống sông Hoàng Long, sông Đáy, sông Vân tạo thành những cảnh ngoạn mục.

Cùng với các di tích lịch sử - văn hoá là một kho tàng văn hoá dân gian như lễ hội truyền thống cố đô Hoa Lư, lễ hội đền Thái Vi, đền Thánh Nguyễn, đền Dâu, hội vật Yên Vệ... các công trình kiến trúc như đền vua Đinh, đền vua Lê, đình Trùng Hạ, đình Trùng Thượng, đình Thánh Nguyễn, làng chèo Phúc Trì, Nam Dân, Thượng Kiệm, những trung tâm hát chầu văn ở đền Dâu, phủ Đồi... nhiều làng nghề truyền thống như nghề điêu khắc đá Hệ Dưỡng, Xuân Vũ, nghề mộc Phúc Lộc, nghề thêu ren Văn Lâm, nghề chiếu cói ở Kim Sơn...

Văn hoá của vùng quê núi Thuý, sông Vân hoà đồng thống nhất trong văn hoá châu thổ Bắc bộ có đan xen văn hoá miền Trung. Có nhà nghiên cứu còn đặt vấn đề: Có một nền văn hoá Hoa Lư thế kỷ X? Phải chăng nền văn hoá ấy có sức sống mãnh liệt, tạo nên bản sắc văn hoá Ninh Bình. 

Nguồn: website Ninhbinhtourism

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT