Non nước Việt Nam

Thăm Lạng Sơn - Địa đầu Tổ quốc

Cập nhật: 12/09/2008 08:09:51
Số lần đọc: 2158
Là một tỉnh miền núi cách Thủ đô Hà Nội 154 km về hướng Đông Bắc, Lạng Sơn không chỉ là nơi địa đầu Tổ quốc mà còn là một trong những điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách. Lạng Sơn có hơn 250 km đường biên giới tiếp giáp tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), hai cửa khẩu quốc tế là Hữu Nghị và Đồng Đăng, hai cửa khẩu quốc gia là Chi Ma, Bình Nghi và nhiều chợ nằm cặp biên giới Trung Quốc. Đến đây, du khách tha hồ mua sắm, lựa chọn cho mình những món quà, đồ dùng ưng ý.

Ngoài phong cảnh núi non hùng vĩ và không khí mát mẻ trong lành, du khách đến Lạng Sơn còn được hòa mình trong không khí sôi động của những phiên chợ vùng cao. Thị trấn này còn hấp dẫn du khách bởi nét sinh hoạt và văn hóa của người dân các dân tộc cùng chung sống như: Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa, Sán...

Đặt chân đến Lạng Sơn, du khách sẽ được giới thiệu đến 4 điểm tham quan nức tiếng nằm trong 8 cảnh đẹp của xứ Lạng là: Động Nhị Thanh, Động Tam Thanh, Thành nhà Mạc và Nàng Tô Thị.

Chuyện kể rằng, cuối thế kỷ 18, một vị quan thời Lê là Ngô Thì Sỹ được cử đến Lạng Sơn làm quan Đốc Trấn, ông phát hiện ra một hang động đẹp bèn đặt tên là động Nhị Thanh. Từ đó, nơi đây đã trở thành một nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân quanh vùng. Ngô Thì Sỹ còn lập ra chùa Tam Giáo nằm ở thế đất cao bên phải cửa động. Chùa thờ 3 vị Thánh của 3 đạo là Khổng Tử (Đạo Nho), Đức Phật tổ Thích Ca (Đạo Phật) và Tổ Đạo Lý Lão quân (Đạo Giáo).

Động Nhị Thanh nằm phía dưới chùa Tam Giáo. Động đá này dài khoảng 500m, với hàng trăm nhũ đá hình dáng sinh động. Những dải nhũ đá rủ xuống khiến du khách không khỏi trầm trồ bởi như đang đi giữa một mê cung. Độc đáo hơn, tại hang động này, du khách có thể chiêm ngưỡng khoảng 20 văn bia tạc trực tiếp trên vách đá- là thủ bút của các danh nho đương thời. Ngay vòm cửa động còn lưu giữ một bức họa vẽ Ngô Thì Sỹ uy nghi, trang trọng.

Tại cửa sau của Nhị Thanh, du khách sẽ nhìn thấy Tam Thanh. Lòng động có chiều dài khoảng 50 m, tương truyền, gần cửa động có lối thông thiên (lên trời). Trong động có chùa Tam Thanh (Thanh Tiên Tự) được dựng từ thời Hậu Lê.. Tại chùa còn lưu giữ nhiều di vật quý. Đặc sắc nhất là bức tượng phù điêu A Di Đà được chạm nổi trên vách đá có niên đại từ thế kỷ 17. Đi giữa lòng hang, du khách sẽ cảm nhận được một không khí linh thiêng, huyền ảo toát lên từ những nhũ đá với nhiều hình dáng lạ thường.

Đi hết cửa thông thiên của Động Tam Thanh, khách sẽ đến Lầu Vọng Thị. Từ đây hướng về phía Đông Bắc, du khách sẽ thấy tượng đá nàng Tô Thị đang đứng mong chồng. Trải qua thời gian, di tích này đã phần nào bị hủy hoại, tuy nhiên chính quyền tỉnh Lạng Sơn đã cho dựng lại hình tượng này để gìn giữ câu chuyện đẹp về người phụ nữ Việt Nam. Gần đó là Thành nhà Mạc cổ kính, rêu phong mang đậm nét kiến trúc thời phong kiến Việt Nam. Đây là công trình quân sự do nhà Mạc xây dựng từ thế kỷ 17. Tại đây, quân lính nhà Mạc có thể kiểm soát con đường duy nhất nối giữa Việt Nam và Trung Quốc thời đó.

Khu du lịch Mẫu Sơn cách thành phố Lạng Sơn khoảng 30km về phía Đông, nằm trên đỉnh núi có độ cao 1.541m so với mặt nước biển. Đến Mẫu Sơn vào mùa thu, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cảnh đẹp hoang dại và lãng mạn nhất của thiên nhiên với muôn ngàn sắc hoa hòa vào sắc vàng của các cánh ruộng bậc thang đang độ chín. Giữa cảnh vật, thiên nhiên tươi đẹp ấy, hình dáng các bà, các chị người Tày và người Dao gùi hàng đi chợ càng làm bức tranh Mẫu Sơn thêm sinh động. Hiện nay, núi Mẫu Sơn đã trở thành một trong những khu du lịch, nghỉ dưỡng với nhiều dịch vụ hấp dẫn.

Đến Lạng Sơn, du khách nên dành thời gian đi chợ Kỳ Lừa, một ngôi chợ truyền thống có từ hàng trăm năm nay, nằm ở trung tâm thành phố Lạng Sơn. Đến nay, ngôi chợ này vẫn giữ vị trí là một khu mua bán sầm uất nhất của nhân dân trong vùng. Thú vị hơn là vào các ngày chợ phiên, thanh niên nam nữ các dân tộc ít người đến để tìm bạn trao đổi tâm tình. Tại đây, du khách có thể chọn mua được nhiều kỷ vật do chính người dân tộc làm ra để làm kỷ niệm cho chuyến đi.

Lạng Sơn còn được biết đến như một trong những nơi phát hiện ra các di chỉ của người Việt thời sơ sử, tiền sử. Đến nay, Lạng Sơn còn lưu giữ kho tàng văn hóa dân gian phong phú, với những làn điệu dân ca trữ tình, cùng với các ngày lễ hội, chợ núi in đậm bản sắc của các dân tộc xứ Lạng.

Nguồn: Báo Cần Thơ

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT