Hoạt động của ngành

Du lịch làng nghề: Sản phẩm cần phát triển của du lịch Vĩnh Phúc

Cập nhật: 03/01/2013 10:36:56
Số lần đọc: 1840
Trong xu thế hội nhập và mở cửa, làng nghề truyền thống đang dần lấy lại vị trí quan trọng của mình trong đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội của mỗi địa phương. Những làng nghề này như một hình ảnh đầy bản sắc, khẳng định nét riêng biệt, độc đáo không thể thay thế. Một cách giới thiệu sinh động về đất, nước và con người của mỗi vùng, miền, địa phương. Phát triển du lịch làng nghề chính là một hướng đi đúng đắn và phù hợp, được nhiều địa phương ưu tiên trong chính sách quảng bá và phát triển du lịch.

Những lợi ích to lớn của việc phát triển du lịch làng nghề không chỉ tăng trưởng lợi nhuận kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động địa phương mà hơn thế nữa, còn là một cách thức gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hoá của dân tộc. Đó là những lợi ích lâu dài không thể tính được trong ngày một ngày hai.

 

Một địa phương muốn thu hút khách du lịch, tạo ra nhiều loại hình du lịch hấp dẫn đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách thì phải bắt tay vào việc xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch gắn liền với việc khai thác có chiều sâu và khai thác đúng tài nguyên du lịch của địa phương, trong đó có sản phẩm du lịch làng nghề, góp phần tạo nên tập hợp các dịch vụ, đáp ứng các nhu cầu trong quá trình đi du lịch của du khách.

 

Vĩnh Phúc chưa có những làng nghề đã nổi tiếng như: Gốm Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội; Làng Tranh Đông Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh; Làng đá Non Nước, Đà Nẵng; Làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội... thu hút nhiều du khách tìm đến. Nhưng nếu được đầu tư đúng cách, những làng nghề truyền thống như Làng gốm Hương Canh, mây tre đan Triệu Đề, đá Hải Lựu, mộc Bích Chu, mộc Yên Lạc, rèn Lý Nhân, rắn Vĩnh Sơn… sẽ có khả năng thu hút khách du lịch không kém.

 

Lợi thế của phần lớn các làng nghề là nằm trên trục giao thông thuận lợi, cả đường bộ lẫn đường sông nên thuận tiện để xây dựng các chương trình du lịch kết hợp. Tại những làng nghề hiện nay vẫn có những nghệ nhân, cá nhân, gia đình còn tâm huyết với nghề; sản phẩm của làng nghề vẫn còn được nhiều người nhớ đến và có sự khác biệt.

 

Tuy nhiên các làng nghề hiện nay chủ yếu chỉ dừng lại ở việc sản xuất nhỏ lẻ, tự cung tự cấp, chưa chú ý đến cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng. Chủ nhân các làng nghề thường chỉ sản xuất khi có thời gian nhàn rỗi, phạm vi thu hẹp trong gia đình nên không thu hút được nhiều lao động. Tất cả vẫn chỉ là những nỗ lực tự phát, chưa hình thành được cách làm chuyên nghiệp. Bởi vậy, vấn đề đi tìm các biện pháp để sản phẩm du lịch làng nghề thực sự phát huy tiềm năng và hiệu quả, đóng góp ngày một lớn và bền vững hơn cho mục tiêu phát triển du lịch cũng như phát triển kinh tế, xã hội, bảo tồn các giá trị văn hóa… được coi là nhiệm vụ hết sức cấp thiết, nhất là trong việc thực hiện mục tiêu đưa du lịch Vĩnh Phúc trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra.

 

Những vấn đề cần chú trọng là:

 

Thứ nhất là công tác quy hoạch làng nghề: Công tác quy hoạch cần chú trọng hoàn thiện quy hoạch hệ thống các làng nghề phục vụ du lịch và đẩy mạnh đầu tư nhằm hoàn thiện đồng bộ để hình thành ở mỗi làng nghề là một điểm đến. Trong đó, ưu tiên cải tạo và xây dựng mới cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho làng nghề gắn với chương trình văn hóa nông thôn mới, tập trung vào hệ thống công trình giao thông đi lại trong từng làng nghề... quá trình đầu tư có tính đến sự phù hợp của hệ thống đối với cảnh quan tự nhiên của các làng nghề nhằm thu hút khách du lịch.

 

Thứ hai là vấn đề môi trường làng nghề: Cần quy định trách nhiệm của chính quyền cơ sở, nhất định phải làm rõ vấn đề xử lý môi trường khi xây dựng và phát triển làng nghề. Không để xảy ra vấn đề môi trường rồi mới xử lý, mà phải bắt đầu từ quy hoạch, nếu không có giải pháp xử lý vấn đề về môi trường thì nhất định chưa cho sản xuất. Đây là vấn đề cần rút kinh nghiệm triệt để, tránh tình trạng để sảy ra tình trạng gây ô nhiễm môi trường một cách nặng nề như một số địa phương mà nguyên nhân là do quá trình sả thải từ các làng nghề.

 

Thứ ba là vấn đề định hướng phát triển làng nghề nhằm phục vụ mục đích phục vụ du lịch. Khác với trước đây, các cơ sở sản xuất, các làng nghề sản xuất quy mô nhỏ, không có các dịch vụ đi kèm, thì hiện nay các làng nghề cần bổ sung các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch như: Nơi ăn, nghỉ, sản phẩm hàng hoá. Để làm được vấn đề này cần có sự phối hợp thu hút đầu tư của chính quyền địa phương, tư vấn của cơ quan chuyên môn để thực hiện hiệu quả việc bảo tồn và nâng cao kỹ năng tay nghề nghệ nhân, gìn giữ văn hóa truyền thống, tạo công ăn việc làm ở nông thôn, sản phẩm du lịch, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân địa phương. Hơn nữa, hoạt động sản xuất làng nghề phát triển còn là động lực thúc đẩy phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ, vận tải, thông tin, y tế giáo dục… tác động trở lại, tạo điều kiện phát triển mạnh hơn nghề truyền thống của địa phương.

 

Thứ tư là sự liên kết giữa các làng nghề, để phát triển du lịch làng nghề đòi hỏi phải có sự kết nối sâu rộng hơn giữa các làng nghề để khai thác triệt để những tiềm năng còn bỏ ngỏ. Đây còn là phương thức nhân lên sức mạnh thương hiệu, góp phần giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển làng nghề trong hội nhập. Tuy nhiên trên thực tế những người lao động trong các làng nghề vốn chưa quen làm du lịch, dịch vụ, nên còn hạn chế trong cung cách phục vụ. Do đó, khi phát triển loại hình du lịch này là cần có định hướng và sự hỗ trợ tích cực từ các cấp, ngành hữu quan. Đặc biệt là phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, có giải pháp quản lý chất lượng dịch vụ từ các khâu chuyên chở, phục vụ, đón tiếp, hướng dẫn và điều hành tạo cảm giác thoải mái và an toàn cho du khách.

 

Thứ năm là nâng cao hoạt động của các làng nghề gắn với hoạt động du lịch. Lựa chọn một số làng nghề đang thu hút khách để định hướng đầu tư các dịch vụ du lịch, hình thành nên các phòng trưng bày (hay bảo tàng làng nghề) các trạm thông tin và hướng dẫn du lịch. Ưu tiên việc đầu tư các thiết chế văn hóa thể thao để duy trì và tăng cường các hoạt động sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng làng nghề kết hợp phục vụ du khách. Tích cực tuyên truyền văn hóa du lịch tới từng hộ dân để từng bước đẩy mạnh hoạt động du lịch cộng đồng tại làng nghề, hướng đến tự các làng nghề tổ chức và điều hành các hoạt động du lịch. Tiếp tục thu hút vốn đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia để trùng tu, tôn tạo các di tích gắn với lịch sử làng nghề. Phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống như các phong tục, tập quán riêng có của từng làng nghề.

 

Thứ sáu là tập trung đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về du lịch để hình thành một đội ngũ làm du lịch tại chỗ theo hai hướng: Hình thành đội ngũ quản lý và điều hành hoạt động du lịch tại làng nghề; huy động cộng đồng dân cư tại làng nghề tham gia vào quá trình hoạt động du lịch. Trong đó, ưu tiên vinh danh những nghệ nhân và khuyến khích những nghệ nhân này trực tiếp hướng dẫn khách du lịch tham gia vào quá trình hướng dẫn sản xuất sản phẩm cho các du khách.

 

Thứ bảy là đa dạng hóa sản phẩm làng nghề, tập trung sản xuất các mặt hàng có giá trị nghệ thuật, phù hợp với thị hiếu của du khách. Hầu hết du khách khi đi du lịch ít khi mua các sản phẩm có kích thước và trọng lượng lớn. Họ thường có xu hướng mua các sản phẩm vừa và nhỏ, độc đáo, lạ mắt, có giá trị nghệ thuật để làm đồ lưu niệm hoặc làm quà cho người thân. Các làng nghề cần tìm hiểu nắm bắt được nhu cầu này của khách du lịch để tạo ra các sản phẩm phù hợp. Ðối với một số làng nghề, khi khách du lịch tới tham quan các cơ sở sản xuất có thể hướng dẫn họ tự làm một số sản phẩm đơn giản. Du khách thường tìm hiểu quy trình sản xuất, cách làm và đặc biệt thích tự tay mình làm được một sản phẩm nào đó dù rất đơn giản dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân hay những người thợ ở đây. Khi đó những trải nghiệm mà du khách có được sẽ càng có giá trị và ấn tượng mạnh mẽ về chuyến đi. Nó cũng sẽ tạo nên sự khác biệt, điểm nhấn độc đáo của chuyến tham quan.

 

Thứ tám là quảng bá du lịch làng nghề: Đây là khâu cuối cùng nhưng lại có vai trò quan trọng quyết định để hình ảnh làng nghề đến được với đông đảo du khách trong và ngoài nước. Bản thân làng nghề cùng với sự hỗ trợ của địa phương, các cơ quan thông tin, báo chí…cần có chiến lược lâu dài, bài bản với các hình thức thông tin phong phú. Quảng bá phải gắn liền giữa gìn giữ được bản sắc, những nét tinh hoa của làng nghề cũng như môi trường sống của người dân với việc chú trọng tới làm du lịch, làm kinh tế. Cụ thể như tổ chức tham gia các hội chợ triển lãm, hội chợ du lịch trong nước và quốc tế. Giới thiệu thông tin chi tiết về các sản phẩm làng nghề trên các tạp chí, các phương tiện thông tin đại chúng, các sách báo, ấn phẩm mà khách du lịch thường quan tâm theo dõi. Ðẩy mạnh việc trưng bày, giới thiệu sản phẩm ở các thành phố, đô thị lớn là nơi tập trung nhiều du khách. Các cửa hàng trưng bày này có thể kết hợp giới thiệu về những truyền tích, giai thoại về các vị tổ nghề, những người thợ cùng với kinh nghiệm kết tinh trí tuệ nét đẹp văn hóa của những làng nghề.

 

Chúng ta tin tưởng rằng với việc thực hiện tuần tự một cách có bài bản những bước như trên, chắc chắn rằng thời gian không lâu nữa Du lịch Vĩnh Phúc sẽ được biết đến nhiều hơn với những sản phẩm của các làng nghề./. 

Nguồn: website du lịch Vĩnh Phúc

Cùng chuyên mục