Hoạt động của ngành

Yên Bái nỗ lực bảo tồn văn hóa dân gian

Cập nhật: 02/01/2013 08:26:28
Số lần đọc: 2236
Nhiều năm qua, Yên Bái trở thành số ít những địa phương ở vùng Tây Bắc cũng như cả nước được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đánh giá là một điển hình về bảo tồn, phát triển nền văn hóa dân gian.

Thành công ấy trước hết bởi Yên Bái có đông đồng bào dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc mang những sắc thái văn hóa độc đáo, đa dạng cùng sinh tụ bên nhau. Đồng thời, Yên Bái cũng là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước được lựa chọn làm điểm trong xây dựng mô hình làng văn hoá.

 

Từ mô hình điểm này, Yên Bái có cách làm của riêng mình: nơi nào ra mắt xây dựng làng, thôn, bản văn hoá đều phải bảo đảm một trong số các tiêu chí là xây dựng được các đội và câu lạc bộ văn nghệ quần chúng; xây dựng phong trào văn hoá văn nghệ ở cơ sở gắn liền với cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”.

 

Ban đầu công việc xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ ở cơ sở gặp khá nhiều khó khăn bởi hơn chục năm về trước - thời điểm Yên Bái được chọn là địa phương thực hiện mô hình điểm xây dựng làng văn hóa thì nhiều loại hình văn hóa văn nghệ khác đang ảnh hưởng mạnh đến nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân từ vùng thấp đến vùng cao…

 

Tuy nhiên, tỉnh, mà trực tiếp là ngành văn hóa đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân, mỗi dân tộc tự khơi dậy niềm tự hào về những giá trị văn hóa của dân tộc mình; đầu tư nghiên cứu khoa học cơ bản văn hóa, văn nghệ các tộc người; xây dựng yếu tố hạt nhân là đội ngũ nghệ nhân văn hoá dân gian, các đội văn nghệ quần chúng và hướng dẫn nghiệp vụ sinh hoạt. Công tác thi đua khen thưởng trong hoạt động bảo tồn và phát triển văn hoá dân gian cũng được quan tâm đúng mức…

 

Nhờ vậy, Yên Bái đã sớm thành công trong tổ chức hoạt động liên hoan nghệ thuật quần chúng từ cấp xã, phường, huyện, thị , cấp tỉnh và khu vực. Yên Bái còn vinh dự khi có 2/3 người đầu tiên trong toàn quốc được tặng danh hiệu nghệ nhân văn hoá dân gian là ông Giàng A Su dân tộc Mông ở huyện Trạm Tấu và bà Đặng Thị Thanh người Xa Phó ở huyện Văn Yên.

 

Làng văn hóa Ao Luông, xã Sơn A (huyện Văn Chấn), làng văn hóa Cang Nà ở phường Trung Tâm (thị xã Nghĩa Lộ) cũng sớm trở thành địa chỉ để nhiều tỉnh bạn đến học tập cách thức xây dựng làng văn hoá.

 

Đến nay, tỉnh Yên Bái có trên 1.228 nhà văn hóa thôn, bản và hầu hết các thôn, bản, khu dân cư đều có đội văn nghệ quần chúng, có nơi có tới 2, 3 đội. Các đội văn nghệ này hàng năm đã tổ chức biểu diễn bình quân khoảng gần 3 nghìn buổi diễn phục vụ công chúng. Các tiết mục tham gia liên hoan nghệ thuật quần chúng ở cơ sở đã tập trung khai thác vốn văn hóa dân gian của các tộc người và luôn đổi mới.

 

Qua phong trào này, kho tàng văn hóa văn nghệ dân gian của các tộc… đã được khơi dậy mạnh mẽ phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân. Nhiều loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian như các điệu xòe cổ, lễ hội Xên bản, xên mường của người Thái; hát Khảm hải, hát Nàng Han, hát Pụt, lễ hội Tăm khảu mảu của người Tày, Nùng; lễ hội Gầu tào của người Mông, hát Sắc bùa, đối đáp giao duyên của người Mường, âm nhạc truyền thống của một số dân tộc… tưởng chừng đã bị mai một, thất truyền thì nay được khôi phục lại và phát triển.

 

Nhiều nơi, người dân đã tự tổ chức các lớp truyền dạy dân ca, dân vũ, dân nhạc của dân tộc mình cho thanh niên như ông Hoàng Tương Lai, dân tộc Tày ở xã Xuân Lai (huyện Yên Bình); ông Hoàng Quang Nhạn, người Tày ở xã Mường Lai, ông Hoàng Nừng người Nùng ở thị trấn Yên Thế (huyện Lục Yên); bà Đặng Thị Thanh người Xa Phó ở Châu Quế Thượng (Văn Yên); ông Lò Văn Biến người Thái ở phường Trung Tâm (thị xã Nghĩa Lộ)...

 

Những kết quả đã đạt được sẽ là nền tảng để những giá trị văn hóa dân gian các dân tộc Yên Bái tiếp tục được bảo tồn, gìn giữ và phát triển./.

Nguồn: Báo Yên Bái

Cùng chuyên mục