Hành trang lữ khách

Khám phá, trải nghiệm lễ hội trên đất xứ dừa

Cập nhật: 16/11/2012 14:14:40
Số lần đọc: 1820
Lễ hội là hoạt động văn hóa truyền thống, xuất phát từ nhu cầu cuộc sống của cộng đồng và gắn liền với từng bước đi lịch sử. Có thể xem đây là một bảo tàng phong  phú về đời sống tinh thần - văn hóa của dân tộc, mà sức lan tỏa cùng tác động của nó diễn ra liên tục và mạnh mẽ đến tâm hồn, tư tưởng, tình cảm, cốt cách của bao thế hệ con người Việt Nam ta nói chung và Bến Tre nói riêng.

Mục đích của việc tổ chức lễ hội là bảo tồn, phát huy và tôn vinh các giá trị truyền thống văn hóa tinh thần đặc sắc. Đây cũng chính là dịp để con người giao lưu, cộng cảm và trao truyền những đạo lý tình cảm, thuần phong mỹ tục và khát vọng cao đẹp; là cái cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, củng cố tình thần gắn kết cộng đồng, tình yêu quê hương đất nước và lòng tự hào về gốc gác của mình.

Đồng thời, lễ hội còn phản ánh quá trình lao động và chiến đấu đầy khí phách của nhân dân ta cùng những biến cố xã hội quan trọng. Lễ hội diễn ra thường gắn liền với những phong tục tập quán, nghệ thuật truyền thống, môi trường văn hóa và đặc thù của địa phương đó.

Khám phá, trải nghiệm lễ hội ngoài tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, thư giãn, còn là dịp để mỗi người tích lũy thêm những kiến thức hữu ích, cũng như sự hiểu biết những nét độc đáo riêng biệt của từng vùng, miền và mỗi lễ hội của địa phương đó.

Xứ dừa Bến Tre tuy không có nhiều lễ hội như những địa phương khác, song Bến Tre cũng có những lễ hội tiêu biểu, mang sắc thái riêng của vùng sông  nước - miệt vườn xứ dừa. Trong từng thời điểm khác nhau, mà mỗi một lễ hội ở Bến Tre cứ đến hẹn lại diễn ra rất phong phú, hấp dẫn, không những thu hút khách thập phương đến với những sản phẩm du lịch, như du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, hay du lịch đến vùng cây trái, hoa kiểng Chợ Lách, về làng nghề thủ công mỹ nghệ từ dừa, làng nghề nông nghiệp, nông thôn, những công trình, di tích văn hóa - lịch sử, kiến trúc cổ, kiến trúc tôn giáo và cả du lịch tâm linh, tín ngưỡng dân gian ở các đình, chùa, mà còn thu hút du khách qua các lễ hội đặc trưng hàng năm được tổ chức trên ba dãy đất cù lao xứ dừa.

Đến Bến Tre, sang cù lao Minh khám phá, trải nghiệm lễ hội như “Ngày hội truyền thống cách mạng” nhân kỷ niệm ngày Bến Tre Đồng Khởi (17/1 hàng năm). Lễ hội này là dịp để quân dân Bến Tre ôn lại truyền thống vẻ vang hào hùng của phong trào Đồng Khởi Bến Tre vang dội cả nước vào ngày 17/01/1960, là dịp để tìm hiểu về lịch sử đấu tranh cách mạng của quân dân Bến Tre. Trước và sau ngày diễn ra lễ chính thức, các hoạt động như: hội chợ triển lãm, trưng bày hình ảnh hay các hoạt động liên hoan, hội thi, hội thao về văn nghệ, thể dục thể thao, các trò chơi dân gian, hay các buổi giao lưu, kể chuyện truyền thống, hoạt động về nguồn của thế hệ trẻ và các cựu chiến binh,… diễn ra rất sôi động, phong phú, hấp dẫn.

Ngày hội cây - trái ngon, an toàn và sản phẩm nông nghiệp” được tổ chức tại huyện Chợ Lách, là vùng đất nổi tiếng cả nước về “cây lành trái ngọt”, về sản xuất cây giống, cây cảnh, hoa kiểng. Ngày hội này được phát triển từ ngày hội dân gian và thường được tổ chức trong dịp Tết Đoan ngọ (mùng 5/5 âm lịch). Các hoạt động như: Lễ tạ ơn Thần Nông, chương trình sân khấu hóa ngày hội,… diễn ra với ý nghĩa sâu sắc ghi nhớ công ơn những người đi trước; hay trưng bày giới thiệu sản phẩm cây, trái năng suất cao, giống mới chất lượng, an toàn; sinh vật lạ; hội thảo, hội thi trái ngon - an toàn, đấu xảo trái cây to-sai-lạ; hội thi bàn tay vàng ghép cây giống, uốn cây cảnh, quây chậu, đan giỏ; hội thi hoa lan, cây kiểng, đá chim nghệ thuật; hội thi, liên hoan các trò chơi dân gian, hội chợ thương mại. Ngày hội này diễn ra với ý nghĩa thiết thực là tạo cơ hội giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trồng cây ăn trái, cây giống, hoa kiểng của nhà nông trong tỉnh. Vào dịp này, du khách đến Chợ Lách sẽ thưởng thức tại các nhà vườn với các loại trái ngon chính gốc và nổi tiếng như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, bòn bon và các loại trái cây khác.

 

Bến Tre còn có vùng duyên hải gồm 3 huyện biển Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú, mỗi huyện nằm trên một cù lao (Bảo, Minh và An Hóa). Huyện biển Ba Tri nằm trên cù lao Bảo, không có danh lam thắng cảnh, song Ba Tri là vùng đất nổi danh là vùng đất "Địa linh nhân kiệt", có nhiều di tích của các danh nhân nổi riếng, di tích lịch sử cách mạng và cả môi trường sinh thái rừng, biển. Hàng năm, “Ngày hội truyền thống văn hóa tỉnh Bến Tre” được tổ chức từ ngày 01/7 đến 03/7 dương lịch, tại Khu di tích lịch sử Mộ và khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu ở xã An Đức. Ngày hội diễn ra với ý nghĩa tôn vinh những giá trị tư tưởng, nhân cách đạo đức của một danh nhân, một nhà giáo, một thầy thuốc suốt đời vì nhân dân, đem tài năng và trí tuệ của mình phục vụ cho dân, cho nước. Đến với "Ngày hội truyền thống văn hóa Bến Tre" (1/7) cũng là dịp để thư giãn, vừa tìm hiểu thân thế và sự nghiệp văn chương cách mạng của cụ Nguyễn Đình Chiểu; thắp hương tưởng nhớ cụ; tham gia cũng như thưởng thức các hoạt động sân khấu hóa, liên hoan đờn ca tài tử, dàn nhạc lễ; biểu diễn trống hội, võ thuật; các trò chơi dân gian (đẩy gậy, kéo co, nhảy bao bố, đập niêu, kéo tay…); hội thi mâm xôi - mâm cơm ngày giỗ; xem triển lãm ảnh về những thành tựu kinh tế - xã hội của tỉnh Bến Tre và các tác phẩm văn thơ của cụ Nguyễn Đình Chiểu. Đặc biệt, là tham gia.

 

Ngoài các lễ hội văn hóa - lịch sử, cách mạng, Bến Tre còn có lễ hội mang đậm nét tín ngưỡng dân gian hết sức độc đáo, được diễn ra vào dịp tháng 6-7 âm lịch, đó là “Lễ hội Nghinh Ông” hay còn gọi là lễ hội nghề nghiệp của cư dân vùng biển cúng “Ông” cầu cho mưa thuận gió hòa và cư dân đi biển gặp nhiều may mắn. Lễ hội này được tổ chức rải rác ở các tháng 2,4,6,8 âm lịch hàng năm tại các lăng thờ cá Ông ở các huyện ven biển, để người dân làm nghề biển tỏ lòng kính trọng, biết ơn đối với sinh vật linh thiêng, mà họ cho là vị thần hộ mạng sẵn sàng cứu giúp họ trong cơn hoạn nạn trên biển khơi đầy sóng gió. Lễ hội Nghinh Ông lớn về quy mô cũng như không gian của lễ hội và có thể xem là tiêu biểu nhất của cư dân vùng biển Bến Tre chủ yếu tập trung ở xã biển Bình Thắng, huyện Bình Đại (vào 15 và 16/6 âL).

Đến đây mọi người sẽ chứng kiến trọn vẹn nghi thức lễ mừng sắc "Ông" tại Lăng thờ cá Ông trên bờ và sau đó tổ chức đoàn tàu (thuyền) cùng nhau ra khơi tiến hành nghi thức lễ cúng “Ông” trên biển. Lễ hội Nghinh Ông diễn ra ba phần: Lễ Túc yết; Lễ Nghinh Ông, tế tiền hiền và hậu hiền; Lễ Chánh tế và xây chầu đại bội. Nghi thức Nghinh Ông và Chánh tế là quan trọng và được đông đảo mọi người tham gia. Hay ấn tượng trong lễ hội là các tàu (thuyền) đánh cá đều giăng đèn, kết hoa rực rỡ; ở đầu mỗi tàu đánh cá, chủ tàu bày mâm ngũ quả, hương hoa, xôi thịt (thường là cặp vịt luộc, chiếc đầu heo hay cả một con heo quay).

Chứng kiến xong nghi thức lễ, mọi người có thể tham gia vào hội với các hoạt động trò chơi dân gian sôi nổi, hào hứng, thưởng thức múa lân, xem hát bội. Dịp này cũng để các cư dân đi biển thư giãn, lấy lại thăng bằng tâm linh sau những ngày lao động vất vả trên biển khơi. Giờ đây, Lễ hội Nghinh Ông ở Bến Tre không còn là lễ hội riêng của cư dân làm nghề hạ bạc ở Bình Thắng, mà đã thu hút nhiều người, nhiều thành phần xã hội ở nhiều địa phương trong, ngoài tỉnh đến tham dự.

Những năm gần đây, Bến Tre còn khai sinh ra Lễ hội Dừa (Festival Dừa), đây là lễ hội đặc trưng của vùng đất xứ dừa. Lễ hội tổ chức 02 năm một lần và thường gắn với Ngày hội truyền thống cách mạng (17/1). Năm 2012, Lễ hội Dừa được Chính phủ Việt Nam cho phép nâng tầm lên thành Festival Dừa tại kỳ "Festival Dừa Bến Tre lần III - 2012" tháng 4/2012 vừa qua và sẽ được tổ chức vào những ngày hội Tháng Tư lịch sử của dân tộc ta. Sự kiện này diễn ra quy mô về thời gian và không gian, điểm nhấn của Lễ hội Dừa là kịch bản sân khấu hóa trong lễ khai mạc, bế mạc; hay ấn tượng với những gian hàng triển lãm, trưng bày giới thiệu hàng hóa và mua bán sản phẩm làm từ dừa, như hàng thủ công mỹ nghệ; những loại dùng làm thực phẩm, đến những sản phẩm dùng trong công nghiệp, mỹ phẩm, dược phẩm; những sản phẩm của các làng nghề truyền thống nông nghiệp, nông thôn; trình diễn sản xuất một số nghề thủ công truyền thống tiêu biểu của tỉnh như: thi chế biến và trưng bày các loại bánh, mứt, kẹo, các món ăn, thức uống chế biến từ dừa với sự tham gia của các nhà nông trong tỉnh; thi đấu xảo các sản phẩm từ dừa bao gồm các sản phẩm trồng trọt, làm hàng thủ công mỹ nghệ nhanh nhất, đẹp nhất (đan giỏ bằng cọng dừa, se chỉ, làm thảm sơ dừa), chứng kiến xác nhận kỷ lục về những sản phẩm làm ra từ dừa; các hoạt động vui chơi giải trí, biểu diễn nghệ thuật, giới thiệu ẩm thực vùng, miền và đặc biệt là ẩm thực dừa. Lễ hội Dừa được tổ chức mang ý nghĩa thiết thực để tôn vinh những giá trị sáng tạo, những tài năng có tâm huyết của nghệ nhân và người thợ thủ công làm ra những sản phẩm từ cây dừa. Đây còn là cơ hội để Bến Tre tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và giới thiệu tiềm năng kinh tế qua các sản phẩm từ dừa; hội thảo xúc tiến kêu gọi đầu tư; tuyên truyền quảng bá tiềm năng du lịch sinh thái, di tích và văn hóa lịch sử. Đây cũng là dịp để khách thập phương đến thưởng thức những món ngon, vật lạ ở Bến Tre nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Ngoài các lễ hội tiêu biểu nêu trên ở xứ dừa, thì Lễ hội Kỳ yên là lễ cúng tế tại các đình, miếu thờ phúc thần, thờ Thành Hoàng và “tiền hiền khai khẩn hậu hiền khai cơ” cũng được diễn ra ở các đình làng Bến Tre. Đây là lễ hội truyền thống, được diễn ra 02 lần trong năm vào dịp Hạ điền (trung tuần tháng 3, 4, 5 âl) và Thượng điền (trung tuần tháng 11, 12 âl) của nhân dân trong vùng tưởng nhớ Thành Hoàng và những vị thần có công khai khẩn đất đai, lập làng và cầu cho quốc thái dân an, nhà nhà no ấm. Nghi thức cúng Lễ hội Kỳ yên cơ bản gồm: Lễ Túc yết (cúng trình thần về việc tổ chức lễ), cúng Tiền vàng (cúng tiền hiền và hậu hiền); Lễ Chánh tế (cúng Thành Hoàng Bổn Cảnh), xây chầu đại bội (tổ chức hát bội).

Có thể nói, Lễ hội Kỳ yên là nhu cầu tâm linh của cộng đồng cư dân làm nghề trồng lúa nước. Nhân dịp này, những người con quê hương làm ăn xa xứ tụ hội về đây gặp gỡ, thăm hỏi động viên lẫn nhau. Đây là nét đẹp văn hóa truyền thống được truyền từ thuở ông cha ta mở cõi cho đến nay.

Tiêu biểu cho lễ hội này là “Hội đình Phú Lễ” (Lễ hội Kỳ yên diễn ra từ 18 đến 19 tháng 3 âl và Lễ Cầu Bông từ ngày 9 đến 10 tháng 11 âl) tại xã Phú Lễ, huyện Ba Tri. Hình thức tín ngưỡng dân gian độc đáo này vẫn còn lưu giữ cho đến ngày nay tại Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Phú Lễ. Hàng năm đến đây tham gia vui chơi, giải trí, hay một vài phút trải lòng mình thư giãn với tín ngưỡng dân gian, để tinh thần được thanh thản, thoải mái; tham gia cúng đình và hòa cùng không khí nhộn nhịp của lễ hội, thưởng thức hát sắc bùa Phú Lễ và các trích đoạn nghệ thuật hát bội, tuồng cổ; thưởng thức ẩm thực cúng đình với món ăn dân dã truyền thống, hấp dẫn.

Khám phá, trải nghiệm lễ hội ở xứ dừa Bến Tre cũng là dịp mọi người hướng về cội nguồn, phát huy những truyền thống văn hóa cao đẹp và đạo lý của đại gia đình dân tộc Việt Nam. Mỗi một lễ hội ở xứ dừa đều có ý nghĩa riêng và mang sắc thái riêng, sẽ rất ấn tượng, thú vị. Có thể nói, Lễ hội ở xứ dừa Bến Tre đã thật sự góp phần làm phong phú kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc ta nói chung và Bến Tre nói riêng. Đặc biệt, là góp phần tích cực vào sản phẩm du lịch, hình thành nên những tour, điểm đến du lịch của vùng sông nước, sinh thái, miệt vườn xứ dừa Bến Tre thân thiện, chân tình, mến khách./.  

Nguồn: website Bến Tre

Cùng chuyên mục