Hành trang lữ khách

Làng du lịch sinh thái Tràng An bên dòng Sào Khê (Ninh Bình)

Cập nhật: 16/05/2012 08:30:44
Số lần đọc: 1778
Ðó là làng cổ nằm ôm lấy dòng sông Sào Khê mang đậm dấu ấn lịch sử hàng nghìn năm, nằm ngoài khu du lịch sinh thái Tràng An thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư. Làng có 326 hộ, với hơn 900 người. Từ năm 2007 đến nay, làng sinh thái Tràng An trở thành điểm du lịch hấp dẫn của du khách trong nước và nước ngoài mỗi khi về Ninh Bình.

Khách du lịch tham quan trên sông Sào Khê.

Chúng tôi xuống thuyền ở hang Luồn. Người chở đò là một phụ nữ tên Sợi, đã gần sáu mươi tuổi, là người gốc Trường Yên, lớn lên theo học một lớp trung cấp y rồi trở về xã chăm lo mảng chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại địa phương. "Tôi chèo đò từ thuở bé. Nhưng chỉ là những lúc đi gặt hoặc cấy lúa chứ chở đò cho khách du lịch thì mới từ năm 2007 đến nay". Chị Sợi vừa chèo đò, vừa nói chuyện vui vẻ với chúng tôi.

Dòng sông Sào Khê mùa này nước cạn, vừa như là nhân chứng, vừa như là huyền thoại trong góc nhìn du khách. Theo nhiều tài liệu còn để lại, sông Sào Khê có từ thời Ðinh Bộ Lĩnh, nối giữa sông Hoàng Long và sông Ðáy với chiều dài 14km, thượng nguồn là sông Hoàng Long chảy theo hướng Tây Bắc - Ðông Nam qua cố đô Hoa Lư xuyên qua bốn xã: Trường Yên, Ninh Xuân, Ninh Thắng và Ninh Tiến. Tương truyền, "Sào Khê" là do Lý Công Uẩn đặt tên từ năm 1005, còn trước đó tên là sông Tào Khê tức là nơi vận chuyển đường thủy. Qua chân núi Ghềnh Tháp một đoạn, chúng tôi tới hang Luồn có độ dài chừng 150m, trên đỉnh hang là những nhũ đá rủ xuống trông thật đẹp mắt. Năm 1010, vua Lý Công Uẩn khi rời cố đô Hoa Lư ra thành Ðại La (Thăng Long - Hà Nội ngày nay) đã dùng thuyền đi trên sông Sào Khê để ra sông Ðáy rồi về Ðại La. Năm 1770, chúa Trịnh Sâm tuần thú Hoa Lư, trước cảnh đẹp của Sào Khê, ông liền làm một bài thơ khắc trên vách đá trước hang Luồn:

Quay thuyền về ngắm bến Tràng An/Ðường dạo Hoa Lư cũng thuận miền/Sông như dải lụa hang nhỏ nước/Ðiệp trùng núi mọc cửa cài then/Cố đô dời đổi đâu dấu tích/Chỉ thấy quanh co núi, nước liền/Hưng phế người xưa coi đã rõ,/Lòng dân đáng sợ chớ nên quên.

Thuyền chúng tôi lướt nhẹ qua những dãy nhà nằm nép hai bên bờ sông. Trước kia người dân làng Tràng An chỉ sống bằng nghề thuần nông nhưng thu hoạch thất thường bởi sông Sào Khê chịu ảnh hưởng của nước thủy triều từ biển Ðông ở vùng Kim Sơn qua sông Ðáy, mỗi khi nước lên là trắng đồng vì ngập úng. "Mấy năm nay thì khá rồi. Không ít gia đình đã xây nhà cao tầng. Nhờ nghề du lịch và dịch vụ đấy" chị Sợi giải thích. Từ năm 2007 trở lại đây, khách du lịch đến làng sinh thái Tràng An ngày một đông hơn. Người dân nơi này bỗng trở nên nhạy bén với thương trường. Nhiều đoàn khách khi đi thuyền trên sông Sào Khê lại chỉ muốn lên bờ ăn "bữa cơm gia đình", thế là dịch vụ đón khách xuất hiện tự lúc nào. Du khách (nhất là người nước ngoài) không đòi hỏi phải cao sang, họ chỉ muốn thưởng thức những món ăn đồng quê: khi thì bát canh trai nấu chua, cá trắm om riềng mẻ, lại có đoàn khách chỉ thích ăn canh cua với cà ghém. Sự hấp dẫn của tua du lịch làng sinh thái Tràng An được thể hiện ở hai điểm, đó là lịch sử và môi trường sinh thái. Nhiều người dù đã từng nghe ba, bốn lần về câu chuyện Sào Khê mà vẫn không chán, còn món ăn dân dã thì nơi đây quả là khá phong phú. Chị Sợi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện lịch sử vẫn lan truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác ở Trường Yên. Ðó là núi Trạng Nguyên, núi Hòm Sách gắn liền với một câu chuyện tưởng như là huyền thoại. Chuyện kể rằng khi giặc Ngô xâm chiếm nước ta, chúng không muốn người Việt thế hệ sau có người tài giỏi cho nên huy động nhiều người dùng dây chão quấn quanh khe đá vào cổ tượng Trạng Nguyên để giật đổ. Người dân địa phương đến xem rất đông và hồi hộp chờ đợi. Quân Ngô điều thêm bao nhiêu người cũng không kéo đổ mà những tên đứng gần quả núi có hình Trạng Nguyên thì bị sét đánh chết, dây chão đứt văng ra gọi là Vũng Chão, quân Ngô thì ngã lăn ra gọi là vũng Ngô Ngã, còn người dân địa phương thấy vậy thì reo mừng gọi là vũng Reo Lớn, đám trẻ trong làng thấy thế cười như nắc nẻ gọi là khu Nắc Nẻ và khi quân Ngô bị thương kéo nhau vào hang núi xé quần áo để băng bó vết thương gọi là hang Áo Rách. Ði tiếp một đoạn chừng 500m chúng tôi đến dãy Ðá Bàn. Ðó là nhiều hòn đá to mà nhẵn như những chiếc bàn, gọi là Ðá Bàn. Nơi đây, năm 1874, nhà chí sĩ yêu nước Phạm Văn Nghị từng đến ở ẩn.

Thuyền chúng tôi rẽ qua ngách nước rồi lên bờ vào một ngôi nhà lợp ngói ba gian nằm cạnh bờ sông. "Ðây là nhà chú Hoàn, chuyên gia về du lịch sinh thái đấy". Dân làm du lịch ở Ninh Bình không mấy ai không nhắc tới ông Ðỗ Văn Hoàn ở xã Trường Yên bởi những thành công của ông trong việc đón du khách mà chủ yếu là người nước ngoài.

Chuyện gia đình ông Hoàn làm du lịch cũng thật tình cờ. Ðó là vào năm 2000 khi ông đang vớt rong cho lợn ở sông Sào Khê thì có người hỏi "Ðoàn khách nước ngoài họ muốn ăn cơm bình dân tại nhà ông, liệu gia đình lo được không?". Thế là ông huy động vợ, con mua thực phẩm về thực hiện bữa ăn. Thực phẩm họ muốn ăn là những món hằng ngày gia đình ông vẫn thường dùng. Nào canh trai, cá, rau, đậu, bí thậm chí có người lại muốn ăn mắm tép với thịt lợn ba chỉ luộc. Toàn là thực phẩm sẵn có tại chợ quê. Những ngày nắng, thanh niên làng xuống sông Sào Khê lặn, ngụp một lúc thì đầy chậu trai. Nhiều con trai to bằng bàn tay người lớn béo trục, vớt lên rửa sạch rồi cho vào nồi nấu, nước ngọt lịm như cho bột nêm. Hôm ấy, đến bữa ăn, mâm cơm gia đình ông ngồi cách chỗ họ chừng bảy mét mà họ lại dồn sang ăn cùng gia đình cho vui, khiến người ngoài cứ ngỡ ông có người thân đi xa vừa trở về. Thế là người nọ mách người kia, đoàn nọ giới thiệu đoàn kia, bỗng chốc gia đình ông Hoàn trở thành nổi tiếng, tháng nào ông cũng đón dăm bảy đoàn khách. "Làm du lịch, nhất là đón khách nước ngoài thì cần chú trọng điều gì?" chúng tôi hỏi. Ông Hoàn cười hiền "làm du lịch phải đạt được mấy yêu cầu. Thứ nhất là sạch sẽ để khi ăn người ta có cảm giác ngon miệng, không bị đau bụng, đi ngoài. Thứ hai là thực phẩm phải tươi không ôi thiu, nguồn nước trong, mát. Thứ ba là tạo không khí đầm ấm giữa gia đình và du khách".

Ðang chuyện trò với ông Hoàn thì tiếng chuông điện thoại reo. Ở đầu dây bên kia có tiếng một tiếp viên du lịch đặt ông ba mươi suất ăn cho du khách châu Âu trong ngày chủ nhật tới. Chúng tôi chia tay ông trở ra thuyền. Dòng sông Sào Khê giờ đang mùa du lịch thành thử thuyền đi lại tấp nập khiến nó như hẹp lại. Tỉnh Ninh Bình đã đầu tư hàng tỷ đồng cho việc nạo vét lòng sông tạo môi trường thông thoáng cho khách tham quan vãn cảnh. Hiện tại, có gần 200 gia đình đăng ký tham gia dịch vụ chở đò và đón du khách ăn cơm tại nhà như mô hình ông Hoàn. Dòng sông Sào Khê đang viết tiếp những trang sử về sức sống mới ở một vùng quê cố đô văn hiến có bề dày hàng nghìn năm lịch sử./.

Nguồn: NDĐT

Cùng chuyên mục