Hoạt động của ngành

Du lịch Hà Tây - Một bức tranh sinh động

Cập nhật: 31/07/2008 10:07:32
Số lần đọc: 2738
Những năm gần đây, do cơ sở hạ tầng tại các khu du lịch được quan tâm cùng với việc tăng cường công tác thu hút đầu tư nên du lịch Hà Tây đã ngày càng khẳng định được vị thế. Với hàng triệu lượt du khách đến tham quan, mang lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, bức tranh du lịch Hà Tây đang ngày càng khởi sắc, phát triển đồng đều trên cả 3 loại hình du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử và làng nghề truyền thống.

Được thiên nhiên ưu đãi, kiến tạo cho mảnh đất Hà Tây có nhiều phong cảnh đẹp, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 15 khu du lịch sinh thái đã và đang được đưa vào khai thác cùng nhiều dự án đang trong quá trình triển khai và quy hoạch trong đó tập trung nhiều nhất ở 2 huyện Ba Vì và Mỹ Đức.

Riêng trên địa bàn huyện Ba Vì có 12 tổ chức, đơn vị kinh tế tham gia kinh doanh du lịch sử dụng hơn 1,2 nghìn ha đất. Các điểm du lịch của Ba Vì hiện nay chủ yếu tập trung ở vùng núi và một phần vùng đồi gò thuộc các xã: Vân Hòa, Yên Bài, Tản Lĩnh, Cẩm Lĩnh và đất rừng do Vườn Quốc gia Ba Vì quản lý.

Trong đó, điển hình như Vườn Quốc gia Ba Vì là nơi có phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng, có hệ động thực vật phong phú và đa dạng mang đặc trưng của khí hậu nhiệt đới và á nhiệt đới. Hòa cùng những giá trị lịch sử, Vườn quốc gia Ba Vì còn có đền thờ Đức Thánh Tản Viên và đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh núi.

Đối với huyện Mỹ Đức, khu du lịch sinh thái hồ Quan Sơn có phong cảnh sơn thủy hữu tình được ví như một Hạ Long trên cạn. Với hơn 20 ngọn núi đá vôi lớn nhỏ và nhiều hang động kỳ thú, xung quanh là những vạt rừng xanh soi bóng, khi đến hồ Quan Sơn, khách du lịch có thể vừa câu cá, bơi thuyền, tắm hồ, cắm trại trong rừng, trên đảo hay thưởng thức các sản vật của địa phương... Có thể nói những khu du lịch sinh thái của tỉnh đang dần hấp dẫn du khách. Một số điểm du lịch hàng năm đã thu hút được hàng vạn lượt khách tham quan như Ao Vua, Khoang Xanh, Đầm Long...

Nếu như loại hình du lịch sinh thái Hà Tây hấp dẫn du khách bởi nhiều điểm đến có phong cảnh sơn thủy hữu tình, núi rừng trùng điệp thì loại hình du lịch lịch sử văn hóa sẽ mang đến cho du khách những câu chuyện lịch sử, những nét kiến trúc tinh xảo và tầng văn hóa truyền thống lâu đời.

Với một kho tàng di tích lịch sử - văn hóa đồ sộ gắn với 2.388 di tích, trong đó có khoảng 400 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng quốc gia, Hà Tây là tỉnh đứng thứ hai cả nước về số lượng di tích được xếp hạng. Đặc biệt có 12 di tích được xếp vào loại đặc biệt quan trọng được Nhà nước giữ gìn và bảo vệ như: Chùa Hương, chùa Thầy, chùa Tây Phương, chùa Đậu, đình Tây Đằng, đình Chu Quyến...

Du khách đến Hà Tây chủ yếu từ lòng yêu thích tìm hiểu nét đặc sắc trong văn hóa, nét độc đáo trong kiến trúc đình, chùa và sức lôi kéo của hàng trăm lễ hội tưng bừng vào đầu xuân mới. Hàng năm vào mỗi mùa xuân hội, loại hình du lịch văn hóa, lịch sử lại nở rộ nhất đón hàng triệu lượt khách về tham quan, chiêm bái.

Không ồn ào, náo nhiệt như các điểm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lịch sử, lễ hội, nhưng du lịch làng nghề lại mang một phong vị riêng sâu lắng, không kém phần đặc sắc. Đến với các làng nghề truyền thống, du khách không những được hiểu hơn về cái đẹp, tinh túy, sự tài hoa khéo léo của những người thợ thủ công mà còn được tìm hiểu kho tàng kinh nghiệm trí tuệ của người xưa được lưu giữ, bảo tồn và phát huy qua các sản phẩm thủ công truyền thống.

Hầu hết, các sản phẩm làng nghề đều bắt nguồn từ chất liệu thiên nhiên như mây, tre, cỏ tế, gỗ... nên nhiều du khách còn tìm đến với làng nghề như để tìm về những gì dân dã, gần gũi, muốn biết thêm về cuộc sống cũng như nếp sinh hoạt bình dị của người nông dân Việt Nam sau lũy tre làng. Cũng có không ít khách du lịch tìm đến làng nghề để mua sản phẩm tìm đối tác làm ăn và học tập kinh nghiệm sản xuất.

Với trên 240 làng nghề thuộc đủ các loại ngành nghề khác nhau, làng nghề còn có lịch sử lâu đời như may Trạch Xá, Vân Từ; thêu Quất Động, Đại Đồng; dệt Vạn Phúc, La khê; điêu khắc Sơn Đồng, Dư Dụ... đã tạo nên những nét văn hóa, lịch sử độc đáo của mỗi làng nghề hấp dẫn du khách, trong đó, một số điểm du lịch được rất đông du khách tìm đến như: Vạn Phúc, Phú Nghĩa, Thắng Lợi, Quất Động...

Sự phong phú, đa dạng trong các loại hình du lịch đang tạo đà cho sức vươn lên cho ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Để hình ảnh du lịch Hà Tây ngày càng được nhiều người biết đến, ngành Du lịch đã đề ra nhiều giải pháp trong đó công tác quảng bá hình ảnh thương hiệu du lịch Hà Tây được đẩy mạnh.

Ngoài tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, tích cực tham gia các hội chợ văn hóa du lịch, nhiều hoạt động khác cũng đã được ngành đẩy mạnh như mở các lớp tập huấn về nghiệp vụ du lịch cho đội ngũ cán bộ phụ trách du lịch của địa phương và đội ngũ thuyết minh viên du lịch tại các điểm du lịch tiêu biểu; nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch nhằm thu hút du khách vào địa bàn và quảng bá tiềm năng du lịch tại những vùng có cảnh quan đẹp, giàu truyền thống văn hóa, lịch sử song chưa được khai thác để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư...

Với sự đa dạng sắc màu của 3 loại hình du lịch, du khách đến tham quan nghỉ dưỡng tại các khu du lịch trên địa bàn không ngừng tăng lên, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2008, toàn tỉnh đã đón 3,35 triệu lượt khách, tăng 24% so với cùng kỳ và bằng 74,4% kế hoạch năm; tổng doanh thu xã hội từ du lịch ước đạt 440 tỷ đồng tăng 20,5% so với cùng kỳ và bằng 70,6% kế hoạch năm.

Nguồn: Báo Hà Tây

Cùng chuyên mục