Hoạt động của ngành

Hòa Bình: Giữ gìn, phát triển làng nghề truyền thống

Cập nhật: 05/01/2012 14:19:27
Số lần đọc: 1833
Trong nhiều năm qua, ngành nghề nông thôn có vị trí hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn tỉnh ta. Các ngành chức năng cũng đang vào cuộc mạnh mẽ nhằm tạo điều kiện cho những vùng sản xuất tập trung trở thành những nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống.

Đến với bản Lác, xã Chiềng Châu (Mai Châu), mặt hàng thổ cẩm là thế mạnh và là bản sắc văn hóa của đồng bào nơi đây. Nhiều mặt hàng thổ cẩm rực rỡ sắc màu, đa dạng về mẫu mã, chủng loại được bày bán trên lối đi, dưới chân cầu thang  nhà sàn. Theo ông Hà Công Tím, bản Lác, xã Chiềng Châu, nghề dệt từ nhiều năm nay không những là bản đặc trưng của người Thái mà còn góp phần nâng cao đời sống, xóa đói, giảm nghèo cho một số gia đình nông thôn. Đồng thời góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lao động ở nông thôn theo hướng bền vững.

 

Trên địa bàn cả tỉnh có khoảng 30 loại sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác nhau. Các sản phẩm này chủ yếu sử dụng nguyên liệu sẵn có tại địa phương và đã được nhiều hộ dân tham gia sản xuất, mẫu mã phong phú, đáp ứng được yêu cầu yêu cầu của thị trường nội địa. Nổi trội là dệt thổ cẩm, rượu cần, mây - tre đan, thêu ren, chổi chít, vật liệu xây dựng, cơ khí nhỏ... Trong đó, một số ngành thủ công mỹ nghệ còn được sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... Đây là những nhân tố hết sức quan trọng góp phần vào bảo tồn và phát triển ngành nghề nông thôn của tỉnh trong thời gian tới.  

 

Tuy vậy, ở huyện Mai Châu, nghề dệt mặc dù có từ lâu đời, song đến nay vẫn chưa được chính thức công nhận là làng nghề truyền thống. Ngoài ra, nhiều nghề khác trên địa bàn tỉnh được đánh giá còn đang manh mún, nhỏ lẻ và tự phát. Thực tế, trên địa bàn cả tỉnh hiện vẫn chưa có địa phương nào được công nhận là nghề truyền thống, làng nghề hay làng nghề truyền thống. Điều này là một trở ngại cho phát triển KT-XH bền vững của nhiều địa phương. Nếu đem so sánh về góc độ kinh tế, thu nhập của người lao động ở các làng nghề trên cả nước hiện phổ biến khoảng 450.000 - 4.000.000 đồng/người/tháng, cao hơn từ 1,5 - 4 lần so với lao động thuần nông. 

 

Để được công nhận là làng nghề truyền thống, tiêu chí phải đạt bao gồm: nghề đã xuất hiện tại địa phương từ trên 50 năm; nghề tạo ra những sản phẩm mang bản sắc văn hóa và gắn liền với tên tuổi của một hay nhiều nghệ nhân hoặc tên, tuổi làng nghề. Căn cứ theo tiêu chí công nhận làng nghề truyền thống, hiện nay, các đơn vị chức năng đang gấp rút triển khai các thủ tục để công nhận làng nghề truyền thống tại xóm Nhót, xã Nà Phòn và bản Lác, xã Chiềng Châu (Mai Châu). Còn với tiêu chí làng nghề, tiêu chí đơn giản hơn như: phải có tối thiểu 30% tổng số hộ trên địa bàn tham gia hoạt động nghề nông thôn; hoạt động sx-kd trên 2 năm cũng như chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước.

 

Theo ông Hoàng Văn Tứ, Giám đốc Sở NN&PTNT, để ngành nghề nông thôn của tỉnh có điều kiện phát triển, trong giai đoạn 2011-  2015, tỉnh ta sẽ thực hiện rà soát lại các cơ sở sản xuất TTCN, ngành nghề nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, hướng dẫn các đơn vị cơ sở có đủ điều kiện làm thủ tục để công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống và đăng ký chất lượng sản phẩm ngành nghề nông thôn, bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn. Ngoài ra, tỉnh còn tiếp tục triển khai đầu tư hoàn thiện hạ tầng các cụm CN-TTCN. Hỗ trợ, khuyến khích, vận động các nhà đầu tư hình thành những DN ở các khu vực làng nghề, cụm TTCN để hỗ trợ cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Nguồn: Báo Hòa Bình

Cùng chuyên mục