Non nước Việt Nam

Chùa Mía xứ Đoài

Cập nhật: 30/11/2011 09:57:04
Số lần đọc: 1981
Nói đến xứ Đoài là nói đến vùng đất địa linh nhân kiệt, vùng đất của lịch sử văn hoá với những danh lam thắng cảnh tuyệt mỹ, ở đó có chùa Mía - một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo tuyệt đẹp của quê hương xứ Đoài (Sơn Tây, Hà Nội).

Một góc Chùa mía

Chùa có tên chữ là Sùng Nghiêm tự, được xây dựng từ thời xa xưa tại vùng đất cổ xứ Đoài - nơi giao thoa của văn hoá thờ thần thánh, tổ tiên ông bà cha mẹ (thờ Sơn Tinh, Phùng Hưng, Ngô Quyền; thành hoàng) và thờ phật, là nơi đáp ứng nhu cầu văn hoá tâm linh, tín ngưỡng đạo phật của đông đảo phật tử gần xa.

 

Tượng ở Chùa …

 

Từ Hà Nội theo Quốc lộ 32 hoặc Quốc lộ 21 đi qua thị xã Sơn Tây khoảng 4 km sẽ đến làng cổ Đường Lâm. Sau khi rẽ trái qua chiếc cổng làng là đến đền thờ Bố cái Đại vương (Phùng Hưng), đối diện là chùa Mía.

 

Chùa Mía toạ lạc trên đồi đất cao thuộc thôn Đông Sàng (xã Đường Lâm).

 

Chùa được xây dựng lại từ đầu thế kỷ XVII (1632) và đến nay vẫn thường xuyên được tu bổ tôn tạo nên vẫn giữ được dáng xưa.

Là ngôi chùa cổ, Chùa Mía có 287 tượng phật lớn nhỏ, trong đó có 6 tượng đồng, 107 tượng mộc còn lại là tượng thổ. Mỗi pho tượng dù được đúc bằng đồng, tạc bằng gỗ hay sinh ra từ đất nhưng tất cả đều có vẻ đẹp linh thiêng, huyền ảo riêng, đầy chất nghệ thuật của nghề điêu khắc Việt Nam. Tượng phật trong chùa Mía mỗi pho đều có tư thế, dáng vẻ, vị trí khác nhau nhưng đều nhìn người đời với ánh mắt từ bi hỉ xả, bao dung độ lượng (trừ tượng ông Ác).

 

Trong chùa có đến 6 tượng Thích Ca Mâu Ni, điển hình là tượng Ngài Thích Ca Mâu Ni sơ sinh choàng áo đỏ đứng trong vòng cung cửa động Cửu Long hai bên là tượng Nam Tào, Bắc Đẩu, biểu hiện Ngài là người trời. Tiếp sau vẫn là tượng Thích ca sơ sinh kề bên là hai tượng đồng Ngọc Nữ, cạnh đó là tượng Ngọc Hoàng, Lão Tử; sát hai bên bệ thờ là hai hàng tượng thập nhị Minh Vương (12 vị vua trời cai quản 12 năm ở cõi dương gian. Sau nữa vẫn là bộ tượng Thích Ca Mâu Ni sơ sinh bằng đồng khoác áo đỏ. Phía sau là tượng Adi Đà Phật pháp quang bằng đồng, dáng cao, khuôn mặt từ bi, độ lượng nhìn chúng sinh.

 

Chùa Mía có 2 pho tượng tương đối cao to là tượng của Đại pháp Tiên Cương và tượng Đế Thích, đây là hai đệ tử tin cậy nhất của Phật. Bên trong nữa là tượng đồng Adi Đà rất đẹp, ngài toạ trên toà sen, dáng khổ hạnh, kiên trì, tóc xoăn hình xoắn ốc, hai bên và thấp hơn ngài là tượng đức Địa Tạng và đức Mục Liên.

 

Có một pho tượng rất đáng chú ý và trở thành quen thuộc đối với phật tử là tượng ông Di Lặc (Bá Đại Hoà thượng), dáng ông ngồi đường bệ, thư thái, miệng hơi cười như thấu nỗi trần gian. Phật tử thờ ngài vì biết ngài luôn thấu nỗi trường đời, đại từ đại bi, "cứu một người phúc đẳng hà sa".

 

Hai pho tượng "hộ pháp" cao to nhất chùa là tượng của ông Thiện và ông Ác. Ông Thiện là Thái tử Thiện Hữu với ánh mắt hiền từ, trừu mến, với cái nhìn độ lượng bao dung ấm áp của đức phật, thấu hiểu nổi đau khổ của nhân gian; sẵn sàng tha thứ cho những lỗi lầm của người đời mắc phải một khi biết ăn năn hối lỗi, nhận rõ những sai lầm, biết đứng dậy sửa sai để làm việc tốt.

 

Chìa Mía có bộ tượng Bát Bộ Kim Cương, biểu tượng của những ông võ tướng với nét uy nghi oai phong lẫm liệt, bảo vệ cho tám hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam, Tây Nam, Đông Bắc, Tây Bắc của dương gian luôn được bình an vô sự. Hai bên hành lang của chùa là bộ tượng Thập bát vị La Hán (18 vị La Hán) mỗi bên 9 vị. Mỗi tượng La Hán có hình dáng, tư thế, biểu hiện của hành động khác nhau ... thể hiện cho mỗi thân phận con người nơi trần thế gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn, khổ ải, đớn đau khi bị lưu lạc, đoạ đầy, oan nghiệt.

 

Phía nhà sau của chùa là những tượng ngự trong các động, các cung khác nhau với nhiều tượng của các nhân vật nổi tiếng theo phật hoặc là những vị thánh trong dân gian và lịch sử dân tộc như tượng A Nan (Đức thánh Hiền), Đức ông Cô Độc, Quan âm thị Kính, bà chúa Liễu Hạnh, động Tuyết Sơn... Đặc biệt ở gian trước của chùa còn có nơi thờ di ảnh những anh hùng liệt sĩ, những người có công với đất nước trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, biểu hiện của đạo với đời luôn gắn liền với nhau.

 

Phật ở trong tâm

 

Dân gian thường nói thờ phật ở chùa không bằng thờ phật trong tâm. Chẳng cứ phải đến chùa mới cầu được tài được lộc. Mà hãy tin ở chính lòng mình, nếu làm nhiều việc thiện, giúp được nhiều người, biết kính trọng tổ tiên, ông bà, cha mẹ, yêu quý quê hương đất nước thì sẽ thấy lòng mình thư thái, thanh thản, bớt đi những nghen tuông, tham lam, tà dâm, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống. Dẫu có đi chùa thắp hương trước tượng phật hay "tu tại gia" thì bằng chính lòng mình hãy đọc "Nam mô phật, tây phương cực lạc thế giới đại từ đại bi - adi đà phật" và tự hỏi rằng trong cuộc sống mình đã làm điều gì tốt chưa chắc sẽ được đức phật phù hộ độ trì, có sức khoẻ tốt, "ăn nên làm ra". Ai gây ngang trái, lừa thầy phản bạn, làm nhiều điều không hay dẫu có đến chùa thờ phật cũng khó lòng thanh thản và chẳng bao giờ được bình yên. Như vậy là phật luôn trong tâm và đi cùng với người trên con đường đến nơi cực lạc.

 

Chùa Mía một công trình văn hoá nghệ thuật, có giá trị tâm linh, phản ánh góc cạnh cuộc sống đời thường, nơi hoạt động thờ cúng của giới tăng ni phật tử và quần chúng nhân dân. Đến với Chùa Mía để thấy lòng mình thảnh thơi, gột đi những bụi trần, làm thêm nhiều điều tốt. Là con người bất kỳ già trẻ, gái trai đã đến với chùa, đứng hoặc quỳ lậy trước tượng phật chính là bày tỏ tấm lòng hướng thiện, muốn tìm về cái tốt, cái bản ngã của mỗi người. Đó là nét đẹp của văn hoá, tôn giáo phương Đông, văn hoá Việt Nam mà xứ Đoài là nơi gìn giữ, hội tụ và toả sáng.

Nguồn: Langvietonline

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT