Non nước Việt Nam

Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc và văn bia cổ (Tuyên Quang): Nét đẹp văn hóa tâm linh

Cập nhật: 28/11/2011 14:11:01
Số lần đọc: 3060
Tọa lạc trên lưng chừng một gò đồi thấp có tên gọi gò Khuôn Khoai thuộc thôn Tạc, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa); chùa Bảo Ninh Sùng Phúc hiện ra như một bức tranh cổ kính, thanh tĩnh và ẩn chứa trong đó những câu chuyện lịch sử.

Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc được xây dựng từ năm 1107, thuộc triều đại nhà Lý. Theo sử sách chép lại, ngôi chùa do thái phó Hà Hưng Tông xây dựng. Khi nhậm chức Thái phó để tỏ chữ hiếu với tổ tiên và lòng ham đạo phật, cốt “giữ lòng thanh làm của báu” Thái phó đã xây dựng chùa Bảo Ninh Sùng Phúc. Cuối xuân năm Đinh Hợi niên hiệu Long phù Nguyên Hóa (1107), Thái phó dẫn dắt hương lão xem hướng, chọn đất “phía nam Hãn lộc, giáp bên mạn bắc Mẫu cung” làm nơi dựng chùa. Chùa được xây dựng quy mô và bề thế, trước năm 1945, xã Yên Nguyên ngày nay gồm 3 xã Yên Lũng, Yên Cốc, Vĩnh Khoái thuộc Tổng Yên Lũng châu Hàm Yên. Nhân dân 3 xã này, cúng tế chung tại ngôi chùa Bảo Ninh Sùng Phúc.

 

Cùng với chùa, bia đá cũng được dựng lên để ghi lại giáo lý đạo phật và công đức của dòng họ Hà. Người soạn văn bia theo lệnh Thái phó Hà Hưng Tông là Lý Thừa Ẩn. ông sống dưới 2 triều vua Lý Nhân Tông (1072 - 1127) và Lý Thần Tông (1128 - 1137) và được làm quan với chức Triều thỉnh đại phu.


Tấm bia Bảo Ninh Sùng Phúc được tạc bằng đá xanh nguyên khối. Bia có chiều cao 1,39 m, rộng 0,8 m và dày 0,18 m. Bia được đặt trên lưng một con rùa đá, rùa có chiều dài 1,50 m, rộng 0,9 m và cao 0,32 m. Cổ và đầu rùa dài 0,38 m. Rùa được đặt trên mặt đất, bốn chân rùa được tạc nổi, mỗi chân có 5 móng. Đuôi rùa nhỏ, được tạc uốn cong, vắt lên lưng. Đầu rùa ngẩng cao, vẻ uy nghi đường bệ. Toàn thân rùa cũng được tạc từ một phiến đá xanh nguyên khối, nét chạm rất tinh tế, mềm mại, hình khối cân đối và vững chãi. Lưng rùa nhẵn và tròn trịa, giữa lưng có đục một mộng ghép hình chữ nhật để ghép khớp với chân bia đá. Chính mộng ghép này đã giữ cho bia đá có thể đứng ngay ngắn trên lưng rùa trong suốt hơn 900 năm. Trán bia khắc dòng chữ lớn: “Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi”. Văn bia khắc kín phần thân bia, gồm 25 dòng với 1.130 chữ. Hai góc của trán bia có khắc hình hai con rồng chầu lên chữ “Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi”. Hình tượng hai con rồng chầu bên trán bia đều ở tư thế nhìn nghiêng và giống hệt nhau cả về kích thước và kiểu dáng. Làm nền cho hình tượng con rồng là các hoa văn hình vân mây và một số hoa văn hình chữ S. Biểu hiện ý niệm về mây mưa, sấm chớp cầu mong mưa thuận gió hòa, nhân tố thiết yếu đối với nền kinh tế nông nghiệp. Hình tượng con rồng cũng phản ánh ý thức sùng bái  tổ tiên của người Việt (truyền thuyết con rồng - cháu tiên).


Trải qua hơn 900 năm (1107 - 2011), hiện nay các hiện vật của ngôi chùa cũ còn lại những mảnh sứ của một chi tiết nào đó có hình rồng và một số mảnh gạch ngói có hoa văn trang trí tìm được ở trên mặt và dưới lòng đất ở xung quanh khu vực dựng bia. Các hiện vật này đều mang dấu ấn nghệ thuật của triều Lý và hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh. Ngoài ra, tại nơi để bia cũng thu thập được nửa đầu của một con cá quả bằng đá cùng rất nhiều các mảnh gạch ngói có kích thước từ nhỏ đến lớn. Trên nền chùa cũ, còn nằm rải rác 17 viên đá lớn được mang từ nơi khác đến và có một số viên được đục đẽo, gia công làm đá kê chân cột.


Đầu năm 2010, ngôi chùa được đầu tư trùng tu lại  ngay trên nền móng của nhà bia cũ và đưa tấm văn bia vào thờ trong ngôi chùa. Ngôi chùa mới được xây dựng với diện tích 130 m2, mái chùa được thiết kế với 1 tầng mái uốn cong có 8 mái và 3 gian thờ phật. Chùa thờ Phật Di đà, Phật Di lặc, Tam thế phật, Tòa cửu long, Đức thánh Trần triều, Chuẩn linh vương, Tam tòa thánh mẫu, vua Lý Nhân Tông, dòng họ Hà và thờ bia đá cổ.

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT