Hoạt động của ngành

Những hoạt động chính tại Festival Tây Sơn - Bình Định 2008

Cập nhật: 30/06/2008 08:06:48
Số lần đọc: 2287
Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 sẽ được tổ chức từ ngày 1 đến ngày 03/8. Trong khuôn khổ Festival, sẽ diễn ra nhiều hoạt động quy mô, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, thể hiện những đặc trưng lịch sử, văn hóa của Bình Định. Dưới đây là một số hoạt động chính trong Festival.

Các hoạt động Festival được tổ chức chủ yếu tại TP Quy Nhơn (tập trung từ khu Trung tâm Thương mại Quy Nhơn (TTTMQN) đến Ghềnh Ráng, khu vực đầm Thị Nại, Tháp Đôi) và một số hoạt động lễ hội sẽ diễn ra tại Bảo tàng Quang Trung (BTQT - huyện Tây Sơn).

 

Lễ khai mạc Festival: Diễn ra vào 20 giờ ngày 01/8, tại quảng trường trước TTTMQN. Khúc mở đầu của chương trình là phần diễn tấu trống trận Tây Sơn của năm dàn trống liên hoàn cùng phần diễu hành của đoàn nghĩa binh Tây Sơn. Tiếp đó là 3 phần chính với “Bình Định - vùng đất mến yêu”, “Nghĩa khí Tây Sơn trên khắp miền đất nước”, “Đổi mới - Hội tụ và phát triển” với những màn trình diễn đặc sắc của các đoàn nghệ thuật đến từ nhiều địa phương trong nước. Chương trình dự kiến sẽ có sự tham gia biểu diễn của 1.000 người, chủ yếu là sinh viên - học sinh.

 

Lễ dâng hương, dâng hoa tại BTQT: Diễn ra từ 8 giờ đến 10 giờ sáng ngày 01/8 tại BTQT. Bên cạnh phần lễ, là phần hội với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, trò chơi dân gian...

 

Đêm hoa đăng trên đầm Thị Nại: Bắt đầu từ 20 giờ ngày 02/8 tại đầu phía tây cầu Thị Nại. Đêm hoa đăng sẽ là một chương trình nghệ thuật tổng hợp với ba phần: liên hoan văn nghệ, trình diễn hoa đăng, thả đèn hoa đăng hứa hẹn rất sôi nổi và hoành tráng.

 

Liên hoan Tuồng toàn quốc: Do Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VH-TT-DL) phối hợp với Sở VH-TT-DL Bình Định tổ chức, diễn ra từ ngày 25 đến 30/7, tại Nhà hát Tuồng Đào Tấn (TP Quy Nhơn). Tham gia Liên hoan, ngoài Nhà hát Tuồng Đào Tấn, còn có 6 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trong toàn quốc, gồm Nhà hát Tuồng Trung ương, Đoàn Tuồng Thanh Hóa, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng), Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Khánh Hòa, Đoàn Nghệ thuật Hát bội TP. Hồ Chí Minh.

 

Cuộc thi Hoa hậu Những miền đất Võ: Đây là dịp giao lưu, giới thiệu tài năng, sức mạnh thể lực và trí lực của phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ các miền đất Võ nói riêng trong công cuộc hội nhập và phát triển đất nước.

 

Vòng bán kết cuộc thi diễn ra tại TP. Quy Nhơn từ ngày 28/7 đến ngày 30/7, với các nội dung: trang phục truyền thống, trang phục tự chọn và biểu diễn hai bài võ thuật tự chọn. Từ ngày 1.8 đến ngày 03/8, 30 thí sinh được chọn vào vòng chung kết sẽ tham gia các nội dung thi chính thức gồm: trang phục truyền thống dân tộc, trang phục võ thuật, năng khiếu võ thuật nhằm chọn 10 thí sinh vào chung kết (đêm 3.8) với phần thi ứng xử để bầu chọn các danh hiệu: Hoa hậu, Á hậu 1, Á hậu 2...

 

Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền lần thứ II: Sẽ có khoảng 40 đoàn đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới với hơn 1.000 võ sĩ, võ sư tham gia. Ngoài ra, còn có hơn 500 VĐV, võ sư, HLV của các đoàn trong nước. Liên hoan bắt đầu bằng phần biểu diễn võ thuật của các đoàn vào lúc 8 giờ sáng ngày 31/7 tại Nhà thi đấu sân vận động Quy Nhơn. Lễ khai mạc Liên hoan sẽ diễn ra lúc 20 giờ ngày 31/7 tại sân vận động Quy Nhơn

 

Sáng ngày 01/8, tại Nhà thi đấu Hà Thanh (huyện Tuy Phước), Nhà thi đấu huyện An Nhơn và Nhà thi đấu huyện Tây Sơn sẽ diễn ra chương trình biểu diễn võ thuật của các đoàn và sẽ tiếp tục đến hết ngày 02/8.

 

Hội Làng nghề truyền thống và Ẩm thực: Diễn ra từ 27/7 đến 03/8 tại khu công viên trung tâm (TP. Quy Nhơn), trưng bày giới thiệu và bán hàng lưu niệm sản phẩm của các làng nghề truyền thống nổi tiếng trong tỉnh; và một Hội chợ Thương mại với sự tham gia của khoảng 30 DN trong nước.

 

Bên cạnh đó, hàng ngày, từ 9 giờ đến 16 giờ có trình diễn một số hoạt động văn hóa làng nghề. Du khách tham gia chương trình ẩm thực sẽ được thưởng thức những món ăn đặc sản và món ăn truyền thống của tỉnh Bình Định cũng như các địa phương trong khu vực.

 

Liên hoan Sinh vật cảnh: Diễn ra từ 27/7 đến 03/8 do Hội Sinh vật cảnh Bình Định tổ chức tại Quảng trường gần đài phun nước nghệ thuật (trước Nhà Văn hóa Lao động tỉnh). Dự kiến sẽ có 45 đơn vị; trong đó có 25 đơn vị trong tỉnh và 20 đơn vị ngoài tỉnh tham gia với nhiều hoạt động phong phú và hấp dẫn, như triển lãm, trưng bày, hội thi các sản phẩm sinh vật cảnh tiêu biểu, độc đáo, quý hiếm và có chất lượng cao.

 

Đêm “Thơ Hàn Mặc Tử - Xuân Diệu”: Diễn ra từ 20 giờ ngày 02/8 tại đồi Thi nhân thuộc khu danh thắng Ghềnh Ráng (TP. Quy Nhơn), nhằm tôn vinh những nhà thơ tiền bối không những làm rạng danh cho đất thơ Bình Định mà còn trở thành niềm tự hào của công chúng yêu thơ trong cả nước, với nhiều chương trình biểu diễn ngâm thơ, ca nhạc.

 

Ngoài ra, trong các đêm diễn ra Festival, các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước sẽ tham gia biểu diễn ở một số điểm tại TP Quy Nhơn, Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước.

Nguồn: Bình Định

Cùng chuyên mục