Hoạt động của ngành

Những giá trị văn hóa Đồng bằng Bắc Bộ ở Hưng Yên cần được bảo tồn

Cập nhật: 26/06/2008 14:06:11
Số lần đọc: 2474
Hưng Yên có những dấu tích từ thời văn hóa Đông Sơn. Sau này trong quá trình lịch sử, văn hóa Hưng Yên hội tụ nhiều yếu tố mang tính vùng miền và đặc trưng riêng của Hưng Yên. Trải đều ở mỗi làng quê là trên 2000 di tích, trong đó có nhiều di tích được xây dựng từ thời Lý, Trần, đến nay nhiều di tích còn mang giá trị nguyên gốc độc đáo.

Hàng năm hơn 500 lễ hội ở các di tích trên địa bàn tỉnh được tổ chức là dịp tưởng nhớ những vị anh hùng văn hóa và khai sáng, những vị anh hùng dân tộc, đồng thời là nét đẹp văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng, trong sinh hoạt tâm linh. Lễ hội thường được tổ chức ở các di tích như đình, đền, miếu, song cũng có một số lễ hội diễn ra ở chùa, là nơi ngoài thờ Phật, còn thờ những nhân vật có thật trong lịch sử.

Nằm trong vùng văn minh lúa nước, các nghề cổ truyền của người Hưng Yên cũng mang đậm đặc trưng của cư dân nông nghiệp như: Nghề nấu rượu, tráng bánh đa, nghề làm long nhãn, nghề làm đậu, nghề làm tương, nghề làm hương, nghề mộc... Song hiện nay nhiều nghề không còn được lưu truyền hoặc đang có nguy cơ mai một, như: nghề dệt tơ tằm ở các huyện Phù Cừ, Khoái Châu, nghề làm võng ở huyện Kim Động...

Cùng với phát triển kinh tế, Hưng Yên luôn coi trọng việc bảo tồn những giá trị nghệ thuật cổ truyền. Trong lịch sử, tỉnh Hưng Yên có nhiều loại hình nghệ thuật của Đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt phải kể đến hát chèo với 375 làng, hát ca trù là 193 làng. Ngoài ra còn có một số loại hình nghệ thuật khác như: múa lân, đánh trống, múa rồng... Các phong tục tập quán như dựng nêu, hạ nêu, lễ xuống đồng, cơm mới... được lưu truyền phổ biến trong cư dân trước đây, nhưng hiện nay chỉ một số ít còn được nhân dân duy trì như: Thờ cúng gia tiên, cúng thổ địa, tết Trung thu, cúng ông Công, ông Táo, xá tội vong nhân, thanh minh, tảo mộ, cúng rằm tháng Giêng, tục giết sâu bọ, tết Hàn thực, lễ mừng thọ.

Hiện nay các loại hình văn hóa phi vật thể này tồn tại không nhiều, đặc biệt là các trò diễn, các loại hình nghệ thuật cổ truyền, phong tục tập quán. Tốc độ đô thị hóa nhanh, sự phát triển của tiến bộ khoa học, các phương tiện hiện đại cùng với nhịp sống, lối suy nghĩ và không có sự truyền dạy của thế hệ trước cho thế hệ sau là nguyên nhân dẫn đến sự mai một, thất truyền, các giá trị văn hóa phi vật thể. Do vậy Hưng Yên đang quyết tâm tìm nhiều giải pháp để bảo vệ và phục hồi.

Nguồn: website báo Đại đoàn kết

Cùng chuyên mục