Hoạt động của ngành

Vĩnh Phúc: Nhìn lại công tác Văn hoá, Thể thao và Du lịch sau 6 tháng hoạt động

Cập nhật: 25/06/2008 09:06:25
Số lần đọc: 2327
Là một tỉnh mới được tách ra từ tỉnh Vĩnh Phú (Vĩnh Phúc và Phú Thọ), điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng với mục tiêu tạo mọi điều kiện cho các tầng lớp xã hội, nhất là nhân dân các vùng sâu vùng xa, được nâng cao mức sống về tinh thần, chính quyền địa phương cũng như các ban, ngành đoàn thể đã không ngừng quan tâm, chăm lo đến sự phát triển của các hoạt động văn hóa, thể thao...

Cũng như các địa phương khác trên cả nước, năm 2008 thực hiện hợp nhất các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch (theo Nghị định số 13/NĐ-CP) đã tạo cơ hội cho 3 lĩnh vực trên có thêm sự gắn bó chặt chẽ, thúc đẩy nhau cùng phát triển. Ngay sau khi hoàn tất về công tác tổ chức, nhân sự... Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc đã sớm triển khai đồng bộ các mặt hoạt động về quản lý và phát triển sự nghiệp nhằm hoàn thành các kế hoạch đặt ra.

 

Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá"... đã được triển khai rộng khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động văn nghệ, thi đấu thể thao được tổ chức với nhiều loại hình phong phú, đa dạng đã góp phần mang lại hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao sức khỏe cũng như các giá trị về tinh thần cho người dân.

 

Sau 6 tháng hoạt động, phong trào TDTT đã thu được những kết quả đáng biểu dương. Ngoài việc tham dự các giải thi đấu thể thao toàn quốc, Sở Văn  hoá, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc đã tổ chức và phối hợp tổ chức 5 giải thể thao cấp tỉnh, 58 giải thể thao cấp huyện, 440 giải thể thao cấp xã. Đặc biệt, Vĩnh Phúc đã vinh dự được đăng cai 2 giải thể thao quốc tế...  Song song với các hoạt động TDTT, công tác thư viện, quản lý xếp hạng, tu bổ di tích, công tác bảo tàng, tuyên truyền chính trị, tập huấn nghiệp vụ đã thu được những kết quả khả quan. Hoạt động du lịch đang từng bước khai thác được các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thu hút hàng vạn lượt khách du lịch tới thăm quan, nghỉ dưỡng và thoả mãn nhu cầu văn hoá tâm linh tại khu danh thắng Tây Thiên, Tam Đảo, Đại Lải…

 

Bên cạnh những thành tích đã đạt được, ở cả 3 lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch vẫn còn một số hạn chế tồn tại (việc triển khai, tổ chức các hoạt động TDTT tại các địa phương chưa đồng bộ, chủ yếu tập trung ở những khu vực đông dân cư, các thị xã, thị trấn; các hoạt động văn hoá, du lịch chưa được khai thác triệt để tương xứng với tiềm năng của địa phương...).

 

Để từng bước tháo gỡ những khó khăn của cả 3 lĩnh vực trên, ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc đã đề ra một số giải pháp trọng tâm trong 6 tháng cuối năm. Trước hết, cần tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thành công giải Bóng chuyền nữ Thế giới Grand Prix (sẽ chính thức khởi tranh vào ngày 27đến 30/6); Đồng thời, tiếp tục kiện toàn, sắp xếp ổn định cơ cấu tổ chức bộ máy của Sở theo yêu cầu quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ theo Thông tư số 43/TTLT-BVHTTDL-BNV; Tập trung chỉ đạo xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, đề án của ngành trình UBND tỉnh phê duyệt; Hướng dẫn, chỉ đạo hiệu quả hơn nữa đối với công tác xây dựng làng văn hoá trọng điểm của tỉnh và đặc biệt là xây dựng các thiết chế Văn hoá - Thể thao cơ sở, (thiết chế ở cấp thôn); Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án xây dựng cơ bản của ngành; Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ của các phòng Văn hoá Thông tin cấp huyện, đặc biệt tập huấn nghiệp vụ về công tác gia đình, du lịch, các chức năng khác… liên quan đến lĩnh vực quản lý, hoạt động đặc thù của ngành.

 

Bên cạnh đó,Sở cần tập trung nâng cao năng lực quản lý điều hành, trình độ cán bộ công nhân, viên chức, giải quyết dứt điểm những vấn đề còn tồn tại ở các địa phương, quyết tâm xây dựng đời sống văn hoá lành mạnh, nâng cao sức khoẻ nhân dân và đưa Văn hoá, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc ngày càng phát triển, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ hội nhập và phát triển.

Nguồn: Cinet

Cùng chuyên mục