Hoạt động của ngành

Vĩnh Phúc: Đẩy mạnh việc xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá và đơn vị văn hoá

Cập nhật: 27/06/2008 15:06:53
Số lần đọc: 2296
Triển khai thực hiện Nghị quyết 14 của HĐND tỉnh về xây dựng làng văn hoá – gia đình văn hoá – đơn vị văn hoá (LVH – GĐVH – ĐVVH), Sở Văn hoá- Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc đã tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng, hướng dẫn xây dựng LVH – GĐVH – ĐVVH tại tất cả các địa phương trên địa bàn, trong đó, tập trung xây dựng các nhà văn hoá thôn và lập quy hoạch tổng thể xây dựng 20 làng văn hoá trọng điểm.

Nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân các địa phương, chất lượng phong trào xây dựng LVH – GĐVH – ĐVVH đã ngày càng được nâng lên.


Từ nguồn ngân sách nhà nước, sự đóng góp của nhân dân và các doanh nghiệp, đến nay, đã có 125/152 nhà văn hoá xã, phường, thị trấn được xây dựng, đạt tỷ lệ 82% và 1094/1.452 nhà văn hoá thôn, làng, khu phố được đưa vào sử dụng, đạt tỷ lệ 75%. Hoạt động của các nhà văn hoá đã ngày càng phong phú, đi vào chiều sâu; là nơi tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của nhà nước, nơi chuyển giao tiến bộ KHKT, nơi diễn ra nhiều hoạt động mang tính cộng đồng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hoá của người dân và cũng là nơi phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu những hạt nhân văn nghệ, thể thao cho cơ sở.


Việc lồng ghép thực hiện các nhiệm vụ kinh tế xã hội gắn với phong trào đã làm cho nội dung và các tiêu chí của phong trào ngày càng trở nên phong phú, đa dạng. Kết thúc năm 2006, toàn tỉnh có 77% số gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá; 57% thôn, làng, khu phố văn hoá và 70% đơn vị văn hoá. Đến hết năm 2007, số thôn, làng, khu phố văn hoá đã tăng lên 60% và đơn vị văn hoá tăng lên 79%. Đáng chú ý là sự gia tăng đáng kể của các gia đình văn hoá, làng văn hoá, đơn vị văn hoá xuất sắc cấp tỉnh.


Đối với việc xây dựng làng văn hoá trọng điểm, đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật và phân bổ nguồn vốn năm 2007 cho 8 dự án xây dựng Trung tâm văn hoá thể thao, vui chơi, giải trí của 8 làng. Đây sẽ là những mô hình làng văn hoá mẫu mực, toàn diện trên các lĩnh vực, là hạt nhân để nhân rộng và phát triển phong trào xây dựng làng văn hoá trên địa bàn toàn tỉnh.

Tuy nhiên, hiện nay các công trình văn hoá trên địa bàn tỉnh còn rất thiếu, đặc biệt là công trình văn hoá ở các vùng nông thôn và miền núi. Bên cạnh đó, quy hoạch thiết kế nhà văn hoá thôn chưa có sự thống nhất, quy mô nhà văn hoá ở một số địa phương còn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển kinh tế xã hội, số nhà văn hoá được tận dụng từ các công trình cũ còn chiếm tỷ lệ cao dẫn đến hiệu quả sử dụng nhà văn hoá nhiều nơi còn thấp. Trước thực tế này, Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch cũng đã kiến nghị HĐND, UBND tỉnh điều chỉnh lại mức hỗ trợ kinh phí cho nhà văn hoá xã, thôn theo hướng: không hỗ trợ kinh phí mua trang thiết bị cho nhà văn hoá xã; nâng mức hỗ trợ nhà văn hoá thôn ở các huyện, thành, thị chưa xây dựng lên mức 20 triệu đồng/nhà, ở các xã miền núi lên mức 40 triệu đồng/nhà; điều chỉnh lại quỹ đất để xây dựng thiết chế văn hoá thể thao vui chơi giải trí từ 5.000m2/ thôn xuống tối thiểu 2.000m2/thôn, từ 10.000m2/xã xuống tối thiểu 5.000m2/xã, đồng thời, có kế hoạch cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho thiết chế này.

Nguồn: Website Đảng CSVN

Cùng chuyên mục