Hoạt động của ngành

Thừa Thiên Huế: Quảng Điền phát triển du lịch dịch vụ

Cập nhật: 29/11/2010 13:11:00
Số lần đọc: 1788
Trong chiến lược phát triển kinh tế huyện Quảng Điền tập trung ưu tiên phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch, từng bước đưa các ngành này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đến năm 2015, phấn đấu đưa tỷ trọng thương mại- dịch vụ chiếm 22% trong cơ cấu tổng sản phẩm xã hội; cơ cấu lao động chiếm 40%.

Dịch vụ từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh

 

Thời gian qua, dịch vụ-thương mại trên địa bàn Quảng Điền đang từng bước phát triển, phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất và đời sống của nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển. Các ngành dịch vụ phát triển khá đa dạng, như dịch vụ vật tư nông nghiệp và xây dựng; sửa chữa điện-điện tử; dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí. Đặc biệt, dịch vụ thu mua tiêu thụ sản phẩm nông sản đáp ứng tốt nhu cầu cung ứng đầu vào và giải phóng đầu ra cho sản phẩm nông thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề. Dịch vụ vận tải phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng và lưu thông trên địa bàn. Đã hình thành tuyến vận tải hành khách liên tỉnh từ Quảng Điền đi TP Hồ Chí Minh, Đắc Lắc, Lâm Đồng. Các ngành dịch vụ công, như bưu chính, viễn thông, ngân hàng không ngừng phát triển cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả phục vụ. Mạng Internet mở ra trên diện rộng phục vụ ngày càng tốt hơn yêu cầu công tác lãnh đạo, quản lý và đời sống xã hội...

 

Bên cạnh đẩy mạnh phát triển các cơ sở hoạt động thương mại, dịch vụ, thời gian qua, mạng lưới chợ nông thôn đã được huyện quan tâm đầu tư xây dựng kiên cố bằng nhiều nguồn vốn. Trung tâm thương mại huyện và mạng lưới chợ trung tâm ở hầu hết các xã được hoàn thiện và đưa vào sử dụng; đồng thời, đang triển khai xây dựng chợ Tân Xuân Lai, An Xuân, Quảng Vinh. Từng bước hình thành, khu dịch vụ Đông Quảng Lợi, một số trung tâm xã bước đầu được hình thành như Quảng Ngạn, Quảng Phú, Quảng Vinh, Quảng Thành tạo động lực thúc đẩy quá trình đô thị hóa nông thôn và và phát triển kinh tế- xã hội của từng vùng.

 

Những khởi động bước đầu về du lịch

 

Nằm ở phía bắc của thành phố Huế, Quảng Điền có nhiều thuận lợi về vị trí địa lý, kinh tế, đồng thời là nơi còn lưu giữ nhiều công trình kiến trúc được xếp hạng; có nhiều cảnh quan đẹp, đặc biệt là hệ sinh thái đầm phá với trên 3.500 ha mặt nước đầm phá Tam Giang, 12 km bờ biển; bên cạnh đó là vùng đệm cát nội đồng, tràm chim, làng chài… tạo nên vẻ đẹp hoang sơ và đặc biệt thu hút du khách đến khám phá.

  

Bên cạnh các lợi thế về tự nhiên, văn hóa xã hội, mới đây, đề án phát triển kinh tế tổng hợp vùng kinh tế Tam Giang-Cầu Hai được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tạo cho Quảng Điền nhiều cơ hội phát triển. Đặc biệt, sau lễ hội “Sóng nước Tam Giang” thu hút được nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế đến tham quan, mở ra nhiều cơ hội cho ngư dân ở các vùng ven phá. Hiện, Quảng Điền đã xây dựng đề án quy hoạch phát triển du lịch và đang chờ phê duyệt với những mục tiêu phát triển đồng bộ cả 3 yếu tố: sản phẩm du lịch, hạ tầng du lịch và cơ chế về phát triển du lịch. Trong đó, ưu tiên các ngành du lịch có lợi thế cạnh tranh. Khai thác và phát huy lợi thế phá Tam Giang và vùng biển để thu hút các tour du lịch sinh thái, gắn với phát triển dịch vụ. Tôn tạo và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa cách mạng (đình Thủ Lễ, thành Hoá Châu, chùa Thành Trung...) gắn với phát triển các làng nghề truyền thống (đan lát Bao La, bún Ô Sa...) và xây dựng nông thôn mới để hình thành các điểm du lịch. Chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, coi đây là một trong những tiềm năng, thế mạnh cần tập trung khai thác.

 

Anh Nguyễn Đình Đức, Trưởng phòng Công thương huyện cho biết: “Mặc dù có huyện có nhiều chính sách kêu gọi đầu tư nhưng chưa “giữ chân” được doanh nghiệp. Huyện cũng tạo mọi điều kiện khuyến khích khai thác dịch vụ du lịch nhưng các doanh nghiệp chưa mấy mặn mà”.

 

Định hướng phát triển

 

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII xác định: Phát triển du lịch-dịch vụ là một trong những lĩnh vực để huyện Quảng Điền khai thác thế mạnh. Hiện, Quảng Điền có tiềm năng du lịch khá lớn như chưa được khai thác tốt, đầu tư còn hạn chế. Sản phẩm du lịch nghèo nàn, dịch vụ đi kèm chưa hấp dẫn; hoạt động lưu trú chưa phát triển; hệ thống nhà hàng, trung tâm giao dịch buôn bán các mặt hàng truyền thống địa phương chưa được đầu tư khai thác…

 

Theo đó, các loại hình du lịch chính cần định hướng đầu tư và phát triển như du lịch cộng đồng kết hợp nghỉ dưỡng; du lịch sinh thái ven biển và đầm phá; tham quan di tích lịch sử và du lịch làng nghề văn hóa lễ hội đặc biệt, điểm nhấn du lịch Quảng Điền là tuyến du lịch Tam Giang.

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế

Cùng chuyên mục