Hoạt động của ngành

Du lịch Bắc Ninh - Tiềm năng và thách thức

Cập nhật: 29/11/2010 10:11:19
Số lần đọc: 2662
Với mật độ di tích lịch sử văn hoá dày đặc, tự hào là quê hương của 2 di sản thế giới: Dân ca Quan họ và Ca trù… “xứ sở của hội hè” - Bắc Ninh vẫn được đánh giá là địa phương giàu tiềm năng về du lịch. Trên thực tế, chúng ta vẫn chưa biến lợi thế về tiềm năng thành thế mạnh để phát triển du lịch bởi những thách thức lớn của ngành “công nghiệp không khói” này.

Du lịch Bắc Ninh có xuất phát điểm muộn. Chỉ vài năm trở lại đây, lĩnh vực du lịch trên quê hương của 44 làng Quan họ gốc mới bắt đầu phát triển, song hiện tại vẫn còn rất hạn chế về nhiều mặt. Bắc Ninh nằm trên hành lang trung chuyển khách du lịch của 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh, song vẫn chưa thực sự là điểm đến hấp dẫn, nhất là với du khách quốc tế.

 

Không chỉ ở Bắc Ninh, thử thách lớn nhất đối với ngành “công nghiệp không khói” là làm thế nào vừa giữ được những nét hấp dẫn truyền thống vừa đưa vào những tiện nghi hiện đại để đáp ứng mọi kỳ vọng của du khách. Bắc Ninh là mảnh đất có bề dày lịch sử văn hoá, đâu đâu cũng có di tích, tuy nhiên hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho hoạt động du lịch còn rất hạn chế. Toàn tỉnh hiện có gần 200 cơ sở lưu trú du lịch. Con số này không phải nhỏ nhưng chủ yếu vẫn là nhà nghỉ, chất lượng phục vụ còn nhiều bất cập, đội ngũ làm du lịch (lễ tân, phục vụ) ở các điểm lưu trú còn thiếu tính chuyên nghiệp, phần lớn chưa qua đào tạo bài bản.

 

Trong khi đó, hoạt động lữ hành - yếu tố được coi là “đòn bẩy” của ngành du lịch chưa có chuyển biến, vẫn manh mún, thiếu kinh nghiệm. Số đơn vị kinh doanh lữ hành đã ít, số lượng có thể đếm trên đầu ngón tay song chất lượng cũng không mấy khả quan. Các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này chủ yếu đưa khách đi du lịch tỉnh ngoài mà chưa có cách làm hay để quảng bá và tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng thực sự hấp dẫn. Làm tuor kém cũng là một nguyên nhân khiến cho việc khai thác tiềm năng thiếu hiệu quả. Hầu hết các tour chỉ đưa khách đến các điểm du lịch chứ chưa tận dụng và khai thác tốt các dịch vụ tại các điểm này. Thêm nữa, các địa điểm vui chơi giải trí chưa phát triển nên không giữ chân được khách du lịch lưu trú trong thời gian dài.

 

Hiện tại, so với các hoạt động khác, du lịch văn hoá, tâm linh vẫn được coi là tiềm năng lớn và có sức hút nhất đối với du khách, nhất là du khách quốc tế. Hoạt động này thường gắn với các lễ hội, do đó thịnh hành hơn vào mùa xuân khi tiếng trống hội rộn rã ở khắp các làng quê. Tuy vậy, chiều sâu tiềm ẩn trong nét đặc sắc văn hoá những làng quê này mới thực sự là thế mạnh của Bắc Ninh. Trong một vài cuộc toạ đàm, hội thảo nhằm hình thành và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh đã từng có ý kiến cho rằng, rất cần thiết xây dựng các tuyến du lịch đặc trưng trong giai đoạn hiện nay. Với sự thuận tiện về giao thông, còn gìn giữ khá đậm nét văn hóa Á Đông, an ninh trật tự tốt, hình thức du lịch homestay (nghỉ tại nhà dân) hiện được các đơn vị kinh doanh lữ hành đánh giá là điểm mạnh của du lịch Bắc Ninh. Tuy vậy để có sự chuyên nghiệp trong cách quảng bá, tổ chức loại hình du lịch này nhằm thu hút đông đảo du khách cũng cần phải có thời gian.

 

Ông Nguyễn Xuân Côn, Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch (Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch) khẳng định: Vấn đề phát triển du lịch phải có lộ trình, không phải chuyện ngày một ngày hai có thể thay đổi được. Du lịch cũng chính là một ngành kinh tế, trong điều kiện và tình hình chung hiện nay đòi hỏi sức cạnh tranh lớn cả về năng lực tài chính, công tác quản lý và hoạt động nghiệp vụ. Để thúc đẩy khả năng cạnh tranh, phù hợp với xu thế phát triển, hội nhập chung của quốc gia và thế giới, du lịch Bắc Ninh đã và đang khởi động xúc tiến đầu tư một số dự án khu du lịch như: Khu du lịch văn hóa Quan họ Cổ Mễ tại khu vực Đồng Trầm (thành phố Bắc Ninh), Khu du lịch Đền Đầm (Từ Sơn), Khu du lịch sinh thái Thiên Thai (Gia Bình)…

 

Những khó khăn gặp phải trong lĩnh vực du lịch ở Bắc Ninh là không nhỏ. Chính vì vậy, để biến tiềm năng thành thế mạnh, biến thách thức thành cơ hội cần có những giải pháp đồng bộ nhằm tập trung phát triển chất lượng nguồn lao động, chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, củng cố cơ sở hạ tầng… chuyển từ xu hướng phát triển về số lượng sang chất lượng, từ chiều rộng sang chiều sâu.

Nguồn: Báo Bắc Ninh

Cùng chuyên mục