Tin tức - Sự kiện

Nét đặc trưng văn hoá Bắc Giang

Cập nhật: 01/10/2010 08:10:08
Số lần đọc: 2059
Bắc Giang được thành lập năm 1895 vốn là miền trung du, thượng du của lộ Bắc Giang thời Lý - Trần, tức trấn Kinh Bắc thời Lê hay tỉnh Bắc Ninh thời Nguyễn. Mỗi vùng đất, mỗi địa phương đều có những đặc trưng riêng. Qua điều tra, sưu tầm, khảo cổ... các nhà nghiên cứu văn hoá đã cho rằng văn hoá Bắc Giang có 5 nét đặc trưng nổi bật:

Thứ nhất là tính chất đan xen đa văn hoá. Thông qua sinh hoạt văn hoá dân gian cho thấy mỗi vùng tập tục về lễ hội, cưới xin, ma chay, ăn ở, tín ngưỡng có những khác nhau nhưng cùng tụ hội sinh sống trong một vùng đất. Đan xen ở đây không phải hoà đồng mà tất cả cùng tồn tại tạo nên sự phong phú, sinh động của văn hoá Bắc Giang. Thứ hai  là tính chất tụ hội văn hoá người Việt. Trong lịch sử lâu dài của đất nước người dân từ nhiều nơi như Thanh Hoá, Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng, Hưng Yên... đã lên đây sinh sống. Họ mang theo tập tục của mình và có những biến đổi theo người dân bản xứ trên đất Bắc Giang và ngược lại người dân Bắc Giang ở trước đó cũng bị những tác động của cư dân mới đến. Thứ ba, con người Bắc Giang vốn là những cư dân đồng cam cộng khổ, cưu mang nhau vượt qua thiên tai địch hoạ, khai phá rừng hoang lập làng, lập bản. Tính chất hào hùng còn dễ nhận thấy hơn qua các cuộc bảo vệ đất nước của dòng họ Giáp, họ Thân và đặc biệt hơn là cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Thứ tư Bắc Giang là sự giao thoa giữa hai miền văn hoá Việt cổ (Bắc Ninh) và văn hoá Tày Nùng (Lạng Sơn). Những người dân tộc Thái, dân tộc Dao… vẫn có nét riêng trong sinh hoạt nhưng họ học tiếng Kinh, mặc quần áo người Kinh. Đặc trưng thứ năm của văn hoá Bắc Giang là tính chất đoàn kết, sáng tạo. Từ vùng rừng thiêng nước độc cộng đồng dân cư Bắc Giang sinh sống đã tạo nên những vẻ đẹp riêng có cả về văn hoá vật thể và phi vật thể. Chỉ xin ví dụ nhỏ về lễ hội, Bắc Giang được coi là cái nôi của lễ hội cả nước với hơn 500 lễ hội lớn nhỏ mà không hội nào giống hội nào, cách thức tổ chức bài trí cũng khác nhau.

 

Những người dân Bắc Giang ai cũng tự hào vì quê hương mình là cái nôi của quan họ cổ với 6 làng ven sông Cầu, tồn tại như một sự kết duyên song song với quan họ Bắc Ninh. Đất Bắc Giang còn là nơi có tục kết chạ từ lâu đời đến nay vẫn tồn tại trong cuộc sống cộng đồng, có đóng góp tích cực làm đẹp thêm đời sống xã hội.

 

Mới đây các nhà nghiên cứu đã phát hiện di chỉ khảo cổ từ thời Lý thế kỷ XIII ở khu vực Đền Cầu Từ xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn. Theo báo cáo sơ bộ của các nhà chuyên môn, di chỉ này cùng thời với di chỉ tìm thấy ở Hoàng Thành Thăng Long đang được điều tra khảo sát tại Hà Nội. Đó là những kiến trúc về lăng tẩm để lại từ thời Lý - Trần với hoa văn trang trí các di chỉ tìm thấy, cách xây lăng tẩm cùng đổ trụ sỏi hoặc lát đường đi xếp gạch theo kiểu hoa chanh... Với sự phát hiện này càng khẳng định văn hoá Bắc Giang có từ lâu đời và sự giao thoa văn hoá giữa các tộc người trên mảnh đất Bắc Giang vẫn tồn tại từ xa xưa.

 

Là người Bắc Giang, ai cũng tự hào bởi ngôi chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) - cái nôi đào tạo phật pháp thiền phái Trúc Lâm; chùa Bổ Đà (Việt Yên) phản ánh tính chất cổ kính gần với phật giáo Ấn Độ, đình Lỗ Hạnh (Hiệp Hoà) được dựng vào cuối thế kỷ XVI từng được mệnh danh là "Đệ nhất Kinh Bắc". Các nhà khảo cổ học đã phát hiện trên địa bàn tỉnh ta cách đây khoảng hai vạn năm có người thời đại đồ đá khai phá, sinh sống ở đây. Điều đó được thể hiện qua các di chỉ Bố Hạ (Yên Thế), Chũ, Cầu Cát ( Lục Ngạn), Khe Táu, An Châu (Sơn Động). Thời gian tiếp theo các nhà khảo cổ cũng tìm thấy con người thời đại đồ đá mới sinh sống trên vùng đất này qua di chỉ Mai Sưu (Lục Nam), thời đại đồ đồng qua di chỉ Đông Lâm (Hiệp Hoà). Mấy ngàn năm sau đó, thời Bắc thuộc và thời phong kiến, người dân Bắc Giang vẫn sống, tồn tại với những nét văn hoá, tập tục của mình.

 

Có thể khẳng định rằng điểm nổi bật trong những đặc trưng của văn hoá Bắc Giang đó là tụ điểm giao lưu - giao thoa văn hoá rất điển hình. Các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian vẫn đang tiếp tục nghiên cứu về những đặc trưng của văn hoá Bắc Giang. Trên đây là vài nét đặc trưng đã được khẳng định cũng là độc đáo riêng của một vùng đất Bắc Giang anh hùng, giàu truyền thống cách mạng.

Nguồn: Báo Bắc Giang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT