Hoạt động của ngành

Xúc tiến quảng bá du lịch Kiên Giang và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tại Hà Nội

Cập nhật: 12/04/2024 09:34:07
Số lần đọc: 737
(TITC) - Ngày 11/4, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu dự Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Đồng bằng sông Cửu Long và Kiên Giang trong khuôn khổ Hội chợ du lịch quốc tế VITM 2024. Sự kiện do Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Kiên Giang và Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang tổ chức.

Hội nghị được tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh, thông tin và tiềm năng du lịch của 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long đến với đại biểu các địa phương, doanh nghiệp du lịch tại Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc, đồng thời trao đổi kinh nghiệm, ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa hai khu vực.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu phát biểu tại hội nghị (Ảnh: TITC)

Đánh giá cao ý nghĩa của hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu cho rằng các sản phẩm du lịch của Đồng bằng sông Cửu Long đang ngày càng trở nên hấp dẫn và đang được giới thiệu rộng khắp cả nước. Các địa phương nói chung và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng đang làm rất tốt theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết 82/NQ-CP và Chỉ thị 08/CT-TTg. Việc liên kết những điểm đến như Kiên Giang, Cần Thơ, Cà Mau, Bạc Liêu… đã tạo nên một sức mạnh lớn. Các sản phẩm du lịch, hình ảnh, những thông điệp, tour tuyến được giới thiệu tại hội nghị sẽ góp phần đưa thông tin về du lịch vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long đến gần hơn với du khách.

Phó Cục trưởng đề nghị các địa phương cần tiếp tục phát huy liên kết này trở thành chuỗi chương trình, chiến dịch quảng bá đậm nét. Đặc biệt, những thông điệp về điểm đến du lịch, chương trình combo kích cầu du lịch cần tích cực quảng bá trên nền tảng số. “Chúng ta đang xây dựng nội dung để cùng nhau xúc tiến, tránh trùng lặp sản phẩm, và hỗ trợ nhau đầu tư phát triển sản phẩm mới, qua đó cũng khắc phục những điểm yếu về nhân lực, về các hoạt động quản lý…”, Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung phát biểu tại hội nghị (Ảnh: TITC)

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung cho biết, hiện tại, Đồng bằng sông Cửu Long đã thực hiện tốt việc đẩy mạnh liên kết - hợp tác, tăng cường xúc tiến - quảng bá du lịch, đẩy mạnh xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, làm mới sản phẩm du lịch...

Năm 2023, tổng số khách du lịch đến Đồng bằng sông Cửu Long đạt 44,9 triệu lượt, tăng hơn 20% so với năm 2022, trong đó có là 1,8 triệu lượt khách quốc tế, tăng hơn 3 lần so với năm 2022; tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 45 nghìn tỷ đồng. Năm 2024, Kiên Giang với vai trò là Cụm trưởng Cụm hợp tác, liên kết phát triển du lịch phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long đã phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố xây dựng nội dung theo hướng thiết thực, sát với điều kiện của từng địa phương.

Đây là dịp để các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ du lịch của các địa phương, nhất là các sản phẩm du lịch mới, sản phẩm du lịch chất lượng nhằm thu hút khách tham quan du lịch cùng trải nghiệm để các doanh nghiệp gặp gỡ giao lưu, hợp tác kết nối tour tuyến du lịch với các đối tác doanh nghiệp khu vực phía Bắc trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang mong muốn tiếp tục tăng cường liên kết phát triển sản phẩm du lịch theo hướng chuyên nghiệp hóa và tiếp cận chuỗi giá trị cung ứng dịch vụ du lịch, từ số lượng sang chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm; nâng cao hiệu quả và tính chuyên nghiệp; xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch Đồng bằng sông Cửu Long hiện đại, đẳng cấp, chất lượng, thân thiện và an toàn.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang phát biểu tại hội nghị (Ảnh: TITC)

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, thời gian qua, Hà Nội đã tích cực, chủ động hợp tác với các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long, ký kết nhiều chương trình hợp tác phát triển du lịch với Sở Du lịch/Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tạo điều kiện, tổ chức kết nối và chỉ đạo các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn triển khai các chương trình, sản phẩm du lịch mới, phù hợp với từng địa phương.

Trong thời gian tới Sở Du lịch sẽ tổ chức hội nghị kết nối doanh nghiệp du lịch giữa các địa phương và cơ quan quản lý nhà nước, thống nhất xây dựng một số sản phẩm du lịch căn cứ trên thế mạnh đặc thù để kết nối chuỗi các sản phẩm du lịch giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh phía Bắc lân cận Hà Nội.

Đồng thời, phối hợp kêu gọi, hỗ trợ, khuyến khích và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp có năng lực của Hà Nội nghiên cứu mở chi nhánh, văn phòng đại diện về du lịch, đầu tư xây dựng các khu, điểm du lịch, các cơ sở lưu trú, vui chơi, nghỉ dưỡng tại các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh phía Bắc lân cận Hà Nội.

Cùng với đó, phối hợp trong công tác truyền thông hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch mới của các địa phương; tổ chức các đoàn famtrip, presstrip, đoàn làm phim, nhiếp ảnh, youtuber đến tham quan, khảo sát các điểm đến du lịch…

Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: TITC)

Tại hội nghị, các doanh nghiệp của một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc trưng, tour tuyến du lịch hấp dẫn… đáp ứng như cầu đa dạng của du khách trong nước và quốc tế.

Trung tâm Thông tin du lịch

Nguồn: vietnamtourism.gov.vn - Đăng ngày 11/4/2024

Cùng chuyên mục