Tin tức - Sự kiện

Tìm giải pháp phát triển tuyến du lịch trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức

Cập nhật: 13/04/2024 11:47:37
Số lần đọc: 624
(TITC) - Chiều 12/4, tại huyện Thanh Oai, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với UBND các huyện Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức tổ chức tọa đàm "Giải pháp phát triển tuyến du lịch trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức, thúc đẩy kết nối các điểm đến di tích - di sản và làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội".

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: TITC

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, Sở Du lịch Hà Nội đã triển khai xây dựng tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hoà - Mỹ Đức với chủ đề “Con đường di sản Nam Thăng Long”. Đây là bước đi nhằm từng bước đầu tư hoàn thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và đa dạng hoá các sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với di sản, di tích, làng nghề, góp phần tạo điểm đến du lịch chất lượng cao, tiêu biểu của thành phố Hà Nội; phát huy tính liên kết, hợp tác của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực du lịch theo hướng bảo tồn và phát triển du lịch bền vững.

Đây là tuyến du lịch nội đô chính thức đầu tiên được công bố trong kế hoạch phát triển hệ thống các tuyến du lịch kết nối trung tâm Hà Nội với các địa phương ở ngoại thành và xa hơn là kết nối với các tỉnh, thành phố khác trong vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng. Trên cơ sở đó, các đơn vị, doanh nghiệp du lịch cần đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch mới, cung cấp các dịch vụ chất lượng phục vụ du khách trong nước và quốc tế. Đặc biệt sẽ hình thành các chương trình du lịch đa dạng với chủ đề khác nhau, kết nối các điểm du lịch trên một hay nhiều tuyến du lịch.

Ông Phùng Quang Thắng, Chi hội trưởng Chi hội Du lịch Xanh Việt Nam. Ảnh: TITC

Theo ông Phùng Quang Thắng, Chi hội trưởng Chi hội Du lịch Xanh Việt Nam, ngoài các điểm đến đặc trưng mà đoàn đã khảo sát hôm nay như: đình Nội (huyện Thanh Oai), làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa), Làng nghề dệt Phùng Xá (huyện Mỹ Đức) thì ba địa phương này còn có hàng trăm điểm đến khác để khám phá, đặc biệt là các làng nghề. Từ các điểm đến đó, các doanh nghiệp du lịch sẽ tính toán, lựa chọn để nhân rộng thêm các điểm đến, sản phẩm du lịch khác để khai thác các giá trị tiềm năng thế mạnh của từng địa phương. Đặc biệt, trong giai đoạn mới đưa vào khai thác “Con đường di sản Nam Thăng Long” các địa phương rất cần sự chung tay, liên kết của các doanh nghiệp. Vì mỗi doanh nghiệp nắm được nhu cầu của từng thị trường khách để đưa ra các dịch vụ đáp ứng thị hiếu của du khách. Ông Phùng Quang Thắng hy vọng, với sự nỗ lực của các bên, tuyến du lịch “Con đường di sản Nam Thăng Long” sẽ không ngừng được nâng cao chất lượng dịch vụ.

Ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch châu Á. Ảnh: TITC

Còn theo ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch châu Á, tuyến du lịch “Con đường di sản Nam Thăng Long Hà Nội” đi qua nhiều làng nghề với nhiều giá trị văn hóa bản địa đặc sắc. Vì vậy để phục vụ khách du lịch một cách bài bản, chuyên nghiệp thì các điểm đến cần đầu tư các không gian trải nghiệm khép kín từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ thành phẩm với sự giúp đỡ của chính quyền về quy hoạch, cơ sở hạ tầng du lịch. Ví dụ như ở làng nghề Quảng Phú Cầu, Ứng Hòa cần có thêm một không gian tập trung để du khách được trải nghiệm làm nghề tăm hương và xung quanh có thêm dịch vụ ẩm thực, điểm check-in kết hợp với cây xanh và hoa thì sẽ hấp dẫn khách du lịch hơn. Hay ở làng dệt lụa Phùng Xá, Mỹ Đức, chính quyền cần hỗ trợ bà con quy hoạch thành khu trải nghiệm, mua sắm khép kín. Bên cạnh đó cũng rất cần một hợp tác xã để quy tụ bà con làng nghề cùng chung tay làm du lịch.

Đoàn khảo sát tham quan Làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa). Ảnh: TITC

Bà Hoàng Thị Mai, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Khám phá châu Á cho hay: “Tôi là người con Ứng Hòa, nhưng lần đầu tiên đến với Thanh Oai và Mỹ Đức. Chúng ta đã liên kết được tuyến du lịch này, nó có sự độc đáo về văn hoá cội nguồn. Để thực sự liên kết với tuyến du lịch từ trung tâm Hà Nội đến các làng nghề phía Nam Thủ đô và thu hút khách du khách quốc tế thì cần nỗ lực nhiều hơn nữa. Ví dụ, cần quan tâm hơn nữa vấn đề về môi trường xanh, sạch, đẹp và cần giữ gìn được cốt cách, văn hóa của người dân bản địa. Bên cạnh các làng nghề, di tích văn hóa, lịch sử… cần gắn du lịch “Con đường di sản Nam Thăng Long với sự phát triển nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Hồng và kết hợp với các tuyến du lịch đường bộ, đường thủy và đường sắt từ trung tâm Hà Nội, từ đó chúng ta sẽ có bức tranh nhiều sắc màu cho du lịch phía Nam của Thủ đô”.

Kết luận buổi tọa đàm, Phó Giám đốc Trần Trung Hiếu khẳng định, những ý kiến của đại biểu sẽ được Sở Du lịch Hà Nội và UBND các huyện tiếp thu, nghiên cứu và từng bước đầu tư phát triển tuyến du lịch theo hướng bền vững.

Các đại biểu ký Bản ghi nhớ hợp tác phát triển du lịch. Ảnh: TITC

Nhân dịp này, đại diện Chi hội Du lịch xanh Việt Nam, Chi hội Lữ hành Hà Nội và Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam đã ký Bản ghi nhớ hợp tác với đại diện lãnh đạo của một số điểm đến du lịch trọng điểm trên tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức nhằm nâng cao chất lượng tuyến du lịch “Con đường di sản Nam Thăng Long”, đồng thời liên kết phát triển với các di tích - di sản và làng nghề khác trên địa bàn Thủ đô.

Cùng ngày, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức đoàn khảo sát, trải nghiệm và công bố tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Mỹ Đức với sự tham gia các công ty lữ hành và các cơ quan thông tấn báo chí.

Trung tâm Thông tin du lịch

Nguồn: vietnamtourism.gov.vn - Đăng ngày 12/4/2024

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT