Hành trang lữ khách

Thành phố Hồ Chí Minh: Nét độc đáo ở những ngôi chợ không tên

Cập nhật: 21/11/2023 12:01:45
Số lần đọc: 1446
Thành phố Hồ Chí Minh hiện có hơn 200 chợ truyền thống đang hoạt động, trong đó, có nhiều ngôi chợ “có tuổi mà không có tên” nhưng rất nổi tiếng, đã trở thành nét riêng của Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh mỗi khi nhắc đến.

Chợ trầu cau ở Thành phố Hồ Chí Minh trở thành điểm đến độc đáo thu hút nhiều du khách.

Chợ trầu cau trên đường Lê Quang Sung (Quận 6) có tuổi đời hơn 50 năm, là điểm đến quen thuộc của người dân thành phố và các tỉnh lân cận mỗi khi có nhu cầu cưới hỏi, giỗ chạp, lễ chùa... Gọi là “chợ”, nhưng thực ra nơi đây chỉ có khoảng chục quầy hàng bán trầu cau từ lâu đời. Tiểu thương chợ dành tâm huyết cho từng mớ trầu, buồng cau và truyền nghề cho nhiều thế hệ trong gia đình. Chợ trầu cau như một nét đẹp truyền thống dân tộc, nơi họ cố gắng bám nghề và giữ nghề dù phải dãi dầu nắng mưa.

Nâng niu, cẩn thận dùng con dao nhỏ bổ quả cau tròn lẳn thành từng múi đều tăm tắp, những lá trầu cũng được bà Nguyễn Thị Hoa (70 tuổi) khéo léo têm hình cánh phượng để chuẩn bị giao cho khách. Bà Hoa trải lòng, đã “bén duyên” với nghề trầu cau khi mới 18 tuổi do được truyền nghề từ bà cụ thân sinh. Hồi đó, khu chợ này rất tấp nập, người dân tứ xứ đổ về bán mua, trao đổi trầu cau vô cùng nhộn nhịp.

Dù là đám hỏi cưới, lễ hội, Tết hay khách đến chơi nhà… đều không thể thiếu “miếng trầu làm đầu câu chuyện”. Nhưng theo năm tháng, số lượng người ăn trầu ngày càng vơi dần. Bây giờ, mặt hàng này chỉ để trưng trong những dịp quan trọng nên người bán cũng ngày càng ít đi. Trung bình mỗi ngày, bà Hoa bán một thiên cau (1.000 trái) và 20 kg trầu. Ngày Tết bán nhiều hơn nhưng cũng chỉ đủ ăn, nuôi con cháu học hành chứ không thể làm giàu từ nghề này.

Nép mình bên hông Bến xe Chợ Lớn, quầy trầu cau của bà Trương Thị Lâu (70 tuổi, ngụ xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) không lúc nào ngơi khách. Nhắc đến nghề, bà Lâu luôn mỉm cười tự hào, cau trầu của Bà Điểm rất được nhiều người ưa chuộng. Cau dẻo và trầu rất cay khiến cho những người nghiện trầu rất thích.

“Nghề này đã truyền sáu thế hệ trong gia đình tôi. Các con tôi cũng ngày ngày bám chợ bán trầu cau. Nghề này đã nuôi bốn cháu ngoại vào đại học. Chúng tôi yêu nghề, quý nghề như máu thịt của mình”, bà Lâu bộc bạch. Trước kia, cau bán chỉ ở vùng Bà Điểm (huyện Hóc Môn) thì nay nhiều nhà không còn trồng nữa, người bán phải lấy thêm từ các tỉnh miền tây như Bến Tre, Cần Thơ, có khi ở Quảng Ngãi, Bình Định...

Không chỉ bán trầu cau, nhiều quầy sạp còn bán thêm cau khô, lá thuốc, vôi ăn trầu. Các bà, các mẹ tâm sự, họ buôn bán không nặng chuyện “cơm, áo, gạo, tiền” mà chủ yếu muốn giữ nghề truyền thống của gia đình. “Cũng may, phong tục mình bắt buộc phải có một mâm trầu cau trong lễ cưới nên chúng tôi mới có điều kiện để tồn tại đến ngày nay”, bà Trần Thị Lợi (66 tuổi, ngụ Quận 4) giãi bày.

Không biết tự bao giờ, chợ cá “âm phủ” trên đường Lưu Xuân Tín (Quận 5) đã trở thành nơi trao đổi, mua bán của những người đam mê cá kiểng. Chợ họp nhộn nhịp nhất từ 3-6 giờ sáng. Chị Nguyễn Thị Hồng Hoa (45 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè) đã buôn bán ở chợ gần 5 năm qua cho biết: Chợ có từ trước năm 1975. Ban đầu chỉ vài ba người, dần dần nhiều thêm.

Con đường nhỏ trở thành khu chợ mua bán cá kiểng tấp nập với số lượng giao dịch lớn hàng đầu cả nước. Cá kiểng các loại từ khắp các tỉnh Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long... và cả các huyện ngoại thành đều được tập trung về đây, sau đó phân phối ngược về cho các cửa hàng kinh doanh cá kiểng trên cả nước. “Cá ở đây đều được người bán cam kết chất lượng, sẵn sàng đổi hàng nên nhiều người trở thành khách ruột từ nhiều năm qua.

Tuy bán lẻ nhưng đều theo giá sỉ nên hầu như không có chuyện trả giá, mặc cả”, chị Hoa nói. Những người lần đầu đến chợ cá kiểng “âm phủ” này sẽ không khỏi ngạc nhiên bởi độ phong phú. Hầu hết, các loại cá từ bình dân như cá bảy màu, cá ba đuôi… đến hàng hiếm như cá koi, cá la hán giá cả triệu đồng/con cũng được cho vào từng bọc có bơm ô-xi chờ khách. Người mua quỳ mọp trên mặt đường, cầm đèn pin soi từng con cá, ngắm nghía đến khi hài lòng thì thôi.

Cách chợ cá “âm phủ” không xa, một điểm mua bán khác với cái tên “chợ sâu bọ” trên đường Thuận Kiều (Quận 5) dễ làm những ai yếu bóng vía đều rùng mình. Tại đây có đủ các loại sâu non, cào cào, châu chấu, dế lửa đến cả rết, giun đất, thằn lằn, rắn liu điu… nằm lúc nhúc trong những chiếc thùng xốp nhằm phục vụ người chơi chim cảnh, cá kiểng.

Chị Lê Thị Thìn (48 tuổi, ngụ Quận 8) có thâm niên gần 30 năm buôn bán kể, chợ có từ thời ông bà. Trước kia, nơi đây chuyên bán chim, gà chọi… Sau đó, một số người đem sâu bọ tới bán cho người ta mua về nuôi chim. Thấy bán được, có người nuôi rồi đem ra đây giao mối nên hình thành ra chợ. “Tiểu thương” ở đây đa phần là dân nghèo ở các vùng ngoại ô đổ về buôn bán nhưng thu nhập cũng chẳng đáng là bao.

Giữa năm 2023, Ủy ban nhân dân Quận 6 đã ra mắt “Phố cưới hỏi- trầu cau Chợ Lớn” dọc tuyến đường Lê Quang Sung (đoạn từ Ngô Nhân Tịnh đến Nguyễn Thị Nhỏ), với khoảng 16 quầy hàng kinh doanh. Đại diện Ủy ban nhân dân Quận 6 cho biết: Tuyến phố này góp phần làm phong phú thêm các hoạt động kinh doanh, du lịch vốn đã nhộn nhịp trên địa bàn quận; bổ sung lợi thế kinh tế của cụm trung tâm thương mại dịch vụ Bình Tây; bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Bài và ảnh: Phương Vy

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Ngày đăng 16/11/2023

Cùng chuyên mục