Hoạt động của ngành

Quảng Ninh: Để phát huy giá trị văn hóa Vịnh Hạ Long

Cập nhật: 22/11/2023 10:18:14
Số lần đọc: 522
Ngoài thăm hang động, tắm biển thì hành trình trải nghiệm chèo thuyền nan, thăm không gian các làng chài, nghe hát giao duyên, thăm các bảo tàng trên Vịnh Hạ Long... là các trải nghiệm gây ấn tượng, thu hút khách, đặc biệt là khách quốc tế. 

Từ lâu Vịnh Hạ Long là điểm đến hấp dẫn khách quốc tế bởi giá trị cảnh quan, các di sản văn hóa. Vịnh Hạ Long có bề dày lịch sử văn hóa, nơi ghi dấu lịch sử dựng nước, giữ nước qua các triều đại phong kiến, thời chống Pháp, Mỹ. Đây còn là “cái nôi” cư trú của người Việt cổ, nơi gắn liền với văn hóa vạn chài và các làng chài, không gian độc đáo được thế giới đánh giá cao. 

Trung tâm văn hóa nổi Cửa Vạn nằm giữa không gian làng chài Cửa Vạn xưa thu hút du khách quốc tế.

"Hiện, ngoài các sản phẩm truyền thống, tàu du lịch trải nghiệm những giá trị văn hóa trên Vịnh Hạ Long như: Chèo thuyền nan, nghe hát giao duyên hay được dịp tham gia các lễ hội truyền thống, trải nghiệm cuộc sống ngư dân… là những nét độc đáo, được du khách quốc tế thích thú, đánh giá cao" - ông Trần Đăng An, Giám đốc Lữ hành Halotour (TP Hạ Long) đánh giá. 

Ông Lê Minh Tân, Phó Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, cho biết: Vịnh Hạ Long có nhiều giá trị văn hóa, lịch sử được quan tâm bảo tồn, lựa chọn phát huy thành các sản phẩm hoặc tăng sức hấp dẫn cho điểm đến. Xác định giá trị này, thời gian qua, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã quan tâm đẩy mạnh công tác điều tra nghiên cứu làm cơ sở khoa học triển khai bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa di sản. Trong đó, đặt trọng tâm việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vạn chài; văn hóa phi vật thể… Đồng thời, Ban cũng quan tâm quảng bá giá trị văn hóa ở các sự kiện trong nước, giao lưu hợp tác quốc tế; trưng bày, giới thiệu giá trị này sâu rộng với quốc tế...

Gần đây, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã ban hành 3 kế hoạch triển khai việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá làng chài, dàn dựng, truyền dạy 2 kịch bản hát giao duyên; truyền dạy kỹ thuật đan, chế tạo ngư cụ truyền thống; xây dựng phim tài liệu về văn hóa làng chài... Việc này vừa bảo tồn được các di sản văn hóa tránh bị mai một, vừa tạo nguồn "nguyên liệu" để đa dạng hoá sản phẩm du lịch. 

Du khách thích thú với dịch vụ chèo đò do chính ngư dân hướng dẫn khi tham quan ở Ba Hang.

Theo thống kê của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, hiện nay, trên Vịnh Hạ Long đã hình thành 5 tuyến tham quan, 5 cụm điểm lưu trú, 12 khu vực hoạt động của kayak, đò... Trong đó có nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn từ chính các di sản văn hóa. Tiêu biểu như: Trải nghiệm nét văn hóa làng chài tại khu vực Cửa Vạn, tham quan di chỉ khảo cổ tại động Mê Cung, khu trưng bày khảo cổ tại động Tiên Ông, khu nuôi trồng và chế tác ngọc trai tại vụng Tùng Sâu, Vung Viêng, trải nghiệm ẩm thực và mua sắm các sản phẩm địa phương tại khu vực Cặp Táo, tham quan khu nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch có trách nhiệm tại Vung Viêng… Các sản phẩm trên phần nào đã đem đến trải nghiệm hấp dẫn, thú vị cho khách du lịch. Điều này không chỉ góp phần cuốn hút, bước đầu định vị điểm đến với khách quốc tế, góp phần tăng thu ngân sách, tăng nguồn lực đầu tư trở lại cho công tác bảo tồn các giá trị của vịnh Hạ Long.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, các sản phẩm, dịch vụ du lịch từ các di sản văn hóa trên vịnh tuy hấp dẫn nhưng còn chậm thay đổi, đưa vào triển khai. Mặt khác, Vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới nên việc đầu tư xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch trên Vịnh đều cần có sự phối hợp nghiên cứu, triển khai phải tuân thủ theo quy trình, xin ý kiến của nhiều cấp, ngành nên mất nhiều thời gian. Ngoài ra, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể cho các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động dịch vụ du lịch trên vịnh về quy trình để xây dựng và đưa sản phẩm du lịch, loại hình du lịch mới vào khai thác.

Tái hiện đám cưới, hát giao duyên của ngư dân trên Vịnh Hạ Long cho du khách tham quan Vịnh Hạ Long.

Một trong những lý do quan trọng là sau 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguồn kinh phí của Ban bị ảnh hưởng do không có nguồn thu. Nguồn kinh phí triển khai các nhiệm vụ còn khó khăn, hạn chế, nhất là các nhiệm vụ, dự án bảo tồn, phát huy di sản văn hóa đòi hỏi kinh phí lớn. Thêm vào đó, ảnh hưởng của dịch bệnh, xung đột từ một số khu vực trên thế giới mà lượng khách quốc tế tới Vịnh Hạ Long suy giảm, khiến các hạ tầng, sản phẩm du lịch văn hóa... bị mai một, xuống cấp... Đây là các vấn đề cần được quan tâm, giải quyết để có thể bảo tồn, phát huy hiệu quả và biến giá trị văn hóa thành các sản phẩm phục vụ du lịch.

Hà Phong

Nguồn: Báo Quảng Ninh - baoquangninh.vn - Ngày 19/11/2023

Cùng chuyên mục