Non nước Việt Nam

Làng nghề đan đó Thủ Sỹ - Hưng Yên

Cập nhật: 25/05/2023 16:10:40
Số lần đọc: 611
Từ bao đời nay, chiếc đó đã trở thành dụng cụ bẫy tôm, cua, cá... trên sông, mương ở những vùng chiêm trũng, đầm khắp miền Bắc nước ta. Sự hiện diện của chúng gắn liền với nền văn hóa nông nghiệp của Việt Nam nói chung, cũng như nền văn hóa lúa nước của vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng.


Nhắc đến nghề đan đó, người ta thường nhớ đến làng nghề đan đó Thủ Sỹ ở huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Nơi đây, nghề đan đó đã trở thành nếp sống của nhiềugia đình, đi sâu vào trong tiềm thức của những người nông dân cần cù, chịu khó những con người sinh ra và lớn lên giữa làng quê văn hóa truyền thống, mang cả tâm huyết và tình yêu cuộc sống vào nghề.

Trải qua hàng trăm năm lịch sử, ngôi làng vẫn còn đó như trường tồn với thời gian. Vẫn những mái ngói nâu ẩn hiện dưới những lũy tre xanh hiền hòa. Vẫn những người dân một nắng hai sương với ruộng đồng. Và đâu đó khi nhắc đến nghề đan đó, những bậc cao niên trong làng đều hồ hởi kể về cái thời cả làng quanh năm rộn ràng tiếng chẻ tre, đan đó vui như hội.

Đến với Thủ Sỹ, du khách có thể tìm về thôn Tất Viên và thôn Nội Lăng - nơi có nghề đan đó lâu đời nhất xã Thủ sỹ. Chẳng biết nghề đan đó ở đây hình thành từ bao giờ, chỉ biết rằng người dân nơi đây từ người già, trẻ nhỏ ai cũng biết làm nghề. Rời tay cuốc, tay liềm, rời bàn học là trên tay họ lại bắt tay vào nghề đan lát. Hàng ngày, già trẻ trong làng nhộn nhịp phơi nan, đan đó, tạo thành một bức tranh đặc sắc của làng nghề nông thôn.

Nguyên liệu chính để làm ra những chiếc đó là nứa được chuyển về từ trên rừng. Đó có hình bầu dục, đuôi nhọn, miệng nhỏ tròn. một người lành nghề mất khoảng 15 -20 phút để tạo nên một chiếc đó hoàn chỉnh. Ngoài sản phẩm là đó thì người dân nơi đây còn tạo ra những chiếc rọ, lờ, giỏ... cũng là những thứ dùng để bắt tôm, cua, cá... Vào những ngày nông nhàn khi người dân không còn bận rộn với công việc đồng áng, đâu đâu cũng thấy những bàn tay thoăn thoắt đan đó, đan rọ. Trước sân nhà hay dưới những tán lá cây rợp mát, du khách có thể chứng kiến cảnh những người dân tụ họp, tập trung đan đó, chốc chốc lại rộ lên tiếng cười đùa vui giữa không gian yên ả, thanh bình.

Đó Thủ Sỹ làm xong được khách các nơi về mua nhiều, nhưng chủ yếu là các hộ gia đình đưa đi khắp các chợ quê trong, ngoài huyện và một số các tỉnh ngoài như Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng để bán. Không chỉ vậy, những chiếc đó còn được xuất sang nước ngoài như Trung Quốc,... và còn trở thành cảm hứng nghệ thuật vô tận của nhiều nhiếp ảnh gia trong nước và quốc tế. 

Ngày nay, để phục vụ nhu cầu du lịch và giải trí, người dân nơi đây còn xuất đó cho các nhà hàng, khách sạn, quán cafe làm đèn trang trí. Bởi vậy, trên những nẻo đường quê, thỉnh thoảng du khách có thể bắt gặp một vài chiếc xe đạp thồ đó, kết thành từng chùm như những bông hoa đó rất đẹp.

Về thăm làng nghề đan đó Thủ Sỹ, du khách không chỉ được tìm hiểu về quy trình tạo ra sản phẩm đan đó mà còn được tận tay trải nghiệm và học tập cách vót nan, đan đó tạo nên những sản phẩm của riêng mình. Sau khi đan những chiếc đó, rọ, du khách có thể đóng vai một người nông dân chân chất mang những sản phẩm của mình ra đồng trải nghiệm học cách bắt tôm, cua, cá để có thể cảm nhận sâu sắc hơn về nét đẹp hồn quê. Đối với những du khách sinh ra và lớn lên chốn thị thành, đây chắc hẳn sẽ là một trải nghiệm hết sức thú vị.

Trong chuyến du lịch về với Hưng Yên, hình ảnh làng nghề đan đó Thủ Sỹ hiện ra như một bức tranh nông thôn với những nét đặc sắc và những điểm thu hút rất riêng. Hãy một lần đến với xã Thủ Sỹ, tìm hiểu về làng nghề đan đó truyền thống để bạn luôn thấy được rằng mỗi bước chân ta đặt đến là một điểm đến thú vị.

PV

Nguồn: Tạp chí Du lịch - vtr.org.vn - Đăng ngày 20/05/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT