Non nước Việt Nam

Thổ cẩm kể chuyện

Cập nhật: 11/05/2023 15:20:17
Số lần đọc: 474
Thổ cẩm mang trong mình vẻ đẹp mạnh mẽ của núi rừng. Những câu chuyện về thổ cẩm cần được kể nhiều hơn trong hành trình giữ gìn những làng nghề truyền thống Việt, nhất là những làng nghề dệt.


Những gian hàng của các làng nghề truyền thống tập hợp bên dòng Hương, êm ả và duyên dáng trong ánh nắng ban mai. Con gái nhỏ nhẹ, “răng con thấy lòng mình dậy lên niềm vui với Huế ri mẹ hè?”. Hỏi cũng đã có câu trả lời khi con khen những mái nhà tranh tre, nhà rường - cái hồn chân chất của làng quê Việt, của Huế - đang yên ả cùng với hoa lá, cây xanh bao quanh. Sông Hương đó, cầu Trường Tiền đây, tất cả đang hòa chung nhịp thở của cuộc lễ hội tôn vinh những làng nghề, những nghệ nhân đã gắn bó trọn cuộc đời mình với nghề truyền thống dân gian.  

Các nghệ nhân nghề dệt thao diễn tại Festival Nghề truyền thống Huế 2023. Ảnh: MC

Chúng tôi cũng dành ba ngày “lội” khắp các gian hàng. Mê mải nhất vẫn là thổ cẩm. Đi mãi, ngắm mãi cũng không chán. Thổ cẩm có một sức hấp dẫn đặc biệt với chúng tôi, cứ đến là sà vào, ngồi tỉ mẩn ngắm nghía, tìm chọn và bao giờ cũng ra về với ít nhất một món hàng trong tay.

Năm nay tôi gặp lại người quen, nghệ nhân Vi Thị Thuận, người dân tộc Thái ở Bản Lác, Mai Châu, Hòa Bình với gian hàng thổ cẩm Mai Châu năm nào cũng đông người thăm thú. Chị Thuận trong trang phục người Thái ngồi bên khung dệt, đẹp vô cùng. Chị bảo rằng chị có duyên nợ với Huế, mùa Festival nào cũng vậy, nhận lời mời từ Ban tổ chức là chị đã nôn nao, mong đến ngày về với Huế. Sản phẩm của chị Vi Thị Thuận vô cùng phong phú, đa dạng mẫu mã và có sự đầu tư về thiết kế, nhìn truyền thống mà rất hiện đại. Những tấm thổ cẩm làm khăn trải bàn, khăn quàng cổ, áo quần, túi xách, móc khóa... màu sắc và hoa văn như mang cả miền Tây Bắc về Huế tham gia hội vui. Xúc động hơn khi chị Thuận cho biết, những sản phẩm này có sự tham gia của những trẻ em khuyết tật ở Hòa Bình. Trong khi tôi và chị Thuận trò chuyện thì bên kia, hai mẹ con một chị cũng vừa mua xong bộ đồ thổ cẩm, quần đùi lửng và áo, cậu bé chừng 15 tuổi, mặc ngay bộ đồ ra về luôn.

Với thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp, lần nào tôi cũng bị vẻ dung dị, hiền lành của thổ cẩm Chăm cuốn hút. “Mỹ Nghiệp là một trong những làng Chăm cổ của huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, người Chăm ở đây thờ nữ thần Po Ina Nagar là tổ nghề, người đã dạy cho người Chăm nghề dệt”, cô bé bán hàng xinh xắn không dấu vẻ tự hào khi nói về làng nghề của quê hương mình. Người Chăm thích tông màu trầm nên thổ cẩm Chăm phần lớn có màu đen, nâu, chàm và xanh mực. Buổi chiều ngồi trò chuyện với hai má con nghệ nhân Inrahani Thuận Thị Trụ, người phụ nữ Chăm giới thiệu và phát triển sản phẩm thổ cẩm Chăm ra nước ngoài nhiều nhất, thật vui. Con trai bà là người hoạt động về nghệ thuật, chụp ảnh và thiết kế cho sản phẩm nhà làm ra. Nghệ nhân Inrahani Thuận Thị Trụ là người “đỉnh của đỉnh”, bà đi khắp nơi, trong nước và cả nước ngoài, tìm đến các làng làm nghề dệt, mua những tấm vải dệt của các làng nghề, thậm chí bà mua những bộ áo quần cũ, vừa làm bộ sưu tập, vừa để học hỏi. Có nhiều tấm áo, váy quá cũ, vải mục nát nhưng những mẫu thêu, dệt để trang trí vẫn còn tốt, bà tháo ra và trưng bày hoặc để lại cho những nhà thiết kế sử dụng trong những bộ sưu tập của họ. “Đó cũng là một cách lưu giữ tinh hoa nghề dệt, bây giờ những sản phẩm thêu tay, dệt tay như vậy rất hiếm người làm”, lời tâm sự của người nghệ nhân già làm chúng tôi cũng lo lắng cùng với bà, bởi sự tỉ mỉ trong các làng nghề dệt thổ cẩm đã và đang “chống chọi” với hàng dệt máy và tỏ ra “đuối sức” trong cạnh tranh về giá thành, vì “đẹp thì có đẹp nhưng hàng truyền thống làm bằng tay thường rất đắt”.

Nghệ nhân Ra Pát Thị Nhàn và nghệ nhân Mai Thị Hợp (A Lưới) với gian hàng Thổ cẩm xanh Azakooh thật nổi bật trong không gian làng nghề. Vẻ đẹp của núi rừng A Lưới thật mạnh mẽ trong những tấm vải zèng với hai sắc màu chủ đạo là đen và đỏ, không thể lẫn vào đâu được. Câu chuyện dệt Zèng của bà con Tà Ôi cũng chính là câu chuyện của bà và mẹ khi bày cho con gái nghề dệt của đồng bào mình, các cô gái Tà Ôi sẽ dệt áo cưới cho mình, gửi vào đó bao ước mơ hạnh phúc, yêu thương. Chỉ vậy thôi đã thấy bản thân tấm vải Zèng đã vô cùng hấp dẫn.

Chúng tôi nâng những tấm Zèng được kết cườm thật công phu trên tay. Khác với hoa văn các loại thổ cẩm khác được tạo bằng chỉ màu, Zèng kết cườm là đặc trưng nổi bật của Zèng A Lưới. Nghệ nhân Ra Pát Thị Nhàn cho biết, có nhiều loại hoa văn lắm nhưng nhiều nhất vẫn là hoa văn có hình thoi, hình tam giác, hình đường thẳng, hình các con vật, hình ngôi sao.... Zèng A Lưới thật đẹp, thật công phu, tỉ mỉ nhưng tôi để ý xung quanh, rất ít người ghé thăm so với những gian hàng thổ cẩm khác. Bỗng nhớ nhà thiết kế Minh Hạnh, người đã làm một bộ sưu tập thời trang thật ấn tượng với Zèng A Lưới. Đêm ấy, trên sân khấu Festival Huế, người xem thật sự ngỡ ngàng với một vẻ đẹp khác của Zèng, không ngờ Zèng A Lưới có vẻ đẹp tạo hình mạnh như thế, mọi người càng thán phục con mắt tinh đời của nhà thiết kế Minh Hạnh. Ai cũng hy vọng và mong Zèng A Lưới sẽ vươn xa, đi xa, nhưng sau cuộc ra mắt Zèng “đình đám” của Minh Hạnh, Zèng A Lưới trở lại nhịp sống hàng ngày, các nghệ nhân vẫn tự mình dệt và tự mình thiết kế mẫu mã. Nghệ nhân Ra Pát Thị Nhàn cho tôi xem chiếc áo đầm có pha Zèng A Lưới do chị thiết kế, giá 1 triệu đồng không phải là quá đắt nhưng “khách xem nhiều, ai cũng cầm xem mà không mua”. Vải vóc là để may trang phục, thổ cẩm Zèng A Lưới cần bàn tay của những nhà thiết kế mới mong cập nhật được xu hướng thời trang hiện nay: đẹp, truyền thống cũng phải hiện đại. Do vậy trong hành trình mang tên “giữ gìn và bảo tồn các làng nghề truyền thống”, nghệ nhân không thể đi “một mình”.

Thổ cẩm mang trong mình vẻ đẹp mạnh mẽ của núi rừng. Những câu chuyện về thổ cẩm cần được kể nhiều hơn trong hành trình giữ gìn những làng nghề truyền thống Việt, nhất là những làng nghề dệt.

Xuân An

 
Xuân An
Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế - baothuathienhue.vn - Đăng ngày 09/05/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT