Non nước Việt Nam

Nghề chuốt đũa tre ở núi Cấm - An Giang

Cập nhật: 01/06/2023 15:43:16
Số lần đọc: 521
Núi Cấm - nơi được ví là nóc nhà miền Tây - có nhiều hộ dân làm nghề chuốt đũa tre bán cho du khách thập phương. Công việc này mang lại thu nhập vài trăm ngàn, thậm chí cả triệu đồng mỗi ngày.


Nghề chuốt đũa cũng lắm công phu

Bà Phạm Thị Ánh (ngụ xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) năm nay đã ngoài 70 tuổi và có gần 20 năm gắn bó với nghề chuốt đũa. Bà Ánh cho biết mắt mình không còn sáng nên việc chuốt đũa không còn khéo như trước nữa.

Nghề chuốt đũa của bà Ánh do mẹ chồng truyền lại, bởi lúc trước người dân chỉ chuốt đũa để dùng trong gia đình. Sau đó, khu vực núi Cấm phát triển du lịch, khách thập phương đến nhiều nên người dân mang đũa ra bán. Họ làm tới đâu thì bán sạch tới đó, và làng nghề chuốt đũa ở núi Cấm hình thành từ đó.

“Chuốt đũa cực lắm vì nhiều công đoạn, từ việc đốn tre mang về cưa ra, chẻ, bào rồi mới tề phơi, nấu. Đũa chủ yếu bán cho khách du lịch là nhiều, người ta đi ngang thấy là mua”, bà Ánh nói.

Một người dân đang ngồi chuốt đũa tre tại núi Cấm, tỉnh An Giang - Ảnh: N.T

Mỗi đôi đũa thể hiện sự tỉ mỉ, khéo léo kết hợp thẩm mỹ của người chuốt - Ảnh: N.T

Cũng theo bà Ánh, đũa núi Cấm làm từ tre Mạnh Tông được trồng trên núi. Muốn đũa chắc đẹp phải dùng tre già trên 5 năm tuổi, mỗi cây giá khoảng 60.000 - 70.000 đồng, vót được 500 đôi đũa. Người trồng tre thường nhận luôn phần cắt thành từng khúc, chẻ nhỏ với giá 500.000 đồng một thiên (1.000 đôi). Ngoài ra, để giữ cho đũa không bị mối mọt, người dân núi Cấm còn áp dụng bí quyết riêng của họ.

Trong khi bà Ánh vẫn còn dùng mác để chuốt đũa thì anh Nguyễn Văn Cuội (45 tuổi, ngụ cùng địa phương với bà Ánh) chuốt đũa bằng bào sắt. Công cụ mới này giúp anh Cuội chuốt nhanh hơn, ít bị đứt tay, đũa tròn và đều hơn. Cũng như bao thợ chuốt đũa ở xứ này, anh Cuội làm đều đều, ít chuyện trò nên góc nhà chỉ vang lên tiếng "xoẹt xoẹt". Theo anh Cuội, nếu chuốt xuyên suốt từ sáng đến chiều thì được khoảng 500 - 600 đôi, thu nhập hơn một triệu đồng.

Nghề chuốt đũa tại núi Cấm giúp nuôi sống bao người

Ưu thế của nghề chuốt đũa tre tại núi Cấm là người lao động không phải bỏ nhiều vốn để đầu tư. Chính vì thế công việc này thu hút nhiều lao động, góp phần tạo việc làm ổn định cho người có thu nhập thấp. Ngoài ra, một lợi thế khác là nguồn tre tại núi Cấm luôn dồi dào và có chất lượng cao nên đũa ở đây rất thu hút du khách. Thêm vào đó, xu hướng dùng đũa tre thay cho đũa nhựa dần phổ biến vì đũa tre tiện sử dụng, có giá thành rẻ.

Theo những người trong nghề, mỗi đôi đũa chuốt ra thể hiện được sự tỉ mỉ, khéo léo cùng mắt thẩm mỹ của người làm. Không phải ai cũng chuốt được bó đũa mà bất cứ chiếc nào ghép với nhau cũng thành một đôi. Đũa tre Núi Cấm có nhiều loại với mức giá khác nhau. Đũa đỏ giá 3.000 đồng một đôi, đũa trắng từ 2.000 - 2.400 đồng, còn những đôi đũa tròn đẹp bán có giá hơn, lên đến 4.000 đồng/đôi.

Bà Trần Thị Thu (65 tuổi, ngụ xã An Hảo, huyện Tịnh Biên) chia sẻ: “Gia đình tôi khó khăn không có đất sản xuất. Từ 5 năm nay, 4 thành viên trong nhà đều lãnh tre về chuốt đũa, mỗi ngày kiếm được từ 250.000 đồng, đủ trang trải và lo cho các cháu ăn học. Nghề này hơi vất vả, phải ngồi lâu nhưng cũng giúp nhiều người như tôi vượt qua khó khăn”.

Tương tự, bà Võ Thị Lan (một người có trên 40 năm làm nghề chuốt đũa) kể: “Không ai biết chính xác nghề chuốt đũa ở đây có từ năm nào, chỉ biết nghề này có mặt từ lâu đời theo phương thức “mẹ truyền con nối”. Ban đầu chỉ vài hộ nay đã lên đến hàng chục hộ làm nghề này rồi”.

Theo UBND xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, hiện nghề chuốt đũa tre là sinh kế của hàng chục hộ dân trên núi Cấm. Đa phần các hộ làm công việc này khi rảnh rỗi song có những gia đình như bà Ánh, ông Cuội thì làm quanh năm. Nhờ du lịch tại địa phương phát triển nên mặt hàng đũa tre khá hút và người trồng tre trên núi cũng có thu nhập khá từ việc này.

Tô Văn

Nguồn: Báo 1 thế giới - 1thegioi.vn - Đăng ngày 25/05/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT