Hoạt động của ngành

Hòa Bình: Phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch cộng đồng

Cập nhật: 28/06/2021 09:22:17
Số lần đọc: 964
Du lịch cộng đồng (DLCĐ) đang là xu hướng được nhiều địa phương trong tỉnh chú trọng đầu tư, khai thác. Loại hình này mang lại nhiều lợi ích trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế bền vững, tạo thêm việc làm và cải thiện, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc bản địa. Đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn, phát huy những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc.


Homestay A Páo, xã Pà Cò (Mai Châu) chuẩn bị không gian nghỉ có bản sắc riêng để du khách có thêm trải nghiệm về cuộc sống của các gia đình người Mông.

Thiên nhiên hoang sơ, khí hậu đặc trưng miền núi cao cùng những phong tục tập quán, bản sắc văn hóa riêng có là lợi thế để người dân 2 xã Pà Cò, Hang Kia (Mai Châu) tạo nên diện mạo mới, nhiều khởi sắc trên các bản làng. Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn 2 xã đã phát triển một số cơ sở kinh doanh DLCĐ, tiêu biểu là các homestay: Y Múa (xã Hang Kia); A Páo, Y Sao (xã Pà Cò). Các homestay đều bảo tồn được kiến trúc nhà truyền thống của đồng bào Mông. Ngoài dịch vụ lưu trú và ăn uống, các homestay còn khai thác một số dịch vụ kèm theo như biểu diễn văn nghệ, hướng dẫn, thuyết minh giới thiệu cho khách thăm quan bản làng, tìm hiểu truyền thống lịch sử, văn hóa, đời sống người dân, tham gia các trò chơi dân gian… Các bản DLCĐ Hang Kia - xã Hang Kia, Chà Đáy - xã Pà Cò đang là những điểm đến hấp dẫn du khách trong nước, quốc tế.

Theo thống kê, trước năm 2015, toàn tỉnh có 105 nhà nghỉ DLCĐ. Số lượng, quy mô nhà nghỉ DLCĐ tăng khá nhanh, đến nay có 157 nhà nghỉ với tổng số 2.355 giường. Số lượng tập trung nhiều nhất ở huyện Mai Châu với 103 nhà nghỉ, 7 bản DLCĐ, gồm: Bản Lác - xã Chiềng Châu, bản Bước - xã Xăm Khòe, bản Văn, bản Pom Coọng - thị trấn Mai Châu, bản Hịch - xã Mai Hịch, bản Pà Cò - xã Pà Cò, bản Hang Kia - xã Hang Kia. Huyện Lạc Sơn có 12 hộ, chủ yếu ở xã Tự Do - Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông. Huyện Đà Bắc có 15 hộ ở xóm Ké - xã Hiền Lương, xóm Đức Phong, Đoàn Kết - xã Tiền Phong, bản Sưng - xã Cao Sơn. Huyện Cao Phong có 15 hộ ở bản Giang Mỗ - xã Bình Thanh, xóm Tiện - xã Thung Nai. Huyện Tân Lạc có gần 20 hộ tại xóm Ngòi - xã Suối Hoa, xóm Lũy Ải - xã Phong Phú, xóm Chiến - xã Nam Sơn, xóm Bưởi Cại - xã Phú Cường…

Bên cạnh đó, chất lượng phục vụ của các nhà nghỉ DLCĐ ngày càng được nâng cao, đáp ứng tiêu chí, giá cả phù hợp cho mọi du khách. Các điểm DLCĐ đang hoạt động được quản lý theo một số mô hình cụ thể, như mô hình HTX tại bản Lác (Mai Châu); chi hội tại xóm Mu, Khướng, Mòn, Sát Thượng (Lạc Sơn); công ty cổ phần tại xóm Ké, Đức Phong, Sưng (Đà Bắc); doanh nghiệp liên kết hợp đồng thống nhất phân chia lợi nhuận với các hộ gia đình khai thác, kinh doanh DLCĐ tại xóm Lũy Ải (Tân Lạc).

Thời gian qua, nhằm giúp người dân khai thác hiệu quả hoạt động DLCĐ, tỉnh đã triển khai chương trình hỗ trợ xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch. Hỗ trợ các bản DLCĐ về trang thiết bị, từ chăn, ga, gối, đệm, tủ bảo quản thức ăn đến xây dựng các chương trình văn nghệ, trang bị bộ thiết bị âm thanh, nhạc cụ dân tộc, chiêng Mường; truyền dạy, bảo tồn các giá trị văn hóa, trang phục dân tộc cho đội văn nghệ các xóm, bản. Thông qua các nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới hỗ trợ bộ nhận diện thương hiệu các bản DLCĐ, nhằm chuẩn hóa và xếp hạng sản phẩm OCOP. Ngoài ra quan tâm hỗ trợ mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghề du lịch theo tiêu chuẩn cho các hộ dân, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch.

Đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở VHTTDL đánh giá: Hoạt động DLCĐ có đóng góp đáng kể cho tổng thu từ khách du lịch toàn tỉnh. Trong cơ cấu thu từ khách DLCĐ của tỉnh, khách quốc tế đóng góp 34,7%, khách nội địa đóng góp 65,3%. Doanh thu từ dịch vụ bán hàng ăn uống, cho thuê phòng chiếm tỷ trọng cao nhất (82%), số thu từ các dịch vụ còn lại chiếm 18%. Để tiếp tục phát huy thế mạnh, lợi ích DLCĐ, tỉnh đang triển khai các nội dung của Đề án phát triển DLCĐ gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh đến năm 2030. Các giải pháp ưu tiên phát triển DLCĐ gồm: Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư cho hoạt động DLCĐ. Nghiên cứu, đầu tư, hỗ trợ xây dựng mô hình điểm DLCĐ kiểu mẫu để học tập kinh nghiệm, nhân rộng mô hình, tạo động lực thúc đẩy các hộ dân tham gia hoạt động DLCĐ theo một quy chuẩn nhất định; hỗ trợ đầu tư hạ tầng, cơ sở, kỹ thuật du lịch đồng bộ nhằm hoàn thiện các điều kiện phục vụ nhu cầu khách tại các điểm đến; nâng cao nhận thức cộng đồng địa phương trong phát triển hoạt động DLCĐ; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá xúc tiến điểm đến vào các thị trường mục tiêu phù hợp với đối tượng du khách…        

                                          Bùi Minh

 

Nguồn: Báo Hòa Bình

Cùng chuyên mục