Hoạt động của ngành

Hà Nội: Vùng văn hóa, vùng du lịch ''xanh'' Tây Hồ

Cập nhật: 25/06/2021 08:39:42
Số lần đọc: 635
Nằm ở khu vực trung tâm Hà Nội, quận Tây Hồ là vùng đất cổ có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, đồng thời cũng là một trong những quận phát triển, hiện đại nhất Thủ đô. Nhờ nguồn tài nguyên du lịch phong phú, Tây Hồ ngày càng khẳng định vị trí của mình trên bản đồ du lịch Thủ đô bằng những sản phẩm hấp dẫn của một vùng văn hóa, vùng du lịch “xanh”.


Chùa Trấn Quốc - một trong những điểm đến nổi tiếng của quận Tây Hồ. Ảnh: Linh Tâm

Vùng trầm tích văn hóa

Nằm ở phía Tây Bắc của Thủ đô, Tây Hồ là một vùng đất mang trong mình những lớp trầm tích văn hóa được bồi đắp qua nhiều thế kỷ, thể hiện qua hệ thống danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa phong phú, đa dạng. Trên địa bàn quận hiện có 71 di tích, trong đó có 40 di tích đã được xếp hạng. Rất nhiều di tích đã trở thành những điểm đến nổi tiếng với du khách trong và ngoài nước như chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh, chùa Kim Liên, phủ Tây Hồ, đình Quảng Bá, đình Yên Phụ...

Quận Tây Hồ được đặt tên theo hồ nước ngọt lớn nhất ở nội thành Hà Nội - hồ Tây, có diện tích mặt nước lên tới 526ha, được mệnh danh là “lá phổi xanh” của Thủ đô. Xung quanh hồ Tây xưa kia là một loạt làng nghề nổi tiếng, gắn với hình ảnh Thăng Long - Hà Nội. Đó là làng Yên Thái với nghề làm giấy dó, làng Trích Sài dệt lĩnh, làng Yên Phụ làm hương, làng Quảng An ướp trà sen hay làng xôi Phú Thượng, làng quất Nghi Tàm, làng đào Nhật Tân...

Trên địa bàn quận Tây Hồ có phủ Tây Hồ - nơi thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh nổi tiếng linh thiêng, được coi như một trong những “cái nôi” của Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Hà Nội nói riêng, người Việt Nam nói chung và đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Không chỉ có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, Tây Hồ còn sở hữu nhiều khu vực có cảnh quan sinh thái tươi đẹp như hồ Tây, hồ Trúc Bạch, Bãi đá sông Hồng, Công viên nước Hồ Tây, các đầm sen tại phường Nhật Tân và Quảng Bá... Đây là những điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách Thủ đô và các vùng lân cận tới tham quan, chụp ảnh.

Một góc phố đi bộ ven hồ Trúc Bạch, dự kiến sẽ là điểm đến thu hút sau dịch Covid-19. Ảnh: Quang Thái

Đưa du lịch “xanh” vào đời sống

Với những tiềm năng du lịch dồi dào, phong phú như vậy, quận Tây Hồ được xác định là trung tâm dịch vụ - du lịch, trung tâm văn hóa và là vùng bảo vệ cảnh quan thiên nhiên của Thủ đô Hà Nội. Những sản phẩm du lịch đặc trưng của Tây Hồ được xác định gồm du lịch tâm linh, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái...

Anh Javier Rodriguez, du khách người Tây Ban Nha đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội chia sẻ: “Tôi “phải lòng” Hà Nội ngay từ lần đầu tiên đặt chân đến thành phố xinh đẹp này, đặc biệt là khu vực quận Tây Hồ - nơi tôi đang sinh sống, với không khí trong lành, cảnh quan lãng mạn cùng những con đường thơ mộng và nhiều di tích cổ kính. Những điều đó đã giữ tôi ở lại Hà Nội đến tận bây giờ...”.

Ông Nguyễn Đình Khuyến, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết: “Dựa trên tiềm năng, thế mạnh riêng, chúng tôi đã và đang xây dựng các điểm dịch vụ du lịch trọng tâm, trọng điểm nhằm thu hút khách như Điểm du lịch "Thưởng thức trà sen Quảng An"; Điểm dịch vụ du lịch "Cụm di tích đình, chùa Võng Thị và mô hình làng nghề sản xuất giấy dó"; Đề án “Quản lý khai thác Bãi đá sông Hồng”; Đề án “Phát triển trồng sen tại một số hồ nhỏ khu vực xung quanh hồ Tây”... Những điểm du lịch, đề án này đều nhằm khai thác tối đa các yếu tố văn hóa và tài nguyên thiên nhiên sẵn có trên địa bàn để vừa bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, vừa phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù cho Tây Hồ”.

Cũng theo ông Nguyễn Đình Khuyến, thời gian tới, quận sẽ tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với các đề án đã được xây dựng như phát triển vùng trồng sen tại các ao, hồ xung quanh hồ Tây nhằm tạo cảnh quan môi trường, tạo nguồn nguyên liệu cho 30 hộ dân duy trì, phát triển nghề trồng và ướp trà sen truyền thống. Ngoài ra, quận cũng cho 14 hộ gia đình, cá nhân tại phường Nhật Tân thuê đất tại khu vực Bãi đá sông Hồng để trồng cây và hoa mùa vụ, xây dựng thành điểm đến thu hút hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan mỗi năm...

Bên cạnh đó, quận đặc biệt chú trọng đến việc huy động các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân tích cực chủ động tham gia và phát huy vai trò “mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch” gắn với việc phát triển hình ảnh du lịch “xanh” vừa văn minh, hiện đại, vừa phát triển bền vững. Đó chính là những thế mạnh tạo nên dấu ấn trong việc định vị, phát triển thương hiệu du lịch Tây Hồ trên bản đồ du lịch Thủ đô.

Bảo Khánh

 

Nguồn: Báo Hà Nội mới

Cùng chuyên mục