Hoạt động của ngành

Hải Phòng: Những tín hiệu vui từ du lịch

Cập nhật: 08/02/2022 09:30:21
Số lần đọc: 749
Trong 7 ngày nghỉ lễ Tết âm lịch 2022, lượng khách du lịch đến TP Hải Phòng du xuân lễ chùa lên đến hàng vạn lượt người, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước.


Mặc dù thời tiết tại Hải Phòng trong những ngày Tết khá lạnh, nhưng dòng người mỗi lúc một đông, nhộn nhịp đổ về các ngôi đền, chùa để dâng hương cầu may, tận hưởng không khí ngày đầu năm mới.

Đền Cô Chín thu hút gần 8.000 lượt khách. Ảnh: Hải Yến

Tại các đền, chùa khu vực quận Đồ Sơn như chùa Tháp Tường Long, chùa Hang, Cô Chín Suối Rồng… tập trung đông du khách đón hơn hàng nghìn lượt khách mỗi ngày. Các điểm vui chơi, giải trí, di tích văn hóa, lịch sử khác trên địa bàn thành phố cũng tấp nập khách du lịch, rất nhiều gia đình đưa con đến vui chơi, chụp ảnh trong ngày đầu năm.

Chùa Hang được trang trí khá đẹp mắt. Ảnh: Hải Yến

Trong đó, tại chùa Tháp Tường Long, du khách đổ về đông nhất, từ mùng 1 đến mùng 7 Tết, chùa đã đón gần 5 vạn khách. Theo bà Lưu Thị Thu Huyền - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ du lịch và Quản lý di tích lịch sử Đồ Sơn cho biết: “Năm trước do tình hình dịch Covid-19, chùa tháp Tường Long chỉ được mở cửa 3 ngày từ mùng 1 đến mùng 3 Tết nên lượng khách đến tham quan khá vắng vẻ.

Rất nhiều chương trình diễn ra tại khu du lịch tháp Tường Long. Ảnh Hải Yến

Tuy nhiên năm nay hầu như người dân đã được tiêm vaccine, kì nghỉ lễ dài nên lượng khách đổ về lên đến gần 5 vạn, tăng khoảng 30% so với năm trước. Bên cạnh đó, để phục vụ đón năm mới vui tươi, Ban quản lý chùa đã chủ động trang trí chào đón Tết âm lịch…mở ra các quầy lưu niệm như cây điều ước, viết thư pháp… để người dân được tự tay làm những điều ý nghĩa. Song vẫn giữ nguyên được những nét đẹp truyền thống, quảng bá lịch sử ngôi chùa để lại ấn tượng cho du khách thập phương”.

Được biết, Tháp Tường Long được xây dựng trên đỉnh núi Ngọc Sơn, ngọn núi đầu tiên trong dãy núi Cửu Long thuộc phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn. Qua những lần nghiên cứu khảo cổ học, bằng những di vật – di tích và nền móng tháp cổ gần nghìn năm tuổi, Tháp Tường Long được biết đến như một trung tâm văn hóa, lịch sử lớn của Việt Nam thế kỷ 11-12. Ngoài mục đích tôn giáo, Tháp còn có vai trò là bảo vệ sự an nguy cho quốc gia.

Ngoài chùa Tháp Tường Long, đền Cô Chín tại phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn cũng đón gần 8 nghìn lượt khách trong 7 ngày. Mặc dù rất đông du khách, nhưng mọi người đều có ý thức xếp hàng trật tự, chờ đến lượt vào chùa làm lễ.

Ông Hoàng Gia Bổn – Trưởng ban quản lý đền Cô Chín cho hay: “Để phục vụ du khách một cách chu đáo, đảm bảo an toàn cho du khách, chúng tôi luôn tuân thủ các quy tắc phòng chống dịch. Trong trạng thái bình thường mới, Đồ Sơn luôn là nơi được du khách ghé thăm. Lượng khách đổ về khá đông tuy nhiên với tiềm năng tại  đây Đồ Sơn luôn được kì vọng thu hút nhiều khách du lịch hơn nữa. Để thực hiện hóa mục tiêu, chúng tôi rất mong thành phố quan tâm, tạo điều kiện để thúc đẩy du lịch nói chung và du lịch tâm linh nói riêng. Để du khách đến đây sẽ luôn muốn gặp lại Đồ Sơn nhiều lần nữa”.

Tại chùa Hang (quận Đồ Sơn), đền Nghè (quận Lê Chân), chùa Kiến Linh (xã Phục Lễ, huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng), du khách tấp nập đến tham quan, dâng hương lễ Phật, cầu cho gia đình một năm mới bình an. Hầu như du khách ghé thăm nơi đây đều đi theo gia đình và đi xe cá nhân.

Trong quá trình du xuân của du khách tình hình an ninh, trật tự tại các điểm du lịch trên địa bàn TP tương đối ổn định, không xảy ra ùn tắc giao thông, không xuất hiện hàng rong, ăn xin, chèo kéo khách du lịch. Công tác phòng, chống dịch cũng được đảm bảo một các an toàn tuyệt đối, người dân đến dâng hương, cầu may đều phải sát khuẩn tay, quét mã QR tuân thủ quy tắc 5K và đeo khẩu trang trong suốt quá trình di chuyển. Công tác vệ sinh cũng luôn được đảm bảo sạch sẽ, không gây mất mỹ quan nơi linh thiêng. Tại đền Cô Chín, chính quyền địa phương còn tổ chức test nhanh cho các nhân viên phục vụ, chủ các cửa hàng và những hành khách có nhu cầu để đảm bảo an toàn cho du khách ghé thăm.

Đi chùa đầu năm là nét đẹp truyền thống của người Việt, với mong muốn tìm được sự bình an, gạt bỏ những muộn phiền, lo âu của năm cũ và cầu mong may mắn, hạnh phúc trong năm mới. Đặc biệt, trong trạng thái bình thường mới, mọi người đều mong cầu bình an cho bản thân, gia đình và người thân.

Vĩnh Quân - Hải Yến

 

Nguồn: Báo Kinh tế & đô thị

Cùng chuyên mục