Hoạt động của ngành

Du lịch Bình Thuận tiếp tục giữ vững thương hiệu

Cập nhật: 24/05/2021 09:33:13
Số lần đọc: 772
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận, những tháng đầu năm 2021, ngành du lịch Bình Thuận vừa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, vừa tiếp tục giữ vững thương hiệu là điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn.

Điển hình như đa số các doanh nghiệp du lịch, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đều thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 gắn với đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, cứu hộ tại các bãi tắm, giá cả dịch vụ, hàng hóa khá ổn định với việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết theo quy định. Bên cạnh đó, ngành du lịch luôn ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai công tác phòng chống dịch Covid-19 đến các doanh nghiệp du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, các ban quản lý khu du lịch trên địa bàn tỉnh, đảm bảo sự an toàn để đón khách. Do vậy, trong những tháng đầu năm, toàn tỉnh ước đón khoảng 1.750.000 lượt khách (đạt 36,8% kế hoạch, tăng 1,13% so cùng kỳ 2020), doanh thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 3.700 tỷ đồng.

Xác định tình hình dịch bệnh sẽ còn kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động du lịch, do vậy việc giữ vững thương hiệu an toàn, thân thiện và hấp dẫn cho điểm đến luôn nhận được sự quan tâm của ngành du lịch. Bên cạnh nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, thời gian qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung Khu du lịch quốc gia Mũi Né đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, triển khai kế hoạch kích cầu du lịch năm 2021; phê duyệt nhiệm vụ đề án quản lý, đầu tư, khai thác các tuyến, điểm tham quan du lịch trên địa bàn TP. Phan Thiết và kế hoạch tổ chức cuộc thi “Khát vọng Việt Nam”, đưa Phan Thiết trở thành điểm đến du lịch MICE số một khu vực và thế giới vào năm 2030.

Theo Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Lan Ngọc, để đảm bảo sự phát triển cũng như tiếp tục giữ vững thương hiệu, một trong những nội dung quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về du lịch là ngành đã tham mưu tỉnh ban hành quyết định phân cấp quản lý nhà nước về cơ sở lưu trú du lịch cho ngành và cấp huyện trên địa bàn tỉnh. Đây được xem là “đột phá” cho ngành du lịch phát triển. Tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp du lịch đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và đảm bảo sự an toàn để phục vụ khách đến nghỉ dưỡng và vui chơi. Đặc biệt, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tham mưu nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về phát triển du lịch đến năm 2025; nghị quyết quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở phát triển bền vững và giữ vững thương hiệu du lịch Bình Thuận.

Một trong những hoạt động đem lại hiệu quả cho thương hiệu du lịch Bình Thuận là tiếp tục thực hiện công tác thông tin, xúc tiến quảng bá du lịch. Thông qua hoạt động nghiệp vụ của Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch, ngành đã triển khai công tác xúc tiến, quảng bá du lịch năm 2021, trong đó đã tham gia chương trình tọa đàm giới thiệu điểm đến và không gian trưng bày quảng bá văn hóa, du lịch, ẩm thực đặc trưng tại tỉnh Bình Phước, phối hợp với Trung tâm Xúc tiến du lịch TP.Hồ Chí Minh xúc tiến, quảng bá du lịch Bình Thuận năm 2021. Cùng với đó, vận động doanh nghiệp tham gia Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hanoi 2021, “Tuần lễ Văn hóa - Du lịch Bình Thuận” tại TP. Hồ Chí Minh và Festival hoa Đà Lạt năm 2021 để tiếp tục giới thiệu, quảng bá hình ảnh điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn.                   

NGUYÊN VŨ

Nguồn: Báo Bình Thuận

Cùng chuyên mục