Tin tức - Sự kiện

ASEAN - Ấn Độ: Tăng cường hợp tác phát triển du lịch bền vững và có trách nhiệm

Cập nhật: 05/02/2023 17:07:37
Số lần đọc: 442
(TITC) - Tiếp nối các hoạt động nghị sự trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2023 tại Yogyakarta, Indonesia, sáng ngày 4/2 đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN - Ấn Độ lần thứ 10. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt dẫn đầu tham dự hội nghị.

Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt dẫn đầu tham dự hội nghị (Ảnh: TITC)

Hội nghị đã thông báo những kết quả đã đạt được trong hợp tác ASEAN - Ấn Độ thời gian qua. Theo đó, năm 2019 là Năm Hợp tác Du lịch ASEAN - Ấn Độ, một số hoạt động đã triển khai: Liên hoan phim ASEAN-Ấn Độ tại Mumbai tháng 8/2019; Giới thiệu về Năm Hợp tác Du lịch ASEAN-Ấn Độ tại Hội chợ SATTE 2019 tại New Delhi và các Hội chợ du lịch quốc tế tại ASEAN (tại Việt Nam là Hội chợ ITE-HCMC 2019); Tổ chức Chương trình giới thiệu du lịch Ấn Độ tại Malaysia, Singapore, Thái Lan và Indonesia; Khóa đào tạo cho đầu bếp ASEAN tại Ấn Độ; Tổ chức đoàn khảo sát du lịch Ấn Độ cho các báo chí đến từ ASEAN.

Trong năm 2022, Malaysia đã chủ trì tổ chức Hội thảo Du lịch ASEAN-Ấn Độ tại Mumbai trong tháng 10/2022. Trong thời gian tới, dự kiến Ấn Độ sẽ tổ chức Hội thảo Du lịch và Công nghệ thông tin cho các nước ASEAN, hoạt động này đã bị hoãn trong năm 2022.

Năm 2022 kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Ấn Độ (1972-2022), hai nước đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác nổi bật trong lĩnh vực văn hóa, du lịch.

Năm 2022 đã có khoảng 1,34 triệu lượt khách Ấn Độ du lịch đến ASEAN. Hội nghị đánh giá cao nỗ lực của cả hai bên liên quan đến phản ứng chiến lược và nhanh chóng trong việc xử lý khủng hoảng ở mọi phương diện. Các biện pháp từ cả hai phía nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch đã được đưa ra kể từ khi Covid-19 bắt đầu bùng phát vào năm 2020. Các nhà hoạch định chính sách từ cả ASEAN và Ấn Độ đã đồng ý mời sự tham gia của nhiều bên liên quan và đối tác khác nhau để đảm sự phục hồi sau đại dịch của ngành du lịch.

Hội nghị nhấn mạnh nhu cầu tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) và thúc đẩy các cơ hội bình đẳng để cải thiện việc làm cho cộng đồng địa phương như đã nêu trong Tuyên bố Phnôm Pênh về Chuyển đổi Du lịch ASEAN đã được các Nhà lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN vào tháng 11 năm 2022.

Về các hoạt động xúc tiến, quảng bá, Hội nghị nhấn mạnh sự ủng hộ đối với các hoạt động trong Chương xúc tiến Du lịch ASEAN - Ấn Độ, với mục đích nâng cao nhận thức về các điểm đến ASEAN đối với thị trường Ấn Độ. Các hoạt động được xác định bao gồm mở rộng phạm vi tiếp cận của Logo và khẩu hiệu Du lịch ASEAN mới “Điểm đến cho mọi giấc mơ”, trong đó thể hiện khái niệm về sự đa dạng và khả năng du lịch trong khu vực đồng thời giới thiệu cho du khách nhiều trải nghiệm tuyệt vời mà du khách có thể tận hưởng ở mỗi quốc gia thành viên ASEAN đồng thời nêu bật những thay đổi mà khu vực đang thực hiện đối với du lịch bền vững.

Để tăng cường hơn nữa hợp tác ASEAN - Ấn Độ trong lĩnh vực du lịch, Hội nghị đã thông qua Kế hoạch Công tác Du lịch ASEAN - Ấn Độ 2023-2027, trong đó bao gồm 17 hoạt động trong 5 năm tới để hỗ trợ thực hiện Chiến lược Du lịch ASEAN (ATSP) 2016-2025, Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN (ATMS) 2021-2025, Kế hoạch Phục hồi Du lịch ASEAN sau Covid-19, Khuôn khổ ASEAN về phát triển du lịch bền vững, và Tuyên bố Phnôm Pênh về Chuyển đổi ngành Du lịch ASEAN.

Đồng thời sẽ tiếp tục ưu tiên thực hiện Chiến lược của ASEAN đến năm 2023 trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), bao gồm nền kinh tế tuần hoàn và khử cacbon, số hóa và du lịch sinh thái. Trong tương lai, các Cơ quan Du lịch Quốc gia ASEAN (ASEAN NTO) và Ấn Độ được khuyến khích căn cứ trên các lĩnh vực ưu tiên để xác định các hoạt động hợp tác trong tương lai giữa các quốc gia.

Các lãnh đạo tham dự Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN - Ấn Độ lần thứ 10 (Ảnh: TITC)

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh, Ấn Độ là thị trường nguồn quan trọng của ngành du lịch ASEAN với dân số đông, tầng lớp trung lưu tăng trưởng mạnh và nhu cầu đi du lịch cao. Giai đoạn 2015-2019 trước đại dịch, khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam tăng trưởng trung bình 27%/năm. Sau khi du lịch mở cửa trở lại, năm 2022 khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam đã phục hồi 81% so với năm 2019, là một trong những thị trường phục hồi mạnh mẽ nhất.

Thứ trưởng cho biết, kết quả ấn tượng này nhờ vào sự hợp tác chặt chẽ giữa ngành du lịch và hàng không trong nỗ lực tăng cường kết nối và tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho du khách. Các hãng hàng không của Việt Nam đã mở nhiều đường bay mới kết nối 4 thành phố của Việt Nam tới 6 thành phố lớn của Ấn Độ kể từ năm 2019 tới nay. Tháng 12/2022, Bộ VHTTDL Việt Nam đã tổ chức Ngày Văn hóa Việt Nam tại Ấn Độ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, góp phần tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến hình ảnh đất nước, con người, văn hóa, du lịch Việt Nam tại Ấn Độ.

“Đặc biệt, hoạt động hợp tác du lịch giữa ASEAN - Ấn Độ thời gian qua đã nhận được sự quan tâm của hai bên, một số hoạt động quảng bá đã được triển khai thông qua Chi hội Xúc tiến Du lịch ASEAN tại Ấn Độ, các hội thảo đào tạo cũng được lên kế hoạch tổ chức, bước đầu có những kết quả tích cực. Tuy nhiên, với tiềm năng và tầm quan trọng của thị trường Ấn Độ với du lịch ASEAN, tôi nghĩ rằng chúng ta còn nhiều cơ hội và không gian để đẩy mạnh hơn nữa. Với bảy nhóm nhiệm vụ chính rất thiết thực và phù hợp với nhu cầu của hai bên được thống nhất trong Kế hoạch Công tác Hợp tác Du lịch ASEAN - Ấn Độ 2023-2027, Việt Nam sẽ phối hợp cùng các nước thành viên để cùng nỗ lực khôi phục đà tăng trưởng trao đổi khách và tạo thuận lợi hơn nữa cho trải nghiệm của khách du lịch Ấn Độ”, Thứ trưởng cho biết.

Kế hoạch Công tác du lịch ASEAN - Ấn Độ 2023-2027 bao gồm 7 nhiệm vụ: (1) Chia sẻ kinh nghiệm về phát triển du lịch có trách nhiệm và bền vững; (2) Chia sẻ nguồn lực và cơ sở vật chất để hỗ trợ lẫn nhau trong giáo dục và đào tạo du lịch nhằm phát triển du lịch có chất lượng; (3) Truyền thông trong khủng hoảng để bảo vệ danh tiếng và uy tín của các tổ chức du lịch và điểm đến du lịch có liên quan; (4) Trao đổi thông tin liên quan đến thống kê và chiến lược phát triển, cơ hội đầu tư và dữ liệu kinh tế; (5) Thúc đẩy các tiêu chuẩn phát triển du lịch; (6); Kết nối giao thông liên quan đến thương mại và du lịch ASEAN - Ấn Độ; (7) Xúc tiến và quảng bá.

Trung tâm Thông tin du lịch (từ Yogyakarta, Indonesia)

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn - Đăng ngày 04/02/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT