Hoạt động của ngành

Bắc Ninh: Phát huy giá trị văn hóa, lịch sử các lễ hội

Cập nhật: 25/03/2010 16:27:48
Số lần đọc: 3179
Xứ Kinh Bắc xưa nổi tiếng là vùng đất của những câu chuyện cổ, những sự tích văn hoá và là một trong những địa phương có nhiều lễ hội. Theo thống kê của cơ quan văn hoá tỉnh Bắc Ninh, đến nay toàn tỉnh có 547 lễ hội, trong đó có 49 hội chùa, 484 hội đình và 14 hội đền.

Các lễ hội diễn ra quanh năm, nhưng tập trung vào mùa xuân, tháng giêng, tháng hai âm lịch, gần như ngày nào cũng có vài ba hội. Bởi  vậy mà dân gian có câu: “Mồng 4 là hội kéo co, Mồng 5 hội Ó chẳng cho nhau về, Mồng 6 là hội Bồ Đề, Mồng 7 trở về đi hội Đống Cao…”. Một số lễ hội thu hút khách từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như Hội Lim, Hội chùa Dâu, đền Bà Chúa Kho...Hầu hết các lễ hội đều có lịch sử lâu đời, gắn với truyền thống địa phương, thể hiện được tính gắn kết của cộng đồng làng xã, tình yêu thiên nhiên, tôn kính anh hùng hào kiệt, là biểu hiện phong phú của đời sống tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo và những hoạt động văn hoá, nghệ thuật dân gian tiêu biểu, mang đậm bản sắc riêng có của một miền quê văn hiến.

Tuy nhiên, nhìn lại một số lễ hội tiêu biểu đầu năm 2010 cho thấy: bên cạnh những giá trị tích cực, các lễ hội đã và đang bộc lộ những mặt lệch lạc, cần sớm được chấn chỉnh, khắc phục như: xu hướng thực dụng, thương mại hoá lễ hội, làm lu mờ giá trị văn hoá, lịch sử, lan tràn mê tín dị đoan và những hủ tục lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, mất trật tự, trị an ...

Hội Lim có từ lâu đời và trở thành hội vùng của các làng thuộc tổng Nội Duệ từ thế kỷ 18. Khi quan trấn thủ xứ Thanh Hóa Nguyễn Đình Diễn là người thôn Đình Cả, có nhiều công lao với triều đình, được phong thưởng nhiều bổng lộc, đã tự hiến nhiều ruộng vườn và tiền của cho tổng Nội Duệ trùng tu đình chùa, mở mang hội hè, gìn giữ thuần phong mỹ tục. Ông cho xây dựng trước phần lăng mộ của mình đặt tên là lăng Hồng Vân trên núi Lim. Kế đó là Bà Mụ Ả, người tu hành và trụ trì tại chùa Hồng Ân (lúc đó chỉ là một Am nhỏ), Bà đã bỏ tiền mua nửa quả núi Hồng Ân dành cho việc xây dựng chùa, vườn chùa và cũng đặt ruộng, đặt tiền cho 6 xã làm hương hoả cho chùa. Hàng năm vào ngày 13 tháng Giêng dân làng tổ chức Lễ hội tưởng nhớ những người đã có công với cộng đồng dân cư nơi đây.

Một trong những hoạt động tại hội Lim thu hút sự chú ý của khách thập phương là lễ rước từ các làng lên núi Hồng Vân, đoàn rước với đông đảo người dân tham gia trong những bộ lễ phục sặc sỡ sắc màu, sau đó là lễ tế trước lăng Hồng Vân, tưởng nhớ công lao của tiền nhân. Nhưng đại bộ phận công chúng đi hội đều không được giới thiệu ý nghĩa của các nghi lễ này và cũng không hiểu được lịch sử của lễ hội, kể cả những người sống trong vùng Lim, làm mất giá trị giáo dục truyền thống.

Để đáp ứng nhu cầu của du khách, Ban tổ chức đã giao cho một số gia đình tổ chức canh hát tại nhà, mỗi gia đình được hỗ trợ 800 nghìn đồng để đun nước, pha trà mời khách. Dưới ánh sáng của các ngọn nến tại các căn nhà cổ, du khách được thưởng thức các canh quan họ nguyên gốc, không nhạc đệm, không tăng âm, được ngồi trên những bộ chõng tre, tràng kỷ, chiếu điều, bên ấm trà tươi, nhai trầu têm cánh phượng, thả hồn trong không gian tĩnh mịch, được chiêm ngưỡng các liền anh, liền chị duyên dáng, nền nã trong bộ trang phục mớ ba, mớ bảy, áo the khăn xếp, với những giọng ca “vang, rền, nền, nẩy”, làm mê đắm lòng người ! Nhưng những canh hát như vậy chưa nhiều và số đông người đi trẩy hội chưa có điều kiện tiếp cận với các canh hát.

Sau mấy chục năm bị lãng quên do đất nước có chiến tranh, Hội Lim được phục dựng theo quy mô vùng từ năm 1989, cách đây đã 20 năm, hằng năm đều thu hút hàng vạn khách thập phương, nhưng không gian lễ hội vẫn chưa được chỉnh trang tôn tạo hoàn chỉnh, không có nơi trông giữ xe, không có thùng rác, không có công trình vệ sinh, một số “công trình” dựng nên tạm bợ bên bờ ruộng, sườn đồi bằng những lá cót, tấm bạt rách, nhưng vẫn có người đứng thu tiền. Hàng ăn uống giải khát bày dọc hai bên đường lẫn với cát bụi. Các dịch vụ ăn uống, trông giữ xe, bán hàng lưu niệm tràn lan với giá cắt cổ. Mặc dù đã có lệnh cấm, nhưng các hình thức đánh bạc (xóc đĩa, đánh bài, úp xu…), và trò vui chơi có thưởng vẫn ngang nhiên dụ dỗ, mồi chài, lừa lọc du khách.

Đền Bà Chúa Kho toạ lạc trên núi Kho, (thôn Cô Mễ, xã Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh). Tại đây thờ một phụ nữ người làng Quả Cảm đã có công chiêu dân lập ấp, khai khẩn ruộng hoang, tích luỹ lương thực, giúp triều đình trông coi kho lương trong cuộc kháng chiến chống Tống trên chiến tuyến Như Nguyệt. Bà "thác" ngày 12 tháng giêng năm Đinh Tỵ (1077). Nhà vua thương tiếc phong cho Bà là Phúc Thần. Người dân nhớ thương Bà lập nên đền thờ tại kho lương thực cũ của triều đình ở Núi Kho và gọi Bà với một niềm tôn kính là: Bà Chúa Kho.

Đền Bà Chúa Kho mới được khôi phục cách đây vài chục năm. Hằng năm, khách từ các tỉnh, thành phố trong cả nước về đây dâng hương, lễ vật đều có ý nguyện được Bà phù hộ, độ trì để “ăn nên, làm ra”, giàu sang, phú quý. Theo thông lệ có vay, có trả nên tuy khách đi lễ quanh năm nhưng đông nhất là 3 tháng đầu năm (đi vay hoặc “xin lộc rơi, lộc vãi”) và 3 tháng cuối năm (đi trả). Không có con số chính xác nhưng mỗi năm, những người đi lễ về đây bỏ tiền ra mua sắm vàng giấy và tiền âm phủ đã gây ra một sự lãng phí không nhỏ, một số người kinh doanh, buôn bán bỏ ra hàng triệu hoặc vài ba triệu để mua đồ lễ. Điều làm cho du khách phiền lòng là tình trạng bám theo du khách từ xa, có khi vài ba cây số để chèo kéo vào mua đồ lễ. Đội quân bán thẻ, khấn thuê mời chào công khai nhưng không có sự ngăn chặn triệt để của Ban quản lý đền. Do lượng khách đi lễ đông nên thường xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy, khách đi lễ không những phải khấn vái từ xa mà nhiều khách bị kẻ gian móc túi làm mất cả tài sản, tiền bạc.

Lễ hội là hoạt động văn hoá, là nhu cầu phong phú, đa dạng của cộng đồng dân cư đối với đời sống tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo. Để phát huy được giá trị đích thực của các lễ hội, trước hết cần chú trọng tuyên truyền, giáo dục làm cho người dân nhận thức đúng đắn mục đích của các lễ hội là nhằm phát huy giá trị văn hoá, tôn vinh và nhớ ơn công tích các danh nhân, giáo dục truyền thống lịch sử, góp phần xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở đậm đà bản sắc dân tộc và sắc thái địa phương. Dù là lễ hội của làng xã hay của vùng, đều phải đặt dưới sự quản lý của chính quyền và sự chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ của cơ quan Văn hoá,Thể thao và Du lịch các cấp. Cần thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về lễ hội. Các hoạt động tại lễ hội (kể cả phần lễ và phần hội) đều phải đảm bảo văn minh, lành mạnh, an toàn, vệ sinh, tiết kiệm. Cần tăng cường kiểm tra, ngăn chặn biểu hiện thương mại hoá, kiên quyết xử lý nghiêm minh các hoạt động mê tín dị đoan, đánh bạc dưới mọi hình thức. Tại không gian lễ hội nên đặt các pa-nô, áp phích cỡ lớn giới thiệu lịch sử lễ hội, nội dung, chương trình, địa điểm diễn ra các hoạt động của lễ hội, giúp cho du khách nắm được toàn cảnh. Các phương tiện thông tin đại chúng biểu dương đúng mức mặt tích cực đồng thời phân tích, phê phán những lệch lạc, khuyết điểm để các địa phương và cơ sở rút kinh nghiệm tổ chức lễ hội các năm sau hoàn thiện hơn, tránh tuyên truyền, khen ngợi một chiều.

Nguồn: website ĐCSVN

Cùng chuyên mục