Hoạt động của ngành

Du lịch Đồng Nai - Từ góc độ phát triển văn hóa

Cập nhật: 05/05/2009 09:05:32
Số lần đọc: 2801
Việc kinh doanh của ngành công nghiệp không khói đang hướng tới một phạm trù mới: du lịch gắn liền với văn hóa. Đó cũng là yêu cầu của khách tham quan, đặc biệt là khách nước ngoài.

Với du lịch, Đồng Nai không có biển đẹp như Vũng Tàu, Phan Thiết, không có phố cổ như Hội An... nhưng bù lại, Đồng Nai có rừng đại ngàn, sông nước mênh mông, núi non hùng vĩ, di sản văn hóa phong phú đã làm say lòng du khách khi đặt chân tới đây. Trong hành trình du lịch của mình, những vị khách nước ngoài ấn tượng với những ngôi đình, chùa cổ có lối kiến trúc nghệ thuật truyền thống đặc trưng của vùng; khám phá thiên nhiên và lịch sử đấu tranh cách mạng của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai; thưởng thức vị ngọt đặc biệt của trái cây ở khu du lịch sinh thái vườn hay vẻ đẹp sản phẩm của các làng nghề thủ công truyền thống. Nhưng phải thừa nhận lâu nay du lịch Đồng Nai mới chỉ tập trung khai thác du lịch sinh thái, quan tâm đến phát triển du lịch văn hóa.

 

Ở Đồng Nai, một số công ty du lịch chủ yếu đưa du khách tham quan các điểm du lịch ngoài tỉnh, còn sự hấp dẫn du khách từ các giá trị văn hóa gắn liền với du lịch trong tỉnh như tham quan chùa Đại Giác, chùa Ông, đình An Hòa, miếu Tổ Sư, đền thờ Nguyễn Tri Phương, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, mộ cự thạch Hàng Gòn, Chiến khu Đ, địa đạo Nhơn Trạch; nghề thủ công truyền thống đá Bửu Long, gốm Biên Hòa, thêu - đan - dệt của đồng bào các dân tộc Chơ Ro, Mạ, STiêng, Chăm; lễ hội cúng đình của người Việt, lễ hội đâm trâu của người Mạ... hầu như vắng khách.

 

Chính từ sự gắn kết chặt chẽ giữa phát triển văn hóa và du lịch, vấn đề cốt yếu là làm thế nào để du lịch văn hóa tồn tại trong sự phát triển đa dạng. Với Đồng Nai, khó khăn lớn nhất vẫn là chưa có một mô hình du lịch văn hóa hợp lý để áp dụng; kế hoạch và chiến lược phát triển du lịch văn hóa nhiều năm nay chưa có sự gắn kết cộng đồng.

 

Nên chăng phát triển du lịch Đồng Nai theo hướng bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống với các di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, lễ hội, nghề thủ công truyền thống. Có kế hoạch, giải pháp khôi phục từng bước các làng nghề truyền thống (mộc Phú Hội, nón và đúc gang Thạch Phú, lễ hội đâm trâu người Mạ, Sayangva người Chơ Ro...).

 

Bên cạnh đó, kết hợp phát triển văn hóa hiện đại, du lịch khám phá và mạo hiểm, vui chơi giải trí và mua sắm với các khu du lịch thác Giang Điền, danh thắng Bửu Long, vườn quốc gia Cát Tiên, cù lao Ba Xê, Bò Cạp Vàng, trang trại Vườn Xoài, Trung tâm du lịch Suối Tre, sân golf Long Thành, lễ hội trái cây Phú Hội, làng bưởi Tân Triều, Bảo tàng Đồng Nai, Thư viện Đồng Nai, các trung tâm giải trí trên địa bàn tỉnh...

 

Xây dựng các tuyến du lịch khai thác có hiệu quả như: Tuyến du lịch sông Đồng Nai (cù lao Ba Xê, cù lao Tân Vạn, cù lao Hiệp Hòa, Trung tâm du lịch Bửu Long, làng gốm Tân Vạn, làng cá bè Tân Mai, làng đá Bửu Long với các điểm nhấn văn hóa chùa Ông, chùa Đại Giác, nhà cổ Trần Ngọc Du, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, đền thờ Nguyễn Tri Phương, chùa Long Thiền, đình Tân Lân, Văn miếu Trấn Biên); tuyến Vĩnh Cửu - Thống Nhất - Trảng Bom (làng bưởi Tân Triều, đảo Ó - Đồng Trường, Chiến khu Đ, làng dân tộc Phú Lý, thác Giang Điền, khu động vật hoang dã Bắc Sơn); tuyến Long Thành - Nhơn Trạch (làng Bến Gỗ, cù lao Ông Cồn, sân golf Long Thành, làng cổ Phú Hội, rừng đước Phước Thái, địa đạo Nhơn Trạch); tuyến Tân Phú - Định Quán (Vườn quốc gia Cát Tiên, thác Mai; hồ Đa Tôn, thác Hòa Bình, cụm văn hóa xã Tà Lài, thác Ba Giọt, đá chồng Định Quán); tuyến Xuân Lộc - Long Khánh - Cẩm Mỹ (núi Chứa Chan, công viên văn hóa Suối Tre, công viên Hòa Bình, mộ cự thạch Hàng Gòn).

 

Xúc tiến quảng bá du lịch đặc thù là du lịch văn hóa kết hợp du lịch sinh thái khám phá, đặc biệt trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong giới học sinh, sinh viên theo chuyên đề gắn với xúc tiến quảng bá du lịch quốc gia. Tích cực phối hợp với các cơ quan thông tin đối ngoại, cơ quan đại diện ngoại giao văn hóa ở nước ngoài để quảng bá du lịch Đồng Nai. Đầu tư phát triển nguồn nhân lực du lịch, khuyến khích các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp tổ chức đào tạo chuyên ngành du lịch và bảo tồn. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, xây dựng chiến lược, quản lý thực hiện quy hoạch phát triển du lịch của từng huyện và toàn tỉnh nhằm đạt được mục tiêu chung đề ra.

 

Nếu kết hợp được giữa truyền thống và hiện đại, thiên nhiên và văn hóa, quản lý và khai thác theo đúng quy luật phát triển của xã hội thì ngành công nghiệp không khói ở Đồng Nai sẽ phát triển mạnh.

Nguồn: Báo Đồng Nai

Cùng chuyên mục