Hoạt động của ngành

Bắc Giang: Xây dựng và bảo tồn đội chèo làng Quỳnh

Cập nhật: 05/08/2009 14:08:46
Số lần đọc: 1934
Làng chèo truyền thống đã từng tồn tại nhiều năm tại thôn Đền Quỳnh, xã Đông Sơn.. Hạt nhân văn nghệ của làng có người còn trẻ chừng hơn 30 tuổi, còn lại hầu hết các "diễn viên" đều đã lên chức ông, bà. Giọng hát chèo trong trẻo, tiếng đàn, tiếng nhị hòa quyện với tiếng trống chèo vang lên rộn rã như lời mời gọi thiết tha.

Chị Vũ Thị Hồng Yến đội trưởng đội văn nghệ cũng là chủ nhà hồ hởi nói: Đội văn nghệ làng chúng tôi vừa được xã quyết định thành lập câu lạc bộ hát chèo gồm gần 30 người, nòng cốt là đội chèo làng Quỳnh. Câu lạc bộ nay có quy chế hoạt động tập luyện thường xuyên phục vụ tuyên truyền các sự kiện được triển khai tại địa phương, tham gia biểu diễn ở các lễ hội trong vùng... Mọi người vui lắm bởi từ nay đã "Danh chính ngôn thuận" môn chèo đã có đất diễn. Không biết nghệ thuật hát chèo ở đây có từ bao giờ, nghe những người già trong làng kể: Xưa, các lễ hội diễn ra ở vùng Bo Bố Hạ đều có hát chèo. Hội vùng Bo có từ bao giờ thì hát chèo cũng ra đời từ đó. Các ông Quang, ông Khương dù tuổi đã ngoài 70 song cũng chỉ biết từ nhỏ đi hội đã thấy có hát chèo. Những thế hệ trước đây như bà Sửu, bà Nền, bà Hải, bà Cúc, bà Chiến biết hát chèo từ bé. Nhiều người trong số họ thuộc tới hơn 30 làn điệu. Lớp trẻ của làng chèo nay như cô Mạnh, cô Đạt, cô Phương hoặc anh Thắng, anh Thi, anh Việt đều thuộc vài chục bài lẩy được nhiều làn điệu. Chị Yến cho biết thêm: Tiếng là có truyền thống từ xưa song trước đây kinh tế khó khăn hát chèo không được tập luyện thường xuyên nên tay đàn nhị cũng cứng, các điệu bị quên nhiều. Từ hơn 2 năm nay những người mê chèo ở đây đã mời thầy về dạy mỗi tuần vài buổi nhằm khôi phục vốn cổ của ông cha xưa. Nhờ vậy phong trào văn nghệ phát triển, chất lượng của đội chèo vì thế lên hẳn. Năm nào đi tham gia hội diễn ở xã, ở huyện cũng giành giải nhất. Không chỉ ôn luyện các làn điệu chèo truyền thống như: Đào liễu, Đường trung chinh phụ, Xa lệch chênh, Chúc cẩm hồi văn... hiện nay câu lạc bộ còn đang dựng vở Tống Chân - Cúc Hoa và cả một vở mới "Dồn điền đổi thửa" do các thành viên trong câu lạc bộ sáng tác tự biên. Ngoài ra các chị còn sáng tác nhiều tiểu phẩm chuyên đề về DS-KHHGĐ, phòng, chống ma túy, bạo lực gia đình. Các vở tuy mới tập nhưng nội dung gần gũi với tình hình địa phương nên khi diễn thử đều được mọi người hoan nghênh.

Dù chỉ là văn nghệ "cây nhà lá vườn" song chất giọng chèo đằm thắm của các chị Yến, chị Mạnh khó có thể phân biệt được với ngay cả các nghệ sĩ chuyên nghiệp. Tiếng sáo của ông Quang, tiếng đàn của ông Việt nhuần nhuyễn ăn nhịp với các giọng ca trong trẻo khiến người nghe có cảm giác như đang ngồi trước một chiếu chèo hay một sân khấu chèo nào đó dưới xuôi. Anh Hoàng Minh Hồng cán bộ phòng văn hóa huyện Yên Thế cho hay: Nghệ thuật hát chèo ở đây có truyền thống từ lâu đời nay còn nhiều tiềm năng trong dân cần được khai thác khôi phục và gìn giữ. Chính vì vậy phòng văn hóa thể thao - du lịch huyện đã xây dựng đề tài nghiên cứu khoa học "Bảo toàn di sản văn hóa vật thể phi vật thể vùng Bo" trong đó đặc biệt chú trọng tới nghệ thuật hát chèo cổ. Huyện có kế hoạch đầu tư, hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị âm thanh cho câu lạc bộ.

 

 

 

Nguồn: Website báo Bắc Giang

Cùng chuyên mục