Hoạt động của ngành

Hà Nội: Xây dưng đô thị hện đại gắn với giá trị lịch sử - văn hóa

Cập nhật: 22/07/2009 09:07:21
Số lần đọc: 2093
Bên cạnh những di tích lịch sử - văn hóa được trùng tu, tôn tạo như Thành cổ Sơn Tây, đền Và, làng cổ Đường Lâm… thị xã Sơn Tây đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình quy mô lớn, hiện đại như chợ Nghệ, đường Đinh Tiên Hoàng - đê Đại Hà, hạ tầng Khu đô thị Phú Thịnh, chỉnh trang các tuyến phố Chùa Thông, Thanh Vị, Tùng Thiện… chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Những công trình trên là điểm nhấn, sự kết hợp trong nhiệm vụ xây dựng đô thị Sơn Tây hiện đại, văn minh gắn chặt với giá trị lịch sử - văn hóa lâu đời.

 

Trung tâm dịch vụ - du lịch

 

Chợ Nghệ - một công trình bề thế, hiện đại, nằm ngay trung tâm thị xã, bên cạnh Thành cổ Sơn Tây đang được đơn vị thi công hoàn tất các công việc cuối cùng để kịp đưa vào sử dụng đúng kế hoạch. Kỹ sư Nguyễn Phương Anh, cán bộ Ban Đầu tư xây dựng thị xã Sơn Tây cho biết, chợ được xây dựng trên mặt bằng 11.800m2 (diện tích sàn xây dựng khoảng 35.000m2), cao 4 tầng, trong đó có một tầng hầm với tổng vốn đầu tư khoảng 170 tỷ đồng. Dự tính, khi đi vào hoạt động, tầng 1 và tầng 2 của chợ thu hút khoảng 1.200 hộ kinh doanh; tầng 3 sẽ là nơi cho thuê kinh doanh các dịch vụ giải trí, ngân hàng, bưu chính viễn thông 

Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Nguyễn Quang Mạnh khẳng định, với vị trí, vai trò là trung tâm kinh tế- Xã hội(KT-XH) Tây bắc Thủ đô Hà Nội, Sơn Tây tập trung vào các ngành kinh tế mũi nhọn, nhiều tiềm năng như thương mại, dịch vụ - du lịch, trong đó chợ Nghệ là điểm nhấn, là nơi giao dịch, buôn bán trọng yếu, góp phần thúc đẩy KT-XH của Sơn Tây nói riêng và khu vực các huyện phía Tây bắc Thủ đô nói chung phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, thị xã đang tập trung chỉ đạo đẩy nhanh việc hoàn thành dự án đúng tiến độ; xây dựng phương án bố trí, sắp xếp các hộ kinh doanh, mô hình quản lý sau khi chợ đi vào hoạt động… bảo đảm đưa các hộ kinh doanh vào chợ trước Tết Nguyên đán 2010. Cũng theo ông Mạnh, phát triển các trung tâm thương mại như chợ Nghệ Sơn Tây, hệ thống siêu thị là trọng tâm ưu tiên của thị xã nhằm gắn chặt và hoàn thiện khâu dịch vụ với các hoạt động du lịch tại làng cổ Đường Lâm, Thành cổ Sơn Tây, đền Và…

 

Vươn tới sự hài hòa

 

UBND thị xã cho biết, song song với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao; tổ chức các phong trào thi đua từ nay đến dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Sơn Tây cũng tập trung xây dựng mới, chỉnh trang các tuyến phố, tuyến đường quan trọng; xây dựng các khu nhà ở, khu chung cư văn minh, hiện đại. Theo ông Nguyễn Đức Minh, Trưởng ban Đầu tư xây dựng thị xã, chào mừng kỷ niệm 55 năm Ngày Giải phóng thị xã, trong tháng 7 Sơn Tây hoàn thành và đưa vào sử dụng tuyến đường Đinh Tiên Hoàng - đê Đại Hà. Đây là tuyến phố có hạ tầng đồng bộ (mặt cắt đường 19,5m; vỉa hè đi bộ 4,5m; hành làng cây xanh; hệ thống tuy-nen kỹ thuật được hạ ngầm) nằm bên cạnh Khu đô thị Phú Thịnh, tạo nên diện mạo mới cho thị xã Sơn Tây. 

Đối với các di tích lịch sử văn hóa, thị xã đang triển khai trùng tu, tôn tạo đền Và; tiến hành lập dự án, nghiên cứu quy hoạch, khôi phục Thành cổ Sơn Tây; tu bổ chùa Ón, nhà thờ thám hoa Giang Văn Minh ở làng cổ Đường Lâm; chuẩn bị tôn tạo, phục dựng lại di tích Văn Miếu; tiếp tục quy hoạch chi tiết dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm… Cũng theo ông Mạnh, quan điểm thống nhất của thị xã là phát triển đô thị hiện đại phải bảo đảm cảnh quan môi trường; tạo nét riêng của đô thị Sơn Tây gắn với vùng đất "địa linh nhân kiệt" và vùng di tích lịch sử - văn hóa đậm đặc, cổ kính, bảo đảm phát triển hài hòa giữa các đô thị hiện đại với giá trị lịch sử - văn hóa lâu đời.

 

Nguồn: Website báo Hà Nội Mới

Cùng chuyên mục