Hoạt động của ngành

Khôi phục trang phục truyền thống của dân tộc Châu Ro ở Bà Rịa-Vũng Tàu

Cập nhật: 18/05/2009 09:01:31
Số lần đọc: 3168
Ngày nay, trang phục của người dân tộc Châu Ro lúc đi làm, lúc sinh hoạt thường ngày hoàn toàn giống với trang phục của người Kinh. Nhưng khi đi học, khi tham gia lễ hội, Tết đến hoặc khi biểu diễn nghệ thuật… người dân tộc Châu Ro lại “diện” những bộ trang phục truyền thống được làm nên từ thổ cẩm với nét đẹp riêng.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có khoảng gần 9.000 người dân tộc Châu Ro đang sinh sống. Họ sống tập trung nhiều ở xã Bàu Lâm (huyện Xuyên Mộc); thị trấn Ngãi Giao, các xã Bàu Chinh, Kim Long, Bình Giã (huyện Châu Đức); Châu Pha, Hắc Dịch (huyện Tân Thành).

Ngày nay đồng bào dân tộc Châu Ro ăn mặc như người Kinh trong vùng, chỉ còn dễ nhận ra người Châu Ro ở tập quán thường đeo gùi khi đi làm nương rẫy và đeo các vòng đồng, bạc, dây ườm trang sức nơi cổ và tay của chị em phụ nữ.

Người dân tộc Châu Ro còn có nhiều loại trang sức như vòng cườm, căng tai bằng gỗ hoặc ngà voi, dây thổ cẩm cuốn quanh trán cho các chàng trai trẻ, khăn bịt đầu cho đàn ông đã đến tuổi trưởng thành… Nhưng kể từ những năm 50 của thế kỷ XX, đến nay trong quá trình định cư ở gần người Kinh, người dân tộc Châu Ro đã dần bị ảnh hưởng bởi cách ăn mặc của người Kinh. Phụ nữ Châu Ro từ đó không còn để ngực trần, đàn ông mặc quần đùi (thay vì mặc khố), áo gilét kiểu Pháp. Đến năm 1960, phụ nữ dân tộc Châu Ro có thêm một trang phục mới của người Kinh đó là áo bà ba, quần đen, còn trang phục truyền thống chỉ được may và mặc vào những dịp lễ hội. Theo thời gian, trang phục của người dân tộc Châu Ro đã được thiết kế cho tiện với sinh hoạt hàng ngày nên không khác gì so với trang phục của người Kinh, chỉ có vài gia đình còn giữ đôi ba bộ váy truyền thống làm kỷ niệm.

Với mong muốn lưu giữ những nét đẹp truyền thống, khoảng 5 năm về trước, một nhóm người dân tộc Châu Ro đã phục chế trang phục truyền thống của dân tộc mình để làm đồng phục cho các em học sinh người dân tộc Châu Ro học tại trường dân tộc nội trú tỉnh, giúp các em kế tục, giữ gìn di sản văn hoá của dân tộc mình. Đồng thời, những trang phục truyền thống đó dành cho người dân tộc Châu Ro mặc trong các dịp lễ hội. Theo đó 12 trang phục mẫu đã được thiết kế cách tân phù hợp và tiện dụng trong cuộc sống hiện tại. Chẳng hạn như chiếc váy cho nữ trở thành chiếc váy kín cùng áo tay lỡ nhưng vẫn giữ được dáng dấp của chiếc áo chui đầu ngày xưa. Ngoài ra, trang trí trên cổ, vai, tay, ngực và thân áo là các dải hoa văn truyền thống. Có khi trên ngực áo được đính kèm những tua chỉ màu đẹp mắt. Với nam, các mẫu được kết hợp với quần dài và khố đi cùng với nhiều kiểu áo từ không tay đến dài tay. Riêng váy dành cho lễ hội được trang trí cầu kỳ hơn từ hoa văn, hoạ tiết trên nền thổ cẩm đến đường khâu mũi chỉ cũng rất tinh tế.

Trong các lễ hội truyền thống, hoặc các cuộc liên hoan, hội thi hội diễn, thậm chí là trong các cuộc thi hoa hậu đồng bào dân tộc, trang phục truyền thống của người dân tộc Châu Ro vẫn có nét đẹp riêng. Và nó không thể thiếu trong hai lễ hội chính của người dân tộc Châu Ro là lễ hội Nhang lúa và lễ hội Nhang rừng. Bà Dương Thị Thọ, một cụ cao niên người dân tộc Châu Ro ở xã Sông Xoài (huyện Tân Thành) cho biết: “Trong lễ hội Nhang lúa và Nhang rừng, người dân tộc Châu Ro đều mặc trang phục truyền thống và đánh cồng chiêng. Lớp trẻ ngày nay cũng rất thích những trang phục truyền thống được may theo mẫu cách tân, vừa kín đáo, vừa đẹp mắt, tiện dụng. Mặc những bộ trang phục này, chúng tôi thấy tự hào hơn về nét đẹp văn hoá của dân tộc mình”.

 

Nguồn: website báo BR-VT

Cùng chuyên mục