Hoạt động của ngành

Tiềm năng và lợi thế du lịch An Giang

Cập nhật: 01/04/2009 09:04:43
Số lần đọc: 2267
Những năm gần đây, An Giang đã có nhiều cố gắng, nỗ lực phát triển du lịch nhằm đưa tỉnh nhà trở thành một trong những điểm đến của khách du lịch trong và ngoài nước.

Để du lịch góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh, điều quan trọng là Nhà nước phải đầu tư giao thông thủy, bộ đúng mức và đạt chuẩn (lợi thế du lịch An Giang là đất liền lại gần các danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa lịch sử, có đường biên giới giáp với Campuchia…), tạo điều kiện tốt nhất để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch và dịch vụ du lịch. Bởi kinh doanh ngành Du lịch là loại hình kinh doanh tổng hợp, sản phẩm của văn hóa- thể thao- y tế- viễn thông… đều là dịch vụ của ngành Du lịch, cho nên động lực của ngành Du lịch là sự phát triển đồng bộ của các ngành có liên quan.


Nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, trong thời gian tới tỉnh sẽ tập trung đầu tư và phát triển các khu du lịch trọng điểm của tỉnh như: Xây dựng đề án phát triển du lịch núi Sam, núi Cấm từng bước trở thành khu du lịch quốc gia. Ngoài ra, việc đầu tư cho khu du lịch núi Sập- Óc Eo và khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư phát triển bền vững, hỗ trợ hoạt động 2 khu du lịch cộng đồng Mỹ Hòa Hưng và Châu Phong là điều không thể thiếu. Bên cạnh đó, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các loại hình du lịch theo mô hình du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, du lịch thể thao leo núi… Đồng thời, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp mở các điểm trưng bày và bán sản phẩm truyền thống địa phương có chất lượng cao tại các khu, điểm du lịch, siêu thị và các trung tâm thương mại.

 

Ngành cũng quan tâm khai thác hợp lý các nguồn lực phát triển du lịch theo hướng phát triển bền vững, tạo động lực thúc đẩy cùng phát triển, như tiếp tục duy trì việc hợp tác giữa các đơn vị: An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp và thành phố Hồ Chí Minh về liên kết du lịch, liên kết phát triển tour tuyến du lịch trong thời gian tới; mở rộng sự liên kết với các địa phương vùng ĐBSCL và TP.HCM hình thành các tuyến du lịch nối kết giữa An Giang với: Cần Thơ- Kiên Giang- Đồng Tháp và với Tây Ninh- TP.Hồ Chí Minh- Phnom Penh… Đây là điều kiện để tạo nhiều sản phẩm du lịch mới, đa dạng, phong phú, phát triển thêm các dịch vụ phụ trợ phục vụ du lịch cũng như phát triển mở rộng tour tuyến mới trong hoạt động lữ hành quốc tế và lữ hành nội địa.

 

Riêng về công tác du lịch đối ngoại, An Giang tiếp tục hợp tác với ngành Du lịch của Vương quốc Campuchia để khai thác các điểm đến và nguồn khách du lịch qua lại cửa khẩu của 2 địa phương. Tổ chức đoàn gồm các ngành, địa phương và doanh nghiệp tham quan học hỏi một số mô hình phát triển du lịch của các tỉnh, thành bạn mà An Giang có lợi thế để phát triển. Khảo sát một số mô hình sản xuất trang trại, trồng cây cảnh, vườn cây ăn trái, làng nghề… để xây dựng điểm du lịch mới đưa vào phục vụ du khách. Song song đó, ngành phối hợp tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội văn hóa thể thao, nâng cấp lễ hội truyền thống phục vụ du khách như: Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, Lễ hội mùa nước nổi Búng Bình Thiên, Lễ hội đua bò Bảy Núi… Đây là cơ hội quảng bá tiềm năng du lịch của địa phương và là dịp để các doanh nghiệp tìm hiểu và đến với An Giang.


Cùng với việc chú trọng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch thì ngành Du lịch còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch An Giang bằng nhiều hình thức: Website, bản tin du lịch, ấn phẩm, bản đồ du lịch, biển quảng cáo, chuyên đề trên sóng truyền hình, tham dự hội chợ, tổ chức các đoàn Famtrip về An Giang… Tuy nhiên, vấn đề quan trọng không thể thiếu đó là tăng cường quản lý Nhà nước đối với các hoạt động du lịch như: Nâng cao chất lượng phục vụ của hệ thống nhà hàng- khách sạn và các khu, điểm du lịch; phối hợp với các ngành chức năng trong công tác quản lý bảo vệ duy tu và tôn tạo các di tích, danh lam thắng cảnh; kiên quyết xử lý nghiêm các tệ nạn xã hội, nhằm tạo sự văn minh, an toàn và thân thiện tại các khu, điểm du lịch, trung tâm thương mại, cửa khẩu…


Với tiềm năng và lợi thế, du lịch An Giang đang được kỳ vọng phát triển nhanh và bền vững hơn, khi được đầu tư.

Nguồn: Báo An Giang

Cùng chuyên mục