Hoạt động của ngành

Việt Trì (Phú Thọ) - Miền đất tâm linh

Cập nhật: 31/03/2009 08:30:32
Số lần đọc: 2157
Những cuộc hội thảo khoa học về thời kỳ Hùng Vương được tổ chức tại Đất Tổ với sự phối hợp chặt chẽ của các ngành khảo cổ học, dân tộc học, nhân chủng học, ngôn ngữ học... đã khẳng định thời đại Hùng Vương là có thật, kinh đô Văn Lang của các Vua Hùng là miền đất nằm trên địa bàn của thành phố Việt Trì. Đây là miền đất tụ thủy, tụ linh, tụ nhân, tụ phúc của dân tộc Việt Nam.

Lướt trên những đại lộ dọc ngang sầm uất của thành phố Việt Trì, gặp những công sở, những tòa nhà đồ sộ mới xây, giữa nhịp điệu sôi động của đô thị loại 2, lòng chúng ta tràn đầy tự hào, nhưng không khỏi băn khoăn:

                                    Bay đâu cánh hạc năm xưa
                                   Tìm đâu bóng dáng cố đô đất này.

Cách đây nửa thế kỷ, phường Dữu Lâu còn xanh mướt những vườn trầu có từ thuở còn phổ biến tập tục quần hôn. Vua Hùng một ngày kia thấy không thể giữ mãi tập tục này nữa, đã đặt ra lệ rằng hễ người con gái đã nhận những lá trầu, quả cau của một chàng trai ướm hỏi thì họ sẽ thành vợ chồng và người khác không được tìm cách chiếm đoạt nữa. Rồi Vua giao cho làng Dữu Lâu trồng trầu, trồng cau. Từ đó kho tàng truyện cổ tích Việt Nam có sự tích trầu cau. Tiếc rằng những vườn trầu gắn với truyền thuyết đó đã mất đi trong thời kỳ chúng ta lên đồi làm lương thực bằng mọi giá, hơn thế, từ khi Dữu Lâu đô thị hóa trở thành phường có nhiều công trình trọng điểm góp phần mở mang diện mạo mới của thành phố Việt Trì.

Dữu Lâu là quê hương của những đồng lúa nếp hoa vàng dẻo thơm nổi tiếng. Tương truyền hoàng tử Lang Liêu đã chọn gạo nếp nơi đây làm bánh chưng bánh dầy dâng hiến vua cha và được truyền ngôi vì lòng hiếu thảo.

Những vườn trầu mất đi, những cánh đồng nếp thơm hẹp dần nhường chỗ cho đô thị mở mang, nhưng đền thờ Lang Liêu vẫn còn trên đất Dữu Lâu.

Sau lớp sương mờ của quá khứ cùng đổ nát của chiến tranh, Việt Trì đã phát lộ những điều kỳ diệu về nguồn cội tổ tiên. Ngôi Đền Tiên lại mọc lên trên nền dải đất thiêng bên Quốc lộ số 2 ven sông Thao thuộc phường Tiên Cát là một trong số đó. Ngôi đền này phụng thờ người mẹ thiêng liêng số một của dân tộc Việt Nam ta. Nhiều ngọc phả, thần phả của các đền miếu liên quan đến thời Hùng Vương đều dành những phần trang trọng nói về mối kỳ duyên của người mẹ sinh ra Lạc Long Quân. Đó là mẫu Thần Long Hồng Đăng Ngàn ở đền Tiên Cát. Câu chuyện tình lãng mạn, đẹp đẽ của đức vua Kinh Dương Vương với người con gái xinh đẹp ở động Đình Hồ, người sinh ra thái tử Sùng Lãm tức là nhà vua Lạc Long Quân được nhắc đến trong nhiều ngọc phả ở đền Kinh Dương Vương, đền Lạc Long Quân, đền Mẫu Âu Cơ, cả trong sách Đại Việt sử ký toàn thư và Lĩnh Nam chích quái. Câu chuyện tình thơ mộng này còn được lưu truyền tại nhiều ngôi đền suốt dải đất từ Phú Thọ đến Sơn Tây, Hà Đông, Hà Nam, Bắc Ninh, Thái Bình và nhiều nơi khác. Kỳ lạ thay, hình ảnh người mẹ khoác áo choàng trắng được đúc thành pho tượng thờ phụng tại Đền Củi, xã Xuân Hồng huyện Hồng Lĩnh tỉnh Hà Tĩnh là nơi cách xa miền đất Tổ hàng trăm cây số.

Xã Trưng Vương nằm ở Đông Nam thành phố Việt Trì đậm đặc những huyền thoại về khu lâu đài cung điện Lâu Thượng, Lâu Hạ của các vua Hùng xây cất. Cùng với ngôi đình Lâu Thượng có kiến trúc độc đáo với những bức chạm khắc gỗ tinh xảo bậc nhất được xếp hạng di tích quốc gia, vùng quê này còn có ngôi miếu cổ là Thiên Cổ Miếu thờ vợ chồng nhà giáo Vũ Thê Lang thời vua Hùng. Ngôi đền lưu giữ câu đối của người xưa: “Hùng Lĩnh trung chi thắng tích; Nam Thiên chính khí linh từ”. (Là thắng tích của Hùng Lĩnh là chính khí của trời Nam). Ngọc phả Thiên Cổ Miếu do Đông các Đại học sỹ Nguyễn Bính phụng soạn năm 1573 ghi rằng: Vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang quê Mộ Trạch, Hải Dương được vua Hùng đón về dạy chữ cho hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa. Trước miếu còn hai cây táu cổ thụ được xếp vào hàng tứ thiết, sống dai và lớn chậm nhất so với các loài cây khác. Hai cây táu nghìn tuổi này có bộ rễ như những chiếc đầu rồng khổng lồ, tán lá quanh năm tươi tốt, hàng năm vào tiết cuối xuân lại hoa bạc rắc ấm mái đền. Tại đây những tấm bia về chữ Việt Cổ đang được phụng dựng gợi về nền giáo dục đầu tiên của Nhà nước Văn Lang.

Việt Trì còn có các địa danh gắn với nền giáo dục thời Hùng Vương. Đó là Tràng Đông, Tràng Nam (như Tràng Thi của Thăng Long xưa) thuộc phía Đông và phía Nam của Việt Trì. Khu giáo dục này cùng với các khu khác tạo nên diện mạo của kinh đô Văn Lang xưa. Đó là khu nông nghiệp trồng trọt ở Kẻ Nú (Minh Nông), Nông Trang, Thậm Thình, Hương Trầm. Khu lâu đài cung điện ở Lâu Thượng, Lâu Hạ ở Trưng Vương. Khu quân sự ở Cẩm Đội, Thụy Vân, Minh Phương, Bến Gót. Khu đúc đồng ở Làng Cả. Khu thủ công đan lát ở Quất Thường, Quất Hạ, Tân Dân.

Truyền thuyết về mẹ Âu Cơ sinh bọc trứng nở một trăm con được nhắc tới trong nhiều ngọc phả thời Hùng Vương. Một trong những ngôi chùa của Việt Trì liên quan đến truyền thuyết này là Hoa Long Thiền tự thuộc phường Bến Gót. Ngôi chùa này nổi tiếng cả nước, được nhắc tên trong Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam nhất thống chí, được Nhà nước phong kiến liệt vào danh sách trùng tu cuối thế kỷ 18. Hoa Long Thiền tự xây cất ở giáp khu thành đất cổ thuộc thôn Việt Trì xưa bên nền khu lâu đài của các Vua Hùng. Truyền thuyết kể rằng Hoa Long Thiền tự là nơi tiên ông giúp Vua Lạc Long Quân đặt tên cho một trăm người con trai sinh ra từ bọc trứng của mẹ Âu Cơ. Một trong những hoàng tử đó là Linh Vương, hoàng tử thứ 25, hiệu là Đông Hải Quan Lang, cai quản miền sông nước của Văn Lang hiện được thờ tại đền Lang Đài, phường Bạch Hạc. Bốn vị hoàng tử khác thuộc chi thứ 3 coi giữ phía tây kinh thành Văn Lang được thờ tại các ngôi đền làng Đồng Lai, làng Trụ Thạch, làng Ngọc Xuân thuộc trang Bàn Giản, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Bốn vị tứ Hùng này có bài vị là Xá Sơn, Lê Sơn, Tròn Sơn, Sui Sơn ghi trong bản ngọc phả do học sỹ Lũng Quan Lễ bộ Thượng thư Đông các Lê Tung soạn lần thứ nhất thời Hồng Đức nhà Lê thế kỷ 15.

Ngược ngã ba Hạc, theo sông Lô về xã Phượng Lâu ở phía Bắc Việt Trì, có di tích liên quan đến thời Hùng. Đó là Hùng Vương tổ miếu. Ngôi đền gỗ này dựng trên núi Cấm, nhìn xuống đầm Thiếc hữu tình. Tương truyền, mỗi dịp xuân về Vua Hùng từng nghe các cung nữ cùng muôn dân múa hát tại đây. Hùng Vương tổ miếu gắn với truyền thuyết hát Xoan có từ thời Hùng Vương. Hát Xoan đến nay vẫn còn lưu giữ được ở xã Kim Đức, khởi nguồn từ ngôi miếu cổ này. Bài vị của Hùng Vương tổ miếu dựng trên núi Cấm giống các bài vị thờ Đột Ngột Cao Sơn, Viễn Sơn, Ất Sơn tại Đền Trung của Đền Hùng.

Cùng với các truyền thuyết về Hùng Vương, nổi bật nhất là Khu di tích Làng Cả của Việt Trì. Chứng cứ hùng hồn về khảo cổ học này khẳng định thời đại Hùng Vương là có thật. Kinh đô Văn Lang với Làng Cả là trung tâm hội tụ mọi điều kiện thành trung tâm chính trị, kinh tế đứng đầu Nhà nước Văn Lang. Cái cốt lõi lịch sử có thật về thời đại Hùng Vương gắn với sự phát triển của nghề luyện kim. Toàn bộ sưu tập đồ đồng ở khu mộ táng Làng Cả, từ minh khí đến đồ trang sức và dụng cụ đúc đồng như nồi rót đồng, khuôn đúc đồng của những người thợ tài hoa, có thể khẳng định Làng Cả là trung tâm luyện kim lớn nhất của Nhà nước Văn Lang. Thủ lĩnh luyện kim chính là Vua Hùng. Cũng theo các nhà khoa học, Kinh đô Văn Lang không những là trung tâm dân cư, trung tâm nông nghiệp mà còn là trung tâm kỹ nghệ đúc đồng, là cái túi hứng nguồn mỏ đồng đổ từ thượng nguồn sông Hồng, sông Đà, sông Lô hợp tại ngã ba Hạc để phân phối lại cho những vùng rộng lớn hơn ngoài lãnh thổ Văn Lang.

Rồi đây Việt Trì to đẹp sẽ xứng tầm đô thị loại 1, không chỉ bằng sự đồ sộ của các kiến trúc đúc từ bê tông, sắt thép. Việt Trì phải đậm đà bản sắc văn hóa dân tâm linh độc đáo của người Lạc Việt. Có như vậy Việt Trì mới xứng tầm là thành phố du lịch lễ hội cội nguồn của dân tộc.

Nguồn: website báo Phú Thọ

Cùng chuyên mục