Hoạt động của ngành

Hà Giang: Giữ gìn và phát triển các loại hình nhạc cụ dân tộc

Cập nhật: 16/03/2009 14:03:41
Số lần đọc: 2011
Hà Giang là nơi cư trú của nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, kéo theo đó là sự đa dạng của phong tục, tập quán và những giá trị văn hoá gắn với đời sống vật chất, tinh thần và tâm linh của người dân địa phương. Nổi bật nhất trong số các giá trị văn hoá đó của đồng bào chính là trang phục và các loại hình nhạc cụ dân tộc… rất phong phú.

Tất cả đang tạo nên một sắc màu văn hoá vật thể độc đáo, nhiều loại nhạc cụ dân tộc đã trở nên quen thuộc trong đời sống của người dân như: Khèn của người Mông, trống đồng, chiêng, kèn Phí lè… của đồng bào dân tộc Lô Lô, Xuồng, Giấy, cây đàn tính của người Tày… Trong các dịp lễ hội truyền thống, ma chay, cưới hỏi, nhiều loại hình nhạc cụ này lại được sử dụng như một biểu tượng thiêng liêng của các dân tộc, tạo nên những nét văn hoá rất riêng của người vùng cao. Đặc biệt, trong quá trình hội nhập, giao lưu giữa đồng bào các dân tộc với nhau, nhiều loại nhạc cụ này đã được sử dụng và trở thành những biểu tượng văn hoá chung của nhiều dân tộc.


Hiện nay, trong xu thế phát triển và hội nhập giữa các nền văn hoá, các loại hình nhạc cụ dân tộc của đồng bào không chỉ đơn thuần đóng vai trò là một vật dụng riêng trong các gia đình, mà đã trở thành một hàng hoá được ưa chuộng. Điển hình là cây khèn Mông. Cây khèn Mông đang được bày bán ở các chợ vùng cao, các gian trưng bày sản phẩm và các siêu thị sách. Một số gia đình tại các địa phương của huyện Đồng Văn, Yên Minh đã có cơ hội tăng thu nhập từ việc làm khèn để bán. Đó cũng là cơ sở để nhiều loại hình nhạc cụ độc đáo của đồng bào trở thành một phương tiện giao lưu văn hoá, làm “cầu nối” giữa các nền văn hoá trong cộng đồng. Việc gìn giữ và bảo tồn các loại hình nhạc cụ này đã có những chuyển biến quan trọng trong đời sống VH-XH của tỉnh ta nói chung và người dân địa phương nói riêng. Cho đến thời điểm hiện nay, tuy chưa có con số thống kê cụ thể về số lượng các loại hình nhạc cụ của đồng bào các dân tộc đang tản mạn trong dân, nhưng vào mỗi phiên chợ cuối tuần, hay những tụ điểm sinh hoạt văn hoá cộng đồng của địa phương, các lễ hội, đình đám… các loại nhạc cụ đó lại được mang ra sử dụng và lưu truyền từ đời này sang đời khác. Vì thế, nhiều nhạc cụ của các dân tộc vẫn đang được giữ nguyên vẹn cùng với thời gian.

 

Sự đa dạng, độc đáo đối với từng loại hình nhạc cụ dân tộc là vậy, nhưng nguy cơ biến dạng đối với các loại nhạc cụ này lại đang được đặt ra. Hiện nay, cùng với xu thế hội nhập sẽ kéo theo nhiều vấn đề mới, đó lànguy cơ chiếm lĩnh thị trường của những dòng nhạc hiện đại, sẽ làm biến tướng và mai một nhiều nhạc cụ dân tộc; một số nhạc cụ như khèn của người Mông, tuy đang được bày bán và phát triển, nhưng những người biết sử dụng loại nhạc cụ này thì còn rất ít, một số nhạc cụ khác không phổ biến hầu như đã bị mai một… Công tác bảo tồn của tỉnh hiện nay mới chỉ đang thực hiện ở dạng trưng bày hiện vật thô sơ, chưa được đầu tư để bảo tồn cả chính “phần hồn” của các nhạc cụ, trong khi đó, càng về thế hệ sau, việc sử dụng các loại hình nhạc cụ của lớp trẻ càng kém đi… Để mọi người có cảm nhận đầy đủ nhất về tính năng của các loại nhạc cụ này trong đời sống văn hoá tinh thần của người dân là điều rất khó; mặt khác, hệ thống bảo tồn của tỉnh vẫn đang rất sơ sài, các hiện vật được bảo tồn không bền vững, sau một thời gian rất dễ bị hư hỏng do chưa có hệ thống bảo quản…Tất cả những điều đó đang là vấn đề rất đáng quan tâm trong vấn đề bảo tồn của tỉnh ta hiện nay. Bởi vậy, để việc bảo tồn các loại nhạc cụ này có những chuyển biến hơn nữa, thì vẫn cần một sự đầu tư toàn diện, đồng bộ, lâu dài và có kế hoạch của các cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng trong thời gian tới.

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục