Hoạt động của ngành

Hà Nội phục dựng điệu múa cổ “Con đĩ đánh bồng”

Cập nhật: 18/03/2009 14:03:57
Số lần đọc: 1964
“Đặc sản” của làng Triều Khúc, “Con đĩ đánh bồng” là 1 trong 10 điệu múa cố vô giá của đất Thăng Long. Độc đáo và đậm chất dân gian, điệu múa có cái tên “giật mình” này vừa được Hà Nội phục dựng  vượt khỏi lũy tre làng vươn ra với 36 phố phường để “sáng đèn” tại Chợ Đồng Xuân vào các tối thứ bảy.

Ra đời cách nay 7-8 thế kỷ tại các làng cổ ở Thăng Long xưa như Triều Khúc,Láng, Đồng Nhân, Nhật Tân, nét độc đáo của điệu múa này chính là “trai giả gái”. Giả gái, nhưng người múa vẫn phải thể hiện được một phần vẻ đẹp của nữ giới “mặt hoa da phấn”, động tác uyển chuyển, mềm mại, nét mặt phải tươi, xúng xính trong áo tứ thân, váy đụp đen, đeo bông tai, chít khăn mỏ quạ và mỗi người đeo 1 cái trống nhỏ sơn màu đỏ trước ngực.  Nhạc cụ sử dụng cho điệu múa là thanh la, trống và chiêng. Khi múa, 2 đôi múa phải thể hiện phong thái vừa phóng khoáng, vừa dứt khoát, mạnh mẽ, mềm mại; khoa rộng tay, nhấc chân cao, bước rộng, dáng hơi khệnh khạng, đảo người linh hoạt.  Theo giáo sư Minh Khang, Giám đốc Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam, thì “Con đĩ đánh bồn”  là điệu múa cổ thuần Việt nhất, với những động tác mô phỏng  đời sống nông nghiệp của cư dân xưa. Mặt khác, đây là điệu múa cổ có đời sống thực sự trong dân gian xưa, vừa có chức năng nghi lễ, vừa là thú vui giải trí của con người. Trước đây, ở Triều Khúc có các nghệ nhân múa giỏi như cụ Bùi Văn Sim, Bùi Văn Lục, Triệu Đình Vạn.v.v. Những nghệ nhân này, nay ngoài 80 tuổi nên vai trò  “bảo tồn” điệu múa “Con đĩ đánh bồng” hiện được gửi gắm ở nghệ nhân  Triệu Đình Hồng, 60 tuổi, phụ trách đội múa của làng và hai chàng trai thế hệ 8X- Đạt và Tuyến.

 

Chính vì sự độc đáo và sức hấp dẫn thu hút đám đông của điệu múa mà “Con đĩ đánh bồng” đã và đang được nhiều làng cổ ở Hà Nội phục dựng biểu diễn trong những dịp lễ hội. Với người xưa, “con đĩ” là cách gọi khá “âu yếm”, dạng như “mẹ đĩ” – một cách nói đầy chất dân gian. Tuy nhiên, do ngại mọi người hiểu sai về  2 từ này theo nghĩa thô tục mà các làng đã cắt bỏ  chỉ giữ lại hai từ “đánh bồng”. Lại có làng thay người múa là nữ. Sự thay đổi này theo các nhà chuyên môn là làm giảm giá trị của điệu múa cổ khi tước đi sự hóm hỉnh, độc đáo  từ chính sự “giả gái” của người múa. Bởi trên thực tế, người múa có khoác bộ cảnh nữ giới và trang điểm theo giới nữ nhưng những động tác  của điệu múa lại toát lên phong thái của đấng nam nhi với tinh thần thượng võ. Đây là điều mà người nữ múa khó có thể đạt được yêu cầu này. 

 

Khi có ý định phục dựng  Con đĩ đánh bồng” để đưa ra biểu diễn tại sân khấu  chợ Đồng Xuân, giới chuyên môn của Hà Nội đã  ngỏ ý với nghệ nhân Trần Đình Hồng, vì chỉ Triều Khúc mới giữ nguyên vẹn thần sắc, hồn cốt, nét độc đáo riêng của điệu múa này. Kẹt nỗi, nghệ nhân Trần Đình Hồng lại không muốn bụi “phố phường” vương vào điệu múa, mà theo ông là không gian sống phải ở sau lũy tre làng. Đành phải mời truyền hình về tận làng Triều Khúc để ghi hình, rồi nhờ biên đạo phục dựng, cũng may có 2 trai làng là Đạt và  Tuyến giúp đỡ tham gia vào điệu múa  nên “Con đĩ đánh bồng” đã ra tới Sân khấu Hà Nội 36 phố phường.

 

Và bây giờ, vào những tối thứ bảy, dạo phố Cổ đến chợ Đồng Xuân, du khách khắp nơi sẽ được thưởng lãm thêm một “đặc sản” của đất kinh kỳ xưa, mà mới nghe tên… không ít người sẽ  bỡ ngỡ.

Nguồn: Báo Hải Phòng

Cùng chuyên mục