Hoạt động của ngành

Ninh Bình: Tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch

Cập nhật: 18/09/2017 10:42:04
Số lần đọc: 1319
Với chủ đề “Cửa ngõ đến với du lịch châu á”, Hội chợ Du lịch Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh ITE – HCMC 2017 thu hút hơn 700 doanh nghiệp lữ hành quốc tế tham dự, có quy mô hơn 300 gian trưng bày đã tạo sự thu hút, quan tâm của gần 40.000 khách hàng. Đây cũng là dịp để “đặc sản du lịch”, văn hóa các vùng, miền trên cả nước giao lưu, quảng bá thông qua các hoạt động tại gian hàng, cũng như trình diễn nghệ thuật của nhiều địa phương tụ hội.


Đồng chí Bùi Thành Đông, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình đồng chủ trì tọa đàm “Ninh Bình non nước hữu tình”.

Cùng với các tỉnh bạn, Trung tâm Xúc tiến Du lịch Ninh Bình (Sở Du lịch) phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh cùng 14 đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn đã tham gia Hội chợ với quy mô 2 gian trưng bày triển lãm có diện tích 18m2, được trang trí nổi bật bằng những hình ảnh đẹp, đặc sắc về du lịch Ninh Bình.

Đồng chí Phạm Duy Phong, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch cho biết: Bên lề Hội chợ, du lịch Ninh Bình đã tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Ninh Bình non nước hữu tình” tại khán phòng của khách sạn 5 sao Grand Sài Gòn. Sự hấp dẫn du lịch “Miền đất Cố đô ngàn lau” đã tạo nên không khí sôi nổi của buổi tọa đàm. Các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch tiêu biểu của tỉnh đã chia sẻ thông tin với gần 130 doanh nghiệp lữ hành Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành trong cả nước và đại diện các cơ quan thông tấn báo chí.

Bà Dương Thị Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh khẳng định: Ninh Bình có tài nguyên du lịch tự nhiên, phong phú và hấp dẫn được đan xen với những tài nguyên du lịch nhân văn, những di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc, được hình thành và lưu giữ hàng nghìn năm. Đó là những lợi thế to lớn để phát triển du lịch, đặc biệt từ khi Quần thể danh thắng Tràng An trở thành Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Trong những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã tích cực tập trung đầu tư cho phát triển kinh tế du lịch. Từ Nghị quyết 15 của BCH Đảng bộ tỉnh đến những Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch cùng cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư về du lịch được ban hành đã trở thành những động lực quan trọng, thúc đẩy du lịch Ninh Bình phát triển một cách mạnh mẽ. Thành tựu của du lịch Ninh Bình có những bước tiến vượt bậc: Năm 2016, ngành Du lịch Ninh Bình đón 6,5 triệu lượt khách, doanh thu đạt trên 1.700 tỷ đồng, trong năm 2017, phấn đấu đạt mục tiêu đón 6,7 triệu lượt khách và đến năm 2020 đón 7,5 triệu lượt khách, doanh thu đạt 3.000 tỷ đồng. Đến năm 2025, Ninh Bình phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Đại diện các doanh nghiệp du lịch Ninh Bình đã giới thiệu về tiềm năng, lợi thế, định hướng phát triển du lịch địa phương, một số khu điểm du lịch trong tỉnh và một số đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch tiêu biểu.

Buổi tọa đàm với chủ đề “Ninh Bình non nước hữu tình” đã nhận được 12 ý kiến đóng góp, đề xuất. Trong đó có những thông tin rất quý báu đóng góp để xây dựng du lịch Ninh Bình. Chia sẻ về mục tiêu phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình, đại diện nhiều doanh nghiệp lữ hành, kinh doanh dịch vụ du lịch và cơ quan thông tấn, báo chí đã nêu một số bất cập, tồn tại cần được khắc phục để du lịch Ninh Bình tiếp tục phát triển. Cụ thể như, giá vé ở các điểm tham quan du lịch tại Ninh Bình tăng thường xuyên, gây khó khăn cho doanh nghiệp lữ hành. Vào mùa cao điểm du lịch, du khách phải chờ đợi rất lâu tại các điểm tham quan, mực in vé tham quan mờ và mau phai khiến việc quyết toán thuế gặp nhiều khó khăn…

Đại diện nhiều công ty du lịch kiến nghị ngành Du lịch Ninh Bình quan tâm hơn đến các mặt hàng lưu niệm, đa dạng hóa các món ẩm thực, đáp ứng nhu cầu phong phú của khách du lịch, đồng thời có giải pháp xử lý hiệu quả tình trạng “chèo kéo” du khách tại một số điểm du lịch.

Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch Việt Nam) đề xuất: Ngành Du lịch Ninh Bình cần quan tâm hơn đến công tác xúc tiến quảng bá đi vào chiều sâu, đến từng thị trường cụ thể, nhất là thị trường khách du lịch quốc tế. Ngoài những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử vốn có thì điểm lớn nhất thu hút khách du lịch là các dịch vụ vui chơi giải trí. Vì vậy, Ninh Bình cần tiếp tục đầu tư chuyên nghiệp từ cơ sở hạ tầng đến đội ngũ quản lý, cung cấp dịch vụ nhằm phát triển du lịch theo hướng bền vững.

Đồng chí Bùi Thành Đông, Giám đốc Sở Du lịch khẳng định: Thời gian tới ngành Du lịch sẽ tăng cường làm việc với các đơn vị liên quan để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho các công ty lữ hành đưa khách về Ninh Bình, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch tới các thị trường du lịch trọng điểm, đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nghiên cứu, giới thiệu một số các sản phẩm lưu niệm mới như đồng tiền Thái Bình Hưng Bảo (đồng tiền đầu tiên ở Việt Nam)... nhằm đa dạng hóa các mặt hàng lưu niệm, qua đó góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh của du lịch địa phương, từng bước đưa du lịch phát triển bền vững và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Ngành Du lịch Ninh Bình tổ chức buổi tọa đàm ngay bên lề hội chợ du lịch quốc tế là nét mới trong công tác xúc tiến quảng bá. Một lần nữa, du lịch miền đất Cố đô ngàn năm văn hiến tạo được sức hút, quan tâm ủng hộ của rất đông các tổ chức, cá nhân./.

Nguồn: Báo Ninh Bình

Cùng chuyên mục