Hoạt động của ngành

Để du lịch Quảng Ninh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Cập nhật: 15/09/2017 10:11:10
Số lần đọc: 933
Trong những năm gần đây, ngành Du lịch của tỉnh phát triển nhanh, từng bước khẳng định thương hiệu, vị thế, đưa Quảng Ninh trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước. Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế và tổng lượng khách du lịch đến với tỉnh, đóng góp của ngành Du lịch vào thu ngân sách và phát triển các mặt kinh tế - văn hóa - xã hội còn hạn chế; còn thiếu các sản phẩm du lịch chất lượng cao, thời gian lưu trú và mức chi tiêu của du khách tại Quảng Ninh còn thấp…

Bởi vậy, để từng bước khắc phục hạn chế, hiện thực hóa mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao của khu vực, mới đây trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xây dựng chương trình hành động với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp. Theo đó, Quảng Ninh đặt ra mục tiêu đến năm 2018, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh đạt 11 triệu lượt, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế; năm 2019 là 13 triệu lượt với 6 triệu lượt khách quốc tế; năm 2020 là 15-16 triệu lượt với 7 triệu lượt khách quốc tế. Thời gian lưu trú của khách du lịch tại tỉnh trung bình từ 3 ngày trở lên; thu ngân sách từ hoạt động du lịch chiếm 10-15% thu nội địa; giải quyết việc làm cho khoảng 130.000 người. Đến năm 2030, tổng khách du lịch đạt 30 triệu lượt, trong đó khách quốc tế 15 triệu lượt.

Để thực hiện mục tiêu này, trong chương trình hành động của tỉnh, việc đổi mới tư duy lãnh đạo quản lý; chú trọng hoàn thiện các cơ chế, thể chế; đầu tư cơ sở hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực du lịch… được đặc biệt quan tâm. Trên cơ sở đó, thời gian tới, cùng với quyết tâm tập trung phát triển, nâng cao tỷ trọng và chất lượng dịch vụ, phát triển du lịch một cách toàn diện theo quy hoạch đã được phê duyệt, Quảng Ninh tiếp tục chú trọng mở rộng không gian phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, gắn với giữ gìn và bảo vệ môi trường, bảo tồn và khai thác hiệu quả các giá trị Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, Khu di tích danh thắng tại Yên Tử, hệ thống di tích nhà Trần, khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng và trên 500 di tích khác của tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh tích cực huy động các nguồn lực tham gia phát triển và chia sẻ lợi ích từ du lịch. Nhất là tập trung đầu tư khai thác các khu vực động lực về phát triển du lịch, như: Đông Triều, Uông Bí, Hạ Long, Vân Đồn, Cô Tô, Móng Cái...Đồng thời đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị trong phát triển các sản phẩm du lịch; tập trung phát triển các loại hình sản phẩm có tính đặc trưng, thế mạnh của tỉnh, như: Biển, đảo; văn hoá, tâm linh; sinh thái cộng đồng; nghỉ dưỡng, chữa bệnh; biên giới; giải trí, vui chơi có thưởng…

Song song với đó, để nâng tầm du lịch Quảng Ninh, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật cho ngành Du lịch sẽ được tập trung đẩy mạnh thời gian tới. Điển hình như trong phát triển hạ tầng giao thông với mục tiêu đưa Quảng Ninh trở thành đầu mối giao thông đa dạng của khu vực, là điểm đến nhanh nhất của kinh tế quốc tế, tỉnh tiếp tục xây dựng, rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch đầu tư và dành nguồn lực thỏa đáng từ ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, động lực về du lịch. Trước mắt huy động các nguồn lực đầu tư đường cao tốc Vân Đồn - Hạ Long; đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả; Khu dịch vụ du lịch phức hợp giải trí cao cấp có casino tại Vân Đồn; Quốc lộ 4B Lạng Sơn - Tiên Yên; cảng biển Hải Hà…Đồng thời khai thác có hiệu quả Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, hợp tác với các hãng hàng không để mở đường bay mới kết nối với thị trường nguồn, tăng cường tần suất các đường bay theo từng năm. Tiếp tục tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ du lịch trọng yếu, như: Cảng tàu du lịch quốc tế, bến du thuyền, hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp; hạ tầng công nghiệp giải trí, các dự án tổ hợp cơ sở lưu trú khách sạn cao cấp, khu vui chơi giải trí có thương hiệu quốc tế...; từng bước xây dựng các đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường, hướng tới mô hình đô thị thông minh…

Thời gian tới, Quảng Ninh tiếp tục tăng cường các hình thức thông tin tuyên truyền về du lịch, quảng bá hình ảnh Vịnh Hạ Long và các danh thắng tự nhiên, văn hóa lịch sử của tỉnh, bảo đảm du lịch là một trong những nội dung trọng tâm, thường xuyên trong các chương trình truyền thông của các cơ quan thông tin đại chúng các cấp. Tiếp tục tâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng để từng bước hình thành văn hóa, văn minh trong ứng xử, kinh doanh dịch vụ du lịch. Xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về du lịch, trong đó cập nhật những kinh nghiệm, cách làm mới trong và ngoài nước; xây dựng và triển khai đề án đưa giáo dục về du lịch vào hệ thống giáo dục phổ thông; triển khai các chương trình phổ biển, nhân rộng các điển hình về phát triển du lịch ở Quảng Ninh; đưa chỉ tiêu phát triển du lịch và hỗ trợ phát triển du lịch thành tiêu chí đánh giá công tác thi đua khen thưởng hằng năm của các ngành, địa phương, nhất là các địa phương có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch…

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục