Hành trang lữ khách

Tháng tư về Bảy Núi (An Giang) du ngoạn

Cập nhật: 29/04/2009 14:01:52
Số lần đọc: 2672
Trong dịp lễ 30/4, 1/5 năm nay, du khách nhiều nơi đổ về vùng Bảy Núi (Thất Sơn) ở An Giang, nơi không chỉ nổi tiếng với lễ hội Vía Bà mà còn có nhiều điểm du lịch sơn cước hấp dẫn.

Tháng tư về Bảy núi, sau khi dự lễ hội Vía Bà chúa Xứ, lên đỉnh núi Sam ngắm dòng kinh Vĩnh Tế, chiêm ngưỡng nét đẹp của vùng biên giới Tây Nam Tổ quốc, viếng lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Thầy Tây An ở thị xã Châu Đốc, du khách có thể tiếp tục hành trình khám phá Thất Sơn huyền bí bằng cách về núi Cấm (Thiên Cấm Sơn) cách đó khoảng 30 km.

Núi Cấm cao 716 m, thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, là ngọn núi đẹp nhất trong 7 ngọn của dãy Thất Sơn hùng vĩ. Đường lên đỉnh núi ngoằn ngoèo, có nhiều khúc cua. Để lên đỉnh an toàn, tốt nhất là nên đi xe đặc dụng của ban quản lý khu du lịch núi Cấm. Nếu  muốn vừa đi vừa  thong thả ngắm cảnh, có thể thuê xe ôm với giá 60.000 đồng mỗi người một chuyến (cả đi và về). Cái thú vị của đi xe ôm là tài xế "kiêm" luôn vai trò hướng dẫn viên du lịch “thổ địa”, giúp du khách hiểu rõ hơn về những danh lam thắng cảnh trong khu vực núi Cấm.

Tượng phật Di Lặc trên đỉnh núi Cấm nặng 600 tấn, cao 36 m, đã được công nhận là lớn nhất Việt Nam. Nhìn từ xa, tượng mang dáng vẻ uy nghiêm nhưng khi đến gần, nhiều người lại cảm nhận được sự ấm áp, thanh thản toát lên từ gương mặt vui vẻ, hiền từ của đức Phật. Ở núi Cấm còn có nhiều thắng cảnh khác như chùa Phật Lớn, vồ Bạch Tượng, động Thuỷ Liêm.

Một trong những món ăn nổi tiếng không thể bỏ qua ở núi Cấm là bánh xèo, với hai loại chay và mặn. Điểm khác biệt giữa bánh xèo núi Cấm với bánh xèo nơi khác là nhân thường có măng tươi. Giá bánh khoảng 3.000 - 5.000 đồng một cái. Cái ngon không phải từ bánh mà chính từ hơn 20 loại rau rừng ăn kèm, trong đó nhiều loại có hương vị đặc biệt như đọt kim thất, cát lồi, đọt bứa …

Xuống núi, khách có thể dừng chân ở khu du lịch Lâm Viên, diện tích khoảng 100 ha, nằm ở phía đông chân núi. Dịch vụ giải trí ở đây khá phong phú với khu đờn ca tài tử, sân chơi cho trẻ em, nhà nghỉ, nhà hàng Kaolin với các món ăn đặc sản như bánh thốt nốt, bánh canh Vĩnh Trung, bò nướng mè, sườn dê nướng, chạo cá ba sa… Nếu khát, khách có thể uống một ly nước thốt nốt ngọt ngào, mát dịu với giá chỉ 3.000 đồng.

Sau núi Cấm, núi Sập (Thoại Sơn) cũng là một điển thu hút khách khám phá vùng Bảy Núi. Từ thành phố Long Xuyên, đi theo tỉnh lộ 943 chừng 25 km là đến núi Sập thuộc thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Núi cao hơn 200 m, nằm giữa vùng  tứ giác Long Xuyên. Muốn lên đỉnh, phải chạy xe theo một con đường bê tông ngoằn ngèo bề ngang chừng 4 m, dài chừng 1,5 km. Hai bên đường là  rừng cây nhỏ, xen lẫn vách đá với vực sâu. Con đường này được nhà nước đầu tư xây dựng vào năm 2005 để phục vụ du lịch.

Trên núi Sập có nhiều chùa. Tại đây cũng có tượng phật Di Lặc cao 8 m, tọa bên sườn núi của chùa Duyên Phước. Chùa trên núi thường không rộng nhưng mang vẻ thâm nghiêm. Hang Dơi nằm ở đoạn đường cuối lên đỉnh núi Sập cũng là nơi thu hút nhiều du khách. Muốn lên hang phải đi qua hai đoạn cầu thang sắt. Trên hang có một khoảng sân nhỏ với nhiều tảng đá gồ ghề chồng lên nhau. Ở đây, khách có thể thong dong ngắm nhìn đồng ruộng mênh mông, bát ngát, sông rạch dài xa tít tắp, vườn tược xanh um và thị trấn Núi Sập với nhà cửa san sát, lô nhô dưới chân núi.

Dưới chân núi là các hồ nước số 1, số 2 và hồ Ông Thoại thông nhau, xuyên qua những hang, hầm trong lòng núi. Trên mặt hồ có nhiều cá sấu giả nổi lên. Có một cầu vồng bắt ra ốc đảo nhỏ giữa hồ. Ở đó, tượng danh nhân Thoại Ngọc Hầu đứng oai phong, cầm chiếu chỉ của vua ban. Ven bờ có đội thuyền thiên nga cho khách thuê để dạo quanh hồ. Trên núi Sập còn có đình thờ Ông Thoại (Thoại Sơn cổ tự) để tưởng nhớ người đã có công lãnh đạo khai phá vùng Bảy Núi cách đây khỏang 200 năm. 

Nguồn: website dulichnet

Cùng chuyên mục